Thời sự

Mục tiêu giảm biên chế thất bại toàn tập

30/11/2017, 10:29

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản bộ máy, số người hưởng lương, phụ cấp không giảm mà tăng lên.

8

Trưởng ban Tổ chức T.Ư  Phạm Minh Chính trình bày, phân tích Nghị quyết số 18

Ngày 29/11, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII. Đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng, dù là chủ trương của Đảng nhưng thực tế lâu nay chưa thấy ai được khen vì làm tốt, cũng chưa có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế.

Biên chế, tổ chức hành chính đều tăng

Trong buổi sáng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính trình bày, phân tích Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, 30 năm qua, chúng ta đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi mặt. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông dẫn chứng, cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với năm 2011; có 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; 750 vụ, cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ, tăng 13% so với năm 2011. Số liệu này chưa kể quân đội và công an. Ngoài ra, các cơ quan giúp việc của T.Ư tăng 23 đầu mối, 21,9% và 40 đầu mối cấp vụ, tăng 21%; đầu mối cấp phòng tăng 37,4%. Các cơ quan tham mưu giúp việc các tỉnh cũng tăng 162 đầu mối cấp phòng…

Về số bộ, ngành thuộc Chính phủ, dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn đến 30 đầu mối, trong khi ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc là 20… So với các nước châu Âu, Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Về đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện, 1.136 xã… Trong 10 năm qua, chỉ giảm duy nhất được một tỉnh là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, còn lại chỉ có xu hướng là phải tách ra chứ không có nhập vào.

Bên cạnh đó, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn còn chồng chéo giữa một số cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan chuyên môn Nhà nước như: Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… với cơ quan nội vụ, thanh tra, thông tin - truyền thông của Nhà nước. Điển hình như việc quản lý nợ công, có 3 bộ, ngành gồm Bộ: KH-ĐT, Tài chính, NHNN quản lý với nhiều cán bộ tham gia nhưng phối hợp không chặt chẽ, có những vấn đề không kiểm soát được.

Lạm phát lãnh đạo

Một nghịch lý khác trong câu chuyện tinh giản biên chế được ông Chính nêu ra là hiện nay chúng ta có quá nhiều người hưởng lương từ ngân sách, tính đến ngày 1/3/2017, có khoảng 4 triệu người, chưa tính lực lượng quân đội và công an. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản bộ máy thì số người hưởng lương, phụ cấp không giảm mà tăng lên. “Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 - 150.000 người, nhưng thực tế không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”, ông Chính nhấn mạnh.

So sánh với các nước, ông cho biết, tỷ lệ công nhân, viên chức hưởng lương trên 1.000 dân thì Việt Nam có 43 người chưa kể quân đội và công an. Trong khi đó, một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philippines 1.000 dân có 13 cán bộ, công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người, Đông Ti Mo có 18 người; Singapore có 25 người… Dù Nghị quyết của T.Ư và Quốc hội đều đã đề cập rõ tình trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp, nhưng Trưởng ban Tổ chức còn băn khoăn khi qua rà soát chưa thấy ai được khen vì làm tốt, chưa thấy ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế. “Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó”, ông Chính nói.

Đặc biệt, ông Chính thẳng thắn thừa nhận bất cập là số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan Nhà nước chiếm tỷ lệ cao, nhưng nhiều nơi lại không đủ cấp phó để đi họp. Từ thực tế đó, ông Chính cho rằng, chúng ta phải đổi mới đồng bộ cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy, cán bộ. Cán bộ phải tốt, cơ chế vận hành linh hoạt, giảm các cuộc họp… thì lúc đó mới giảm cấp phó được.

Một thực tế khác là phát sinh cái gọi là "hàm" bên cạnh lãnh đạo đơn vị đến hưởng phụ cấp. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 19 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng.

Khắc phục việc lười học, ngại học nghị quyết

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cho biết, Hội nghị T.Ư 6 vừa qua đã thảo luận và quyết định ban hành những nghị quyết, kết luận rất quan trọng, trong đó có 4 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 20 “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 21 “về công tác dân số trong tình hình mới”.

Ông cũng cho hay, hội nghị sẽ nghe các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên T.Ư Đảng, những người trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị xây dựng các đề án trình hội nghị T.Ư giới thiệu, quán triệt nội dung các nghị quyết này.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư lưu ý cần kiên quyết khắc phục căn bệnh ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt, lấy lý do công việc mà bỏ học nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ, không chịu suy nghĩ, phân tích để hiểu rõ những điểm mới, những yêu cầu mới mà tình hình hiện nay đòi hỏi.

Chiều ngày 29/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giới thiệu, phân tích Nghị quyết về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (ĐVSNCL).

Hiện, cả nước có 57.995 ĐVSNCL với tổng biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức, trong đó ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% tổng số biên chế. Chi lương cho các ĐVSNCL chiếm tới gần 40% tổng Quỹ lương của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 12.968 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên, 42.146 đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo hoàn toàn hoạt động.

Với đòi hỏi của nhu cầu cuộc sống và việc T.Ư Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 19, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thời điểm chín muồi của sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ĐVSNCL đã tới. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ vừa cấp bách - phải làm ngay, vừa lâu dài đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.