Thế giới

Mỹ muốn cung cấp vũ khí cho Ukraine để bảo vệ... NATO

05/03/2015, 06:24

Mỹ đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và hai nước tiến hành tập trận chung, trong bối cảnh

111

Hôm nay, quân đội Mỹ - Ukraine bắt đầu tập trận chung

Cân nhắc cung cấp vũ khí

Hôm qua, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lần đầu lên tiếng ủng hộ việc nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại phe ly khai đòi độc lập, thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo AFP.

Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông Dempsey nói: “Chúng ta nên cân nhắc việc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, thông qua NATO do mục đích cuối cùng của ông Putin là làm NATO tan rã”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ashton Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng có những phát biểu tương tự. Còn Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 3/3, đã thúc giục phương Tây hỗ trợ quân sự cho nước này và xác nhận nhiều quốc gia đang hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine.

Việc đề xuất cung cấp vũ khí cho Ukraine hiện đang bị một số nước thành viên NATO như Pháp, Đức phản đối bởi lo ngại sẽ làm căng thẳng hơn nữa các cuộc xung đột giữa phe ly khai và quân Chính phủ ở miền Đông.

Trước đó, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Frederick Ben Hodges cho biết, theo đánh giá của quân đội Mỹ, có khoảng 12 nghìn binh sĩ Nga đang chiến đấu bên cạnh quân ly khai đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Ngoài ra, 50 nghìn binh sĩ các lực lượng vũ trang Nga vẫn áp sát biên giới Nga-Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ và cho rằng đó là bịa đặt vô căn cứ và các giám sát viên quốc tế vẫn chưa ghi nhận bất cứ vi phạm nào của Nga tại biên giới với Ukraine, kể cả các hoạt động quân sự không được thông báo.

Cáo buộc vi phạm ngừng bắn

Tại cuộc thảo luận giữa Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia về cuộc khủng hoảng Ukraine và các vấn đề an ninh toàn cầu khác, Tổng thống Barack Obama cho biết, đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí và thiết bị chiến tranh cho Ukraine. Và lãnh đạo các nước này đều nhận định cần phải có phản ứng “mạnh mẽ” nếu thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng trước tại Minsk bị vi phạm. Nếu xảy ra, sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Hôm qua, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, tất cả các đơn vị pháo 100mm, gồm cả pháo chống tăng Ripira, đã được di chuyển khỏi đường giới tuyến theo thỏa thuận Minsk. Thế nhưng, ông Eduard Basurin, lãnh đạo quân đội Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tuyên bố Kiev chưa có ý định rút hoàn toàn vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến, thậm chí còn giấu vũ khí để đánh lừa phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Ông Basurin cũng cáo buộc quân đội Kiev vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong đêm 3 và ngày 4/3 khi nã pháo tới 11 lần về phía Donetsk, điều này cho thấy phía chính quyền Ukraine không thực hiện đúng cam kết rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến. Trước đó, phe ly khai tuyên bố đã rút hoàn toàn vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến.

Trong một diễn biến liên quan, hôm nay (5/3), Mỹ và Ukraine sẽ tập trận chung từ ngày 5/3 đến ngày 31/10 tại Trung tâm An ninh và Gìn giữ hòa bình Quốc tế (IPSC) ở Yavorov, khu vực Lviv miền Tây Ukraine. Mỹ cũng có kế hoạch gửi 300 quân nhân tới huấn luyện cho binh sỹ Ukraine kể từ ngày 5/3. Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã trình lên Quốc hội dự luật tăng quy mô các lực lượng vũ trang lên 250 nghìn người. Hồi đầu năm 2014, quân số là 168 nghìn người và đến cuối năm tăng lên 232 nghìn người.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc, các cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine đã khiến hơn 6 nghìn người thiệt mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.