Bạn cần biết

Nắng nóng, người già dễ mắc bệnh gì?

03/06/2015, 06:22

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt khiến người già vốn sức đề kháng kém càng dễ nhiễm khuẩn, biến chứng nguy cấp, khó lường.

51
Nắng nóng gây nhiều bệnh tật cho người cao tuổi

Biểu hiện bệnh mờ nhạt, chớ chủ quan

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thuận (70 tuổi, ở Ngọc Khánh, Hà Nội) vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện GTVT T.Ư sau 5 ngày liên tục ho, tức ngực, khó thở. Người nhà cho biết, thấy ông mệt nhưng cứ nghĩ “nắng thế này thì đến người khỏe mạnh cũng mệt” nên cứ để ông nghỉ ngơi ở nhà. Tuy nhiên, ông có biểu hiện bệnh trầm trọng, ho nhiều hơn, da vàng và phù chân nên gia đình vội đưa ông đến viện. Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán ông Thuận vừa viêm phổi vừa suy tim rung nhĩ.

Cũng tại Bệnh viện GTVT T.Ư, cụ bà Kiều Thị Bích (75 tuổi, ở Thịnh Quang, Hà Nội) vừa nhập viện với chẩn đoán của bác sỹ là viêm phổi và suy tim. Theo người nhà cụ Bích, cả tuần nay cụ ho nhiều, khạc đờm trắng, khó thở đặc biệt về đêm, chân phù, nhưng gia đình cũng chủ quan nghĩ cụ mệt do thời tiết nên không đưa ngay vào viện.

"Người bệnh cao tuổi vừa mắc tiêu chảy vừa viêm phổi là nỗi lo lớn nhất với đội ngũ y bác sỹ, bởi giải pháp bù nước làm sao để cân đối cho người bệnh phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Chỉ sơ suất là bệnh thêm nặng và có nguy cơ tử vong”.

Bác sỹ Phạm Thanh Vân

Theo bác sỹ Phạm Đức Huy, Bệnh viện GTVT T.Ư, người cao tuổi vốn sức đề kháng kém nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, nhất là đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch. Thời tiết nắng nóng, người cao tuổi vốn có bệnh mãn tính trong người dễ thấy mệt mỏi, biếng ăn, lại không thể tập thể dục, hít thở không khí trong lành như ngày thường nên cơ thể thêm suy nhược. Do đó, chỉ cần đi lại từ phòng điều hòa ra ngoài, hoặc đi nắng về lại tắm ngay... cũng khiến người cao tuổi viêm đường hô hấp.

“Đáng lưu ý, ở người cao tuổi, biểu hiện bệnh thường rất mờ nhạt, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường hay chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện thì đã viêm phổi, cộng thêm bệnh mãn tính tuổi già, rất nguy hiểm”, bác sỹ Huy khuyến cáo.

Bác sỹ Nguyễn Trung Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư lưu ý, trong những ngày hè nóng nực này, cần quan tâm đến bệnh nhân cao tuổi với nền bệnh tiểu đường. Bởi bệnh nhân tiểu đường, do suy giảm miễn dịch nên thường rất dễ nhiễm khuẩn; trong đó đáng chú ý là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. “Nắng nóng, đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, thiu, nhiễm khuẩn... nên dễ gây ra tiêu chảy cấp. Người già bị tiêu chảy cấp mà không bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao”, bác sỹ Trung Anh nói.

Không tự ý điều trị

Theo bác sỹ Phạm Thanh Vân, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện GTVT T.Ư, có hai điểm mà các bệnh nhân cao tuổi cần lưu ý, đó là ăn uống, sinh hoạt điều độ, phù hợp với thể trạng bệnh và đều đặn dùng thuốc điều trị theo đơn, đặc biệt không được tự ý điều trị bệnh khi chưa có chỉ dẫn của bác sỹ.

“Với các bệnh nhân cao tuổi, nếu nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, bởi với người trên 65 tuổi đã viêm phổi thường diễn tiến nặng, nhanh do sức chống đỡ của cơ thể kém, phổi đã bị lão hóa. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định, thì bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho sức khỏe”, bác sỹ Vân nói.

Theo bác sỹ Huy, do đặc điểm sinh lý của người già, thức ăn cho đối tượng này cần nấu chín kỹ, không nên tiếc thức ăn đã để lâu ngày, không nên ăn thức ăn đường phố. Đồng thời, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi mắc tiêu chảy, nếu có những dấu hiệu của bệnh, cần phải bù nước và bệnh nhân cần đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng các thuốc chống tiêu chảy vì sẽ càng khó khăn cho công tác điều trị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.