Thế giới giao thông

Mỹ thu phí đường như thế nào?

12/09/2017, 09:42

Ở nhiều bang của Mỹ, người dân có thể lựa chọn đi đường thu phí để giảm thiểu tắc đường và chất lượng đường...

25

Đường thu phí tại Mỹ

Lợi nhuận 14,7 tỷ USD từ đường thu phí

Tại sao ở Mỹ có đường thu phí và đường miễn phí? Vì phần lớn số tiền dùng để xây đường tại Mỹ được lấy từ Quỹ Tín thác đường cao tốc (HTF) từ thuế xăng dầu. Nhưng, nguồn thu này đang ngày một giảm sút vì nhiều lý do: Thuế xăng dầu không tăng từ năm 1993; Công nghệ phát triển giúp tiết kiệm nhiên liệu; Giao thông công cộng phát triển… Do đó, không còn cách nào hợp lý hơn là buộc phải thu phí để tăng ngân sách đầu tư xây dựng/bảo trì đường bộ.

Theo Báo cáo về thu phí đường bộ tại Mỹ, lợi ích đầu tiên mà người dân nhận được khi di chuyển trên đường thu phí là đường tốt hơn, an toàn, ít tắc nghẽn, dễ dự đoán thời gian hành trình và giảm nhu cầu đóng thuế để phục vụ xây mới/bảo trì đường bộ. Báo cáo này cho rằng, nếu không có tiền từ thu phí, nhiều tuyến cầu/đường tại Mỹ có lẽ không bao giờ được xây dựng. Người điều khiển phương tiện có thể chọn đường thu phí hoặc đi các tuyến thay thế khác và không ai có quyền ép buộc cánh tài xế trong việc này.

Theo số liệu thống kê mới nhất trong Báo cáo về thu phí đường bộ tại Mỹ năm 2015, hiện có 35 bang/lãnh thổ tại Mỹ có ít nhất một đường cao tốc/cầu/hầm phải thu phí. Ước tính có tới 5,7 tỷ chuyến đi/năm trên các đường thu phí tại Mỹ. Cơ quan đường cao tốc Liên bang Mỹ thống kê, Mỹ đang sở hữu tổng cộng 9.546km đường thu phí và nhiều đường tại Mỹ áp dụng kỹ thuật thu phí tự động sử dụng thẻ RF.

Về lợi nhuận từ thu phí, số liệu mới nhất do Tập đoàn Goldman Sachs thống kê và công bố hồi tháng 7/2017 ước tính, Mỹ tạo ra khoảng 14,7 tỷ USD lợi nhuận thường niên từ các đường thu phí thuộc quản lý nhà nước. Trong đó, các đường này tạo ra lợi nhuận trung bình khoảng 65%.

Trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm, một số bang ở Mỹ còn muốn thu phí trên các tuyến đường cao tốc liên bang sẵn có. Mặc dù các đường cao tốc này vốn được xây bằng tiền thuế, nhưng đang già cỗi và xuống cấp trầm trọng theo thời gian nếu không có nguồn đầu tư mới để bảo trì. Chi phí để sửa chữa, duy tu những con đường này sẽ còn cao hơn chi phí xây dựng ban đầu. Trong khi, quỹ HTF lại không còn đủ tiền để bảo trì chứ chưa nói đến xây lại. Do đó, chính quyền phải nghĩ đến việc thu phí để gây quỹ.

Bán đường thu phí cho công ty nước ngoài

Một số khu vực, các dự án đường mới vừa hoàn thành hoặc bảo trì được thực hiện trên hình thức hợp tác công - tư (PPP) hay BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Ví dụ điển hình là đường cao tốc Pocahontas Parkway gần Richmond, bang Virginia.

Kế hoạch xây dựng đường cao tốc này tồn đọng suốt nhiều năm vì nội bộ bang và liên bang không có kinh phí để đầu tư. Năm 1995, sau khi Hội đồng bang Virginia thông qua Luật Giao thông công - tư cho phép các tổ chức tư nhân đề xuất các dự án thiết kế, xây dựng, cung cấp tài chính và khai thác giao thông, hai tập đoàn xây dựng Fluor Daniel và Morrison Knudsen đã đệ trình kế hoạch chung để xây dựng con đường này theo hình thức PPP. Nhờ đó, con đường trì trệ bao năm trên giấy mới trở thành hiện thực.

Thậm chí, một số bang do khan hiếm vốn đầu tư vào đường bộ đã bán quyền kiểm soát đường thu phí cho các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài. Vụ “bán đường” lùm xùm nhất phải kể tới thỏa thuận cho thuê đường thu phí Indian dài 252km trong thời hạn 75 năm, bắt đầu từ năm 2006 cho Công ty  Cintra Concesiones de Infraestructuras de Transporte (hay còn gọi là Cintra, Tây Ban Nha). Công ty này đã mua quyền kiểm soát 6 đường thu phí lớn tại Mỹ với chi phí 3,82 tỷ USD và hy vọng sẽ kiểm soát thêm một đường thu phí nữa trong tương lai gần. Đáng chú ý, mọi dự án BOT hay PPP về giao thông tại Mỹ đều được triển khai và giám sát chặt chẽ với cơ chế công khai, minh bạch nhằm tránh tình trạng lạm thu cũng như đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao thông và chủ đầu tư.

Thậm chí, tập đoàn quản lý đầu tư Goldman Sachs còn dự đoán, Mỹ có thể huy động hàng tỷ USD qua việc bán quyền kiểm soát đường thu phí và sử dụng tiền đó để đầu tư các dự án hạ tầng mới. “Chúng tôi tin rằng, những con đường thu phí do Nhà nước sở hữu trị giá khoảng 120 tỷ USD. Chính phủ, địa phương và các bang có thể bán quyền kiểm soát để huy động vốn vào các dự án hạ tầng khác, nhất là những dự án không thể sử dụng hình thức hợp tác công - tư để huy động vốn đầu tư”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.