Góc nhìn

Mỹ khai hỏa "súng lớn" trong trận chiến thương mại với Trung Quốc

04/04/2018, 08:26

Cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến bờ vực...

36

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu khi hai bên "ăn miếng, trả miếng"

Cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến bờ vực chiến tranh thương mại khi Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục áp thuế cao các mặt hàng công nghệ cao trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc.

“Ăn miếng, trả miếng”

Theo nhận định của giới phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cuộc xung đột thương mại “ăn miếng, trả miếng” đã bắt đầu khi Trung Quốc chính thức tăng thuế từ 15 - 25% đối với 128 sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Rất nhanh chóng, Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc “bóp méo thị trường toàn cầu” và cho rằng, sự trợ cấp và khả năng sản xuất dư thừa của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng thép.

Động thái này được Trung Quốc lý giải là nhằm bảo vệ lợi ích của mình và cân bằng các tổn thất do mức thuế mới của Mỹ lên các sản phẩm nhôm, thép, trong khi tới 50% sản lượng thép toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy vậy, “phát súng” đầu tiên nhằm vào Mỹ của Bắc Kinh được các nhà quan sát đánh giá là tương đối ôn hòa. Trong khi Washington dọa đánh thuế 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thì Bắc Kinh phản công lại một cách khiêm tốn lên 3 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ (2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc).

Các nhà phân tích cho rằng, các biện pháp “đau đớn hơn” nhằm vào đậu nành, ô tô và máy bay của Mỹ có thể theo sau nếu Washington vẫn cố lao vào một cuộc chiến tranh thương mại sẽ bất lợi cho cả đôi bên. Đồng thời cho rằng, dù “có hy vọng” trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc sẽ không “xuống nước”.

Học giả Gregory Moore, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Đại học Nottingham cho biết, hành động mới nhất của Bắc Kinh là một trong những “dấu hiệu mở màn của cuộc chiến thương mại và cả hai bên đều có thể hành động nhiều hơn. Trung Quốc sẽ theo kịp mọi thứ mà Mỹ làm”.

Vụ xung đột thương mại này xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phàn nàn về thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc với Mỹ lên tới 375 tỷ USD trong năm 2017 và không hề thu hẹp trong vòng 17 năm qua. Ông Trump cũng thẳng thắn cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc dùng nhiều cách để “đánh cắp” chất xám của Mỹ trong các ngành công nghệ cao.

“Vừa đánh, vừa xoa”

Giới quan sát cho rằng, phản ứng của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận, với mức thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ đủ để gây tổn hại cho các nông dân chăn nuôi lợn của nước này.

Và “bây giờ đến lượt Mỹ, quả bóng đang trong sân của họ”, Giáo sư kinh tế John Gong tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trung Quốc) nhận định. Nếu Mỹ làm bất cứ điều gì tiếp tục cuộc chiến này thì “vũ khí” tiếp theo là đậu nành, mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc (trị giá 14 tỷ USD/năm), dự kiến sẽ làm tổn thương thêm nông nghiệp Mỹ, một yếu tố có ảnh hưởng chính trị đáng kể đối với chính quyền Mỹ.

Tuy vậy, Bắc Kinh cũng khéo léo đưa ra “một củ cà rốt” cho Mỹ thông qua các nhượng bộ về mở cửa thị trường khác nhau. Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường thanh toán trị giá 27 nghìn tỷ USD cho các công ty nước ngoài, thứ mà một số công ty Mỹ như Visa và Mastercard đã kêu gọi nhiều năm.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng trước tuyên bố sẽ chấm dứt việc chuyển giao công nghệ bắt buộc trong khu vực sản xuất của Trung Quốc và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ông cũng hứa sẽ giảm bớt các hạn chế tiếp cận thị trường đối với đầu tư nước ngoài và mở ra một số lĩnh vực nhất định.

Ông Gong cho rằng, “những nhượng bộ của Trung Quốc được nhìn thấy trong những lời hứa này, nhưng có một vấn đề lớn, có vẻ như Washington không tin họ sẽ chờ đợi được đến khi các cam kết này được thực hiện”.

Đặc biệt, khi đội ngũ cố vấn của ông Trump ngày càng hiếu chiến hơn, trong đó có Giám đốc chính sách thương mại và công nghiệp Peter Navarro, tác giả cuốn sách Cái chết bởi Trung Quốc, người đưa nhiều ý kiến chống lại các chính sách thương mại của Bắc Kinh.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, Diễn đàn kinh tế Bác Ngao sắp tới (diễn ra từ ngày 8 - 11/4) sẽ là thời điểm thích hợp để Trung Quốc công bố những cải cách thương mại. Nhưng tất cả vẫn phải chờ hành động của Mỹ vào thứ sáu tuần này (6/4) với danh sách áp thuế lên các mặt hàng công nghệ cao trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.