Hồ sơ tài liệu

Mỹ sắp chuyển giao công nghệ sản xuất F-16 cho Ấn Độ

24/09/2016, 13:20

Mỹ đang có kế hoạch bán chiến đấu cơ F-16 cho Ấn Độ thông qua hợp đồng xuất khẩu tại chỗ...

1

Chiến đấu cơ F-16 đang được Mỹ lên kế hoạch bán cho Ấn Độ

Theo trang tin quân sự Defensenews, Mỹ đang có kế hoạch bán chiến đấu cơ F-16 cho Ấn Độ thông qua hợp đồng xuất khẩu tại chỗ, xây dựng dây chuyền sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu F-16 cho quốc gia này.

Sản xuất máy bay tại chỗ

Defensenews trích dẫn nguồn tin từ những người đứng đầu Không quân Mỹ (UAF) cho hay, các vấn đề về chuyển giao công nghệ sẽ là điểm nhấn liên quan đến khả năng loại bỏ dần các biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với Ấn Độ, cho phép tập đoàn Lockheed Martin di chuyển dây chuyền sản xuất máy bay F-16 sang quốc gia này.

Trước chuyến công du hồi tháng 8 tới châu Á- TBD, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James cho báo giới hay, UAF đã thảo luận với các quan chức quốc phòng Ấn Độ về khả năng Mỹ bán máy bay F-16 và F/A-18 cho Ấn Độ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và đẩy mạnh sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia. Cả Lockheed và Boeing đều đưa ra đề xuất di chuyển dây chuyền sản xuất máy bay F-16 và F/A-18 sang Ấn Độ với hy vọng tăng doanh số và doanh thu từ hai loại máy bay chủ lực nói trên.

Bà Deborah Lee James cũng cho biết chi tiết về cuộc đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Ashok Kumar Gupta, Đại tướng không quân Ấn Độ Arup Raha và Birender Singh về các đề xuất công nghiệp. Cuộc đàm phán đã nhắc nhiều tới vấn đề chuyển giao công nghệ, điều mà phía Mỹ xem là cực kỳ quan trọng trước khi hai bên ký kết thỏa thuận cụ thể.

"Rõ ràng, việc chuyển giao công nghệ là điều Ấn Độ thực sự quan tâm, thực sự hy vọng và tìm kiếm. Với việc chuyển giao công nghệ sẽ giúp cả hai có thể tiếp tục đi sâu vào hợp tác nhiều vấn đề khác. Tôi cho rằng đây là một yếu tố quyết định giúp Ấn Độ giải quyết được nhiều vấn đề, tạo công ăn việc làm, tiếp cận công nghệ mới... nhằm thực hiện chương trình mở rộng năng lực sản xuất của Ấn Độ, như sáng kiến Thủ tướng Narendra Modi đề xuất mang tên Make in India", bà James khẳng định.

Boeing và Lockheed cho rằng nhu cầu mua máy bay chiến đấu của Ấn Độ là một điều kiện mà Mỹ có thể di chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ. Thực sự, Ấn Độ không chỉ có nhu cầu mua máy bay của Mỹ mà còn có nguyện vọng mua các khí tài khác, như máy bay Gripen của hãng Saab, Thuỵ Điển và Eurofighter Typhoon của châu Âu. Điều lạ, theo bà James, các quan chức Ấn Độ lại không mặn mà đối với tiêm kích mới nhất của UAF, mặc dù đến nay F-35 đã có tới 10 khách hàng quốc tế đặt mua. Tuy nhiên cũng theo bà James, phía Mỹ không hy vọng Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định này sớm, ít nhất khoảng một năm.

2

Mỹ coi Ấn Độ là đối tác quốc phòng lớn (ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong một chuyến thăm Ấn Độ)

 Chuyển giao công nghệ, vấn đề cốt lõi Ấn Độ quan tâm

Đánh giá về sự kiện trên, ông Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ ở Tập đoàn Teal Group cho rằng, với tuổi thọ của máy bay và muốn bán được nhiều F-35, nên hãng Lockheed sẵn sàng di chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ để đổi lấy một hợp đồng lớn, tuy nhiên chính phủ Ấn Độ vẫn chưa quyết định cụ thể. Về phía Mỹ, vấn đề chuyển giao công nghệ mới là mấu chốt, đây chính là tiêu chí quan trọng quyết định tiến độ của dự án.

Việc tìm kiếm nguồn gia công ở nước ngoài, hoặc thậm chí tạo ra một dây chuyền sản xuất riêng biệt, không phải là một động thái mới đối với Mỹ. Trong quá khứ Lockheed đã từng ký các thoả thuận tương tự với khách hàng mua F-16 như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và ký với Nhật Bản sản xuất F-2, một biến thể của F-16 giữa Lockheed và Mitsubishi.

3

Nội thất bên trong chiến đấu cơ F-16

Mặc dù, việc giao hàng F-16 sẽ kết thúc vào năm 2017, nhưng theo ông Randy Howard, Giám đốc kinh doanh của Lockheed, Lockheed tin rằng sẽ tiếp tục bán được thêm nhiều hàng nên vẫn có thể duy trì dây chuyền sản xuất cho đến năm 2021. Tuy nhiên, khi được hỏi việc di chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ tốn kém bao nhiêu, ông Howard lại trả lời láp lửng, rằng "nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố".

Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa chính phủ Mỹ và Ấn Độ đang được tiến hành, giả sử thỏa thuận được ký kết, Lockheed cũng có thể sẵn sàng để mở rộng cho các công ty Ấn Độ tham gia ở mức độ nhà cung cấp. "Theo đề xuất, Lockheed Martin sẽ cung cấp cho Ấn Độ cơ hội độc quyền sản xuất, vận hành và xuất khẩu F-16 Block 7. Chúng tôi cũng biết được khả năng tham dự của phía Ấn Độ trong dự án cung ứng F-16 và sẽ lựa chọn những dịch vụ tốt nhất mà phía Ấn Độ có thể đảm nhận", ông Randy Howard khẳng định.

Vài nét về F-16 

F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ.

F-16 được trang bị một động cơ, một súng M61 Vulcan ở gốc cánh trái, và hầu như luôn mang theo hai tên lửa AIM-9 Sidewinder, mỗi chiếc ở một đầu mút cánh hay trên ray riêng. Các phiên bản mới gần đây được trang bị thay thế bằng loại AIM-120 AMRAAM. Nó cũng được trang bị rất nhiều kiểu tên lửa không đối không, không đối đất, rocket hay bom, trên các giá treo cứng dưới cánh.

Nguyên thuỷ, F-16 được ra đời để trở thành một loại "ngựa thồ" đa năng hiệu suất, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ và sẵn sàng xuất kích. Tiêm kích điện tử F-16 có cấu hình đơn giản và nhẹ hơn so với các kiểu máy bay đi trước, nhưng lại có hình dạng khí động học và hệ thống điện tử hiện đại fly-by-wire. Hệ thống sử dụng thiết bị điện tử kết hợp với các máy tính giúp điều khiển bay ổn định, thích ứng với những thay đổi của các điều kiện khí động, tin cậy, an toàn cao. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.