Thế giới

Mỹ xác định Nga, Trung Quốc là những mối đe dọa hàng đầu

22/01/2018, 17:20

Chính sách quốc phòng mới của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump đã xác định Nga và Trung Quốc...

27

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis

Chính sách quốc phòng mới của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump đã xác định Nga và Trung Quốc là những thách thức trọng tâm, còn nghiêm trọng hơn cả mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố. Mỹ cáo buộc hai nước này đang cố xoay chuyển trật tự thế giới theo hướng có lợi cho họ và công khai làm suy giảm sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu.

Bức tranh cạnh tranh quyền lực

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21/1, nội dung bản báo cáo Chiến lược Quốc phòng quốc gia 2018, dài 11 trang được chính thức công bố ngày 19/1 đã phác thảo quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về tình hình địa chính trị và những mối đe dọa mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt.

Báo cáo chỉ ra rằng, khả năng phát triển nhanh chóng về công nghệ và quân sự của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ, thậm chí, với Washington nó còn nghiêm trọng hơn cả chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Sự tăng cường và hiện đại hóa các lực lượng quân sự của Trung Quốc trên biển Đông cũng như nền kinh tế vẫn đang không ngừng lớn mạnh của nước này đã ép buộc những nước láng giềng tái thiết lập trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Trung Quốc làm ảnh hưởng quyền lực của Mỹ ở những nơi này trong tương lai.

Trong khi đó, Nga cũng được Mỹ coi là một mối đe dọa ngang ngửa với Trung Quốc, khi Moscow nhiều lần tìm kiếm quyền phủ quyết với các quyết định kinh tế, ngoại giao và an ninh của những quốc gia trước đây vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Washington cũng cho rằng, Moscow đang tìm cách chia rẽ Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay đổi cấu trúc kinh tế lẫn an ninh của châu Âu và phối hợp với Trung Quốc để đạt được mục tiêu này.

Dựa trên những phân tích trên, bản báo cáo xác định: Việc ra sách lược đối phó với hai đối thủ này cũng như làm thế nào để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ trước Moscow và Bắc Kinh đang là những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc.

Trên cơ sở này, báo cáo kêu gọi phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ, tăng đầu tư xây dựng khả năng tác chiến không gian mạng lẫn phòng thủ tên lửa. Điều này đòi hỏi sự đầu tư tăng lên và ổn định hơn.

Trong buổi họp báo về báo cáo Chiến lược quốc phòng quốc gia 2018, Bộ trưởng James Mattis đã nói rõ: “Cạnh tranh giữa các cường quốc là trọng tâm chính trong an ninh quốc gia Mỹ, chủ nghĩa khủng bố đã không còn là mối đe dọa hàng đầu của Hoa Kỳ”.

Ngân sách là vấn đề quan trọng

Quan chức quốc phòng hàng đầu Hoa Kỳ cho rằng Mỹ cần nhanh chóng gia tăng sức mạnh quân sự. Bởi theo ông James Mattis, khả năng cạnh tranh của Mỹ trên mọi mặt trận như trên đất liền, trên biển, trên không, trên vũ trụ và không gian mạng của Lầu Năm Góc đều đã và đang bị suy yếu.

Chính vì thế, chính sách đề ra yêu cầu hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, nâng cao đầu tư về không gian mạng và phòng thủ tên lửa đồng thời tiếp cận vũ trụ như một mặt trận chiến đấu mới.

Trong buổi họp báo trên, Bộ trưởng Mattis cho rằng, báo cáo mà Lầu Năm Góc mới đưa ra được xây dựng như một bản đánh giá, đề xuất chiến lược vì mục tiêu phục hồi các lợi ích quốc gia. Chiến lược này kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn của Mỹ với các đồng minh NATO - trong khi ép các nước này tăng khoản chi cho quốc phòng.

Washington cũng sẽ tìm cách “hình thành các liên minh lâu dài ở Trung Đông” và mở rộng các liên minh và quan hệ đối tác với khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Thế nhưng, bản báo cáo chưa đề cập cụ thể cách lực lượng vũ trang Mỹ đang và sẽ cấu trúc lại để chống lại các mối đe dọa nói trên. Nó cũng không đưa ra giả định mức ngân sách cần thiết cho việc tái cấu trúc và nâng cao năng lực quốc phòng.

Các câu hỏi cụ thể hơn có thể được giải quyết trong các văn bản chính thức dự kiến ​​sẽ được công bố vào tháng 2 tới. Đây cũng sẽ là trọng tâm của ngân sách năm 2019-2023.

Hiện, vẫn chưa rõ tầm nhìn của bản báo cáo này sẽ tác động đến mức tăng ngân sách quốc phòng trong năm thứ hai cầm quyền của Tổng thống Trump như thế nào, nhưng Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) năm 2018 trị giá 700 tỷ USD, vượt qua mức chi tiêu trần được đưa ra trong Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích an ninh quốc tế Kathleen McInnis, vấn đề nằm ở chỗ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có đủ nguồn lực để hiện thực hóa những gì tuyên bố trong bản chiến lược hay không.

Nguồn lực bao gồm cả yếu tố ngân sách và sự hỗ trợ của các đồng minh và đối tác của Mỹ trên toàn thế giới. Hai yếu tố này đều mang tính then chốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.