Giao thông

Nâng cao chất lượng làm luật, không giao việc nếu chậm quyết toán

05/01/2018, 07:33

Hôm qua (4/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi họp thường kỳ của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.

12

Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp của Ban Cán sự Đảng bộ

Thể chế tốt thì ngành mới đột phá

Tại buổi họp thường kỳ của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT ngày 4/1, báo cáo Ban Cán sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, ngày 28/12/2017, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 3672 ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Theo đó, trong năm 2018, Bộ GTVT phải hoàn thành việc xây dựng 71 văn bản, trong đó có việc lập đề nghị và triển khai xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực GTVT để phù hợp với Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua; Lập đề nghị xây dựng Luật GTĐB; Tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Hàng không dân dụng; Trình Chính phủ ban hành 8 Nghị định; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai quyết định; Trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành theo thẩm quyền 57 thông tư và gửi Bộ Tài chính ban hành một thông tư.

Tuy nhiên, cũng theo bà Nga, đây chưa phải con số cuối cùng. Trong quá trình tự rà soát và sau mỗi văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong năm 2018, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất và trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế sẽ tổng hợp, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ.

Liên quan đến công tác xây dựng và phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác, theo Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 3580 ban hành Chương trình xây dựng đề án năm 2018 của Bộ GTVT. Theo đó, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng tổng số 9 đề án gồm: 5 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền và bốn đề án thuộc thẩm quyền của Bộ.

“Việc xây dựng các đề án nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT, vì vậy việc rà soát, đề xuất bổ sung điều chỉnh Chương trình xây dựng đề án của Bộ GTVT cho phù hợp với yêu cầu thực tế sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên trong năm 2018”, ông Đức nói.

Chỉ đạo công tác quan trọng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ về số lượng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải là số lượng mà chính là chất lượng văn bản”.

“Thời gian qua, chất lượng văn bản của chúng ta còn nhiều vấn đề. Đơn cử như Thông tư 45 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2016 Quy định chi tiết Chương trình An ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam”, Bộ trưởng chỉ rõ và cho rằng, cần xem văn bản có đi vào cuộc sống hay không? Có tình trạng chạy theo số lượng, thời gian, hình thức mà chưa thực sự quan tâm chất lượng hay không? Nội dung văn bản đã theo kịp thực tiễn, đã hợp lý, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp hay chưa? Một văn bản ban hành ra, cả nước áp dụng, ảnh hưởng đến rất nhiều người.

“Thể chế tốt thì ngành mới đột phá, KT - XH mới phát triển. Do đó, cần phải làm rất chặt chẽ, kỹ lưỡng”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, nghị định ban hành mà thông tư không ban hành kịp thời hay chất lượng kém, không đạt yêu cầu thì Vụ trưởng, Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm. “Những đồng chí như thế nhất định không thể hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được”, Bộ trưởng khẳng định.

Không giao thêm việc cho các ban QLDA chậm quyết toán

Về công tác quyết toán dự án, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc cho biết, năm 2017, đối với các dự án vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị đã lập và trình quyết toán 113/110 dự án, đạt 103% kế hoạch năm. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã tập trung nhân lực phê duyệt quyết toán 119/103 dự án, đạt 105% kế hoạch năm.

Đối với các dự án BOT, theo ông Quốc, các nhà đầu tư và Ban QLDA đã trình quyết toán 58 dự án. Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN và các cục chuyên ngành đã thẩm tra, chấp thuận quyết toán cơ bản được 55 dự án BOT, BT (trong đó có một dự án quyết toán theo hạng mục là hầm Phú Gia - Phước Tượng).

Mặc dù vậy, ông Quốc cho biết, với các dự án BOT, công tác quyết toán chi phí GPMB ở các địa phương còn chậm. Một số khoản chi phí nhà đầu tư và Ban QLDA trình nhưng chưa đủ điều kiện để Bộ thẩm tra chấp thuận quyết toán như chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng, chi phí phần mềm thu phí, chi phí di chuyển thiết bị.

Thông tin thêm về kế hoạch quyết toán năm 2018, ông Quốc cho hay các chủ đầu tư/Ban QLDA sẽ phải lập và trình quyết toán 52 dự án vốn XDCB; Nhà đầu tư trình quyết toán 5 dự án BOT (gồm dự án hầm Đèo Cả, dự án QL1 đoạn qua Cai Lậy, dự án QL26, dự án cầu Thái Hà và dự án QL38 nối QL1 với QL5). Các Ban QLDA sẽ phải kiểm tra và trình 6 dự án BOT (gồm 5 dự án kể trên và dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo QL3). Cũng trong năm 2018, cơ quan chức năng sẽ phải thẩm tra, phê duyệt quyết toán 71 dự án vốn XDCB và thoả thuận quyết toán 8 dự án BOT.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác quyết toán dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải dốc sức cho công tác này. “Nếu Vụ Tài chính cần thêm người, bộ có thể điều động từ các đơn vị khác. Quan trọng là phải làm nhanh, kịp thời và chính xác công tác quyết toán dự án”, Bộ trưởng nói và yêu cầu tuyệt đối không giao thêm việc, thêm nhiệm vụ cho các Ban QLDA chậm trễ trong công tác quan trọng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.