Đường sắt

Nâng cao chất lượng tổ chức Công đoàn Đường sắt Việt Nam

10/05/2018, 07:52

Đại hội Công đoàn Đường sắt VN lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra trong hai ngày 9 - 10/5 tại Hà Nội.

32

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh và Chủ tịch Công đoàn ĐSVN Mai Thành Phương thăm, động viên CNLĐ khu vực đèo Khe Nét (Quảng Bình) trong Tháng Công nhân năm 2017

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN trước thềm đại hội về những thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới.

Khẳng định vai trò đại diện người lao động

Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN nhiệm kỳ 2013-2018, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của tổ chức công đoàn ngành Đường sắt nhiệm kỳ qua, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định, nhiệm kỳ 2013-2018 có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động của Tổng công ty Đường sắt VN (ĐSVN) nói chung, hoạt động của các cấp trong Công đoàn ĐSVN nói riêng. Tuy nhiên, Công đoàn ĐSVN vẫn khẳng định được vai trò, uy tín của mình đối với đoàn viên, người lao động (NLĐ) cũng như đối với chính quyền thông qua nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.

Một trong những nội dung hoạt động đã được Công đoàn ĐSVN đẩy mạnh, đi vào chiều sâu là chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động, đồng thời đồng hành cùng sự phát triển của ngành. Công đoàn (CĐ) các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD), đời sống việc làm của NLĐ, những bất cập trong chính sách tiền lương, điều kiện làm việc, ăn ở tại đơn vị để đề xuất giải quyết hoặc đưa vào nội dung cam kết phối hợp hoạt động hàng năm, nhằm thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, tạo môi trường SXKD có hiệu quả, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho NLĐ... Nâng cao chất lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể giữa NLĐ và doanh nghiệp. Công tác thương lượng đã dần đi vào thực chất, hạn chế tình trạng nội dung thỏa ước lao động tập thể chủ yếu sao chép luật, hiện có 112 đơn vị ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp với nội dung có lợi hơn cho NLĐ.

Cùng đó, các cấp CĐ đã thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, từ nguồn Quỹ Xã hội - Từ thiện, đã thăm hỏi 29.579 lượt NLĐ ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi động viên 4.313 trường hợp do ảnh hưởng bão lũ; hỗ trợ xây 29 nhà tình thương, sửa chữa 28 mái chống dột; tặng 223 sổ tiết kiệm cho NLĐ; Hỗ trợ 273 khu ga tổ chức Tết sum vầy; động viên 615 NLĐ có trên 5 năm trực giao thừa…

Nhiệm kỳ 2013-2018 cũng là khoảng thời gian Tổng công ty ĐSVN thực hiện tái cơ cấu với nhiều biến động về tổ chức, chính sách và tác động không nhỏ đến NLĐ. Vậy Công đoàn ĐSVN đã có vai trò gì trong quá trình tái cơ cấu đó?

Từ năm 2013 đến nay, Tổng công ty ĐSVN thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình tổ chức, nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều thay đổi. Tổ chức và hoạt động Công đoàn đã có nhiều đổi mới để phù hợp với mô hình tổ chức mới của ngành. Đồng thời, phối hợp và tham gia với chuyên môn trong công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu và giải quyết các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ.

Trong quá trình triển khai và thực hiện tái cơ cấu, để giải quyết các bất cập, các cấp CĐ đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng hệ thống quy chế quản lý nội bộ nhằm bảo vệ NLĐ cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NLĐ và doanh nghiệp. Công đoàn ĐSVN và một số đơn vị trong ngành đã thành lập tổ tư vấn pháp luật thực hiện nhiệm vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ.

Cùng đó, các cấp công đoàn đã phối hợp xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, Quy chế đối thoại và Quy chế tổ chức hội nghị NLĐ. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2018 đã tổ chức 8 hội nghị đối thoại với các đối tượng và chức danh ngành nghề cấp tổng công ty.

Kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động hướng về người lao động

Ông có thể cho biết, “bí kíp” của Công đoàn ĐSVN để đạt được những kết quả trên?

Gọi là “bí kíp” thì hơi quá. Nhưng tôi cho rằng, kinh nghiệm rút ra ở đây chính là tích cực đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn hướng về cơ sở và vì NLĐ. Bên cạnh đó, cũng phải vì sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp. Nhiệm kỳ 2013-2018, công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ công đoàn các cấp được quan tâm thường xuyên, đặc biệt là trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của tổng công ty. Công đoàn ĐSVN đã chủ động xây dựng phương án kiện toàn tổ chức, sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ phù hợp với tổ chức chuyên môn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ Công đoàn được tổ chức hàng năm và chú trọng cán bộ cấp tổ, bộ phận. Trong nhiệm kỳ, Công đoàn ĐSVN đã tổ chức 19 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.196 lượt cán bộ công đoàn ở nhiều khu vực. 100% cán bộ Công đoàn toàn ngành được bồi dưỡng, nâng cao trình độ về kiến thức pháp luật.

Đặc biệt, Công đoàn ĐSVN đã bảo vệ thành công đề tài “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn trong Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2015-2023 và những năm tiếp theo”. Đây là cẩm nang giúp cán bộ Công đoàn các cấp vận dụng, xây dựng nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn phù hợp với tình hình mới; theo đó, nhiều nội dung hoạt động công đoàn được đổi mới với phương châm “Hướng về cơ sở, hướng về NLĐ, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Theo ông, nhiệm kỳ tới, Công đoàn ĐSVN cần phải thực hiện nhiệm vụ gì để vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu xây dựng tổ chức vững mạnh?

Theo tôi, nhiệm kỳ 2018-2023, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn ĐSVN sẽ có những thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức. Vì vậy, các cấp Công đoàn ĐSVN cần tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn; Nâng cao hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ; Thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên và NLĐ.

Nhiệm vụ tổng quát đặt ra là vận động đoàn viên và NLĐ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD của tổng công ty, đơn vị hàng năm. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy đoàn viên, NLĐ làm trung tâm, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện…

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.