Hồ sơ tài liệu

Mỹ - Iraq "cắn xé" lẫn nhau vì IS

27/05/2015, 07:45

Cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã có sự rạn nứt khi Mỹ và Iraq đổ lỗi cho nhau.

111

Người dân Iraq tháo chạy trước sự man rợ của phiến quân IS

Tranh cãi Mỹ - Iraq

Vài ngày qua, liên tiếp các thành phố và các cứ điểm chiến lược tại Iraq, Syria thất thủ trước sức tấn công của phiến quân IS. Sau Ramadi, IS kiểm soát hoàn toàn cửa khẩu Al-Walid trên biên giới Iraq - Syria, cửa khẩu Al-Tanaf bên phía Syria.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói: “Các lực lượng Iraq chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar chẳng những không ít mà còn đông hơn đối thủ nhưng họ thiếu ý chí chiến đấu, luôn tìm cách tháo chạy khỏi thành phố chiến lược này một cách an toàn nhất. Mỹ có thể huấn luyện, hỗ trợ trang thiết bị quân sự, song không thể cho họ ý chí chiến đấu”, theo CNN ngày 25/5.

Phản ứng ngay sau nhận định trên, ông Hakim al-Zamili - Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc hội Iraq cho rằng, ý của ông Carter chẳng khác nào chỉ ra, Mỹ hỗ trợ chưa thỏa đáng cho quân đội Iraq trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Ông al-Zamili chỉ trích, bình luận của người đứng đầu Lầu Năm Góc là “không thực tế, vô căn cứ” và rằng: Mỹ đang tìm ai đó để chịu lỗi thay cho họ.  Cùng ngày, tờ Sputniks trích lời Thủ tướng Iraq Haider Abadi tuyên bố: “Không cần tới vài tháng, chỉ vài ngày nữa thôi, các lực lượng Iraq sẽ chiếm lại thành phố Ramadi”.

Về phía mình, Bộ trưởng Carter cho biết: “Việc Mỹ sử dụng không kích tại Iraq đóng góp rất hiệu quả trong cuộc chiến chống IS nhưng điều đó không thể thay thế được ý chí chiến đấu bảo vệ quốc gia của chính người dân Iraq”. Mặt khác, ông khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có kế hoạch đưa quân vào khu vực này bất chấp nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, ứng cử viên Tổng thống Mỹ.

không kích thất bại

Sức chiến đấu yếu ớt của các lực lượng an ninh bản địa đã đặt dấu hỏi về chiến lược chống IS của liên quân quốc tế. Tờ Foxnews nhận định, việc thành phố Ramadi thất thủ đặt ra nhiều câu hỏi về sự thiếu hiệu quả trong cách tiếp cận của Mỹ tại Iraq - pha trộn giữa tái đào tạo và tái xây dựng lại quân đội Iraq, hối thúc chính phủ hòa giải với nhóm Hồi giáo nhánh Sunni; đồng thời tổ chức các cuộc không kích những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo, nhưng nhất quyết không triển khai bộ binh. Chính quyền Mỹ năm lần bảy lượt bảo vệ chính sách của họ trong việc ngăn chặn bước tiến man rợ và khó lường trước của IS vào Iraq và Syria. Tuy nhiên, kết quả, thành phố trọng yếu Ramadi vẫn thất thủ và đây chính là thất bại lớn. Người phát ngôn Nhà Trắng - ông Eric Schultz có lần khẳng định: “Chúng tôi không phủ nhận đó là thất bại”.  

Theo Phó Tổng thống Iraq, Ayad Allawi thì những trận không kích đã không kiểm soát được sự bành trướng của IS và vì thế, cần có một chiến lược đối phó riêng. Còn Ngoại trưởng nước này, Khalid bin Mohammed Al Attiya cho rằng, chiến dịch không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu không đủ để đánh bật các nhóm chiến binh IS. Bởi điều quan trọng là phải giải quyết được các vấn đề nội tại của những nước liên quan. Tính đến thời điểm này, hơn 3 nghìn cuộc không kích tại Iraq và Syria đã được thực hiện. Ngay cả chính phủ Mỹ mới đây cũng phải thừa nhận, vấn đề IS không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo các nhà phân tích, dù bên nào phải chịu trách nhiệm, thì những thất bại vừa qua buộc các bên liên quan phải đánh giá lại chiến lược của mình. Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi điều thêm 10 nghìn binh lính Mỹ không trực tiếp chiến đấu tới Iraq. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Rajini Vaidyanathan của BBC thì:  Bình luận trên của ông Carter càng khiến cho nhiều người tin rằng, để đánh bại IS cần phải đưa quân đội Mỹ tham chiến trên thực địa.

Ước tính, hiện phiến quân IS kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và 50% lãnh thổ Syria. Trước đó có tin, sau khi IS chiếm được thành cổ Palmyra của Syria đã hành quyết ít nhất 400 người; tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.