Thế giới giao thông

Mỹ tham vọng không còn người chết vì TNGT

13/10/2016, 07:00
image

Chính phủ Mỹ lên kế hoạch đầy tham vọng về tương lai không TNGT mang tên “Road to Zero Coalition”.

Tỉ lệ TNGT năm 2015 tại Mỹ tăng cao nhất
Tỉ lệ TNGT năm 2015 tại Mỹ tăng cao nhất kể từ năm 1966

Trong bối cảnh tỉ lệ TNGT đường bộ tăng cao gây thiệt hại nặng về người và của thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ lên kế hoạch đầy tham vọng về tương lai không TNGT mang tên “Road to Zero Coalition”.

97 người chết mỗi ngày, thiệt hại 871 tỷ USD

Theo Reuters, ngày 5/10, Ủy ban An toàn đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) thông báo số người chết vì TNGT đường bộ tăng cao báo động. Số người thiệt mạng tăng 10,4% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, lên 17.775 người - con số cao nhất kể từ năm 2009 xét trên khung thời hạn nửa năm. NHTSA cảnh báo, mức độ TNGT đã chạm ngưỡng “khủng hoảng”.

Con số này tiếp nối thống kê TNGT đường bộ năm 2015 với biến động tăng cao nhất kể từ năm 1966. Cụ thể, số người thiệt mạng vì TNGT đường bộ năm 2015 tăng 7,2% lên 35.092 người. Theo Bộ Giao thông Mỹ (DOT), năm ngoái, tổng số vụ TNGT tại Mỹ tăng 4% lên 6,3 triệu vụ, trong đó số người bị thương tăng 4,5% lên 2,44 triệu người. Hầu hết, số nạn nhân trong năm 2015 gia tăng chủ yếu đến từ người đi bộ, xe máy và xe đạp, phân tích của NHTSA cho biết.

Không chỉ thiệt hại về người, TNGT gây thiệt hại nặng về sức khỏe và kinh tế. Ước tính, thiệt hại kinh tế và xã hội vì TNGT lên tới 871 tỷ USD, đặt gánh nặng cho người dân Mỹ. Trong đó, 277 tỷ USD là thiệt hại về kinh tế; 594 tỷ USD thiệt hại về người và chất lượng cuộc sống suy giảm. Chủ tịch Ủy ban NHTSA Mark Rosekind nhận định, tỉ lệ TNGT lên tới mức “khủng hoảng” và kêu gọi cơ quan chức năng cần nhanh chóng hành động để ngăn chặn xu hướng đang gia tăng này.

Mục tiêu không người thiệt mạng vì TNGT

Trước tình hình báo động đó, ngày 5/10 vừa qua, DOT mạnh dạn đề ra mục tiêu không còn TNGT trên đường phố Mỹ trong 30 năm tới. Chiến dịch mang tên “Road to Zero Coalition” được thực hiện với sự phối hợp của NHTSA, Cục Đường cao tốc liên bang, Cục An toàn ô tô liên bang, Hội đồng An toàn quốc gia. Các cơ quan này sẽ cùng phối hợp thực hiện các biện pháp, chiến dịch, giảm người chết vì TNGT về con số 0 cho tới năm 2046.

Bộ trưởng DOT - Anthony Foxx nói: “Chúng tôi biết, thiết lập mục tiêu an toàn lên tiêu chuẩn cao nhất đòi hỏi phải nhận được cam kết từ tất cả mọi người để thay đổi suy nghĩ về an toàn - từ tài xế lái xe đến ngành Công nghiệp ô tô, tổ chức an toàn, Chính phủ ở mọi cấp bậc”. Chủ tịch NHTSA Mark Rosekind nói thêm: Mỗi một cái chết vì TNGT đường bộ đều là thảm kịch. Đó là điều chúng ta có thể ngăn chặn”.

Để biến tham vọng tưởng chừng không thể thành hiện thực, liên minh các cơ quan giao thông Mỹ ban đầu sẽ tập trung cải thiện việc tuân thủ sử dụng đai an toàn, lắp đặt thêm giảm tốc phát âm thanh (rumble strip), tăng cường an toàn đối với xe tải, ra quân các chiến dịch thay đổi hành vi và kiểm soát bằng dữ liệu. DOT cam kết chi 1 triệu USD/năm trong vòng ba năm để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Ngoài những chiến lược trên, Mỹ chú trọng vào công nghệ xe tự lái với hy vọng đây sẽ là “át chủ bài” hạn chế TNGT đường bộ xuống mức tối thiểu. Hãng sản xuất ô tô Volvo (Thuỵ Điển) từng cam kết sẽ phát triển công nghệ và mức độ an toàn cho xe ô tô tới mức sẽ không có người chết/bị thương vì xe của họ đến năm 2020. Hãng sản xuất ô tô Thuỵ Điển còn tuyên bố sẽ chịu trừng phạt về pháp lý nếu xe tự lái của Volvo gặp tai nạn. Ngoài Volvo, hiện nay, rất nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới như: Volkswagen, Nissan, Toyota, Ford, GM, BMW, FCA, đều đặt mục tiêu trong một thập kỷ tới sẽ ra mắt xe tự lái. “Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ và phương tiện tự động lái, DOT tin rằng, tầm nhìn không có người thiệt mạng và bị thương nghiêm trọng sẽ đạt được ngay trong 30 năm tới”, DOT nhận định.

Tại Los Angeles, bang California, Thị trưởng Eric Garcetti cũng cam kết sẽ chấm dứt TNGT tại thành phố này từ năm 2025 - trước thời hạn Chính phủ liên bang đặt ra khoảng 20 năm.

"Tầm nhìn không TNGT đường bộ" được thực hiện tại Thuỵ Điển từ những năm 1997 với cái tên Vison Zero bước đầu cho thấy hiệu quả giảm thiểu TNGT. Kể từ năm 2000, số ca tử vong vì TNGT ở Thụy Điển giảm đáng kể. Năm 2012, chỉ có một trẻ em dưới 7 tuổi chết vì TNGT (con số này là 58 người năm 1970).

Năm 2013, 264 người chết vì TNGT (giảm hơn 1/2 so với năm 1997), trong khi lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng gấp đôi. Theo New York Times, năm 2014, tỷ lệ tử vong do TNGT ở Stockholm là 1,1 người/100.000 dân. Tỷ lệ này là 5,5 ở Liên minh châu Âu (EU) và 11,4 ở Mỹ. Trên cả đất nước Thụy Điển, tỷ lệ này là 2,7 người/100.000 dân, thấp nhất thế giới.

 >>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.