Quản lý

Mượn thùng xe tải đúng chuẩn đi đăng kiểm có bị xử phạt?

19/05/2019, 11:27

Các trung tâm đăng kiểm cho biết, không tiếp nhận đăng kiểm xe thuê, mượn linh kiện của xe khác để đưa vào kiểm định.

img
Thanh tra Sở GTVT Nghệ An kiểm tra kích thước thùng xe tải trên đường

Từ năm 2014, Cục Đăng kiểm VN triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn xe ô tô tải sử dụng thành, thùng xe có kích thước lớn hơn so với tiêu chuẩn cho phép, góp phần ngăn chặn nạn chở quá tải.

Các trung tâm đăng kiểm khi kiểm định xe tải phải đo, đối chiếu kích thước thùng xe thực tế với hồ sơ kỹ thuật, chụp và lưu lại ảnh tại thời điểm kiểm định. Trường hợp thùng xe dù có cọc, chi tiết kỹ thuật “chờ” để nối cao thành xe (trước hoặc sau khi kiểm định) vẫn yêu cầu chủ xe cắt bỏ, khôi phục theo hồ sơ thiết kế. Trường hợp phát hiện phương tiện thuê, mượn thùng xe (có kích thước chuẩn) để đăng kiểm cũng phải từ chối kiểm định.

Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, quy định về kiểm định xe cơ giới tham gia giao thông cấm hành vi tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe theo thiết kế cả nhà sản xuất đã được cơ quan quản lý duyệt; cũng như hành vi dùng linh kiện, thiết bị khác để lắp đặt tạm vào xe nhằm mục đích được cấp chứng nhận kiểm định.

“Trường hợp bị phát hiện thuê, mượn linh kiện như lốp, thùng xe để đưa xe vào đăng kiểm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Cụ thể, Khoản 8 Điều 30 Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộđường sắt quy định, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô có hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định.

Hành vi khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng bị xử phạt 2-4 triệu đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Mức phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi: tự ý thay đổi tổng thành khung, động cơ, hệ thống phanh, truyền lực, hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe chở khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.

Nghị định 46 cũng quy định, Thanh tra GTVT được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.