Chuyện dọc đường

Ném đá thì dễ, “uống có trách nhiệm” mới khó

17/05/2019, 07:13

Lên facebook "ném đá" thật dễ nhưng cùng nhau hiểu và làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho cộng đồng mới khó...

img
Ngày 12/5, hàng nghìn người đã tuần hành quanh Hồ Gươm để truyền tải thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe”

Việc một công ty bia kêu gọi “Uống rượu bia - không lái xe” tưởng là liên quan đến nhau, nghĩ là phản cảm nhưng suy xét cho kỹ thì nó là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Trong các vụ TNGT, ô tô và xe máy là 2 loại phương tiện chủ yếu làm chết người, vậy không lẽ phải cấm Honda làm chương trình “Tôi yêu Việt Nam” hay cấm Toyota đồng hành cùng giải chạy vì ATGT?

Với nhiều hoạt động, chương trình vì cộng đồng trong suốt nhiều năm qua, những doanh nghiệp này mong muốn góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông trong cộng đồng nhằm hướng tới một xã hội văn minh, an toàn hơn trong tương lai.

Xe máy, ô tô làm ra có phải để cho người ta đâm nhau đến chết không? Chắc chắn không.

Tương tự, bất kỳ một hãng rượu bia nào trên thế giới không ra đời với mục đích để cho lái xe uống rồi gây tai nạn, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.

Người uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển xe và gây tai nạn là một phạm trù khác, một hành vi khác và cần quản lý theo cách khác. Nó liên quan tới văn hóa, ý thức công dân và điều chỉnh bởi quy định pháp luật.

Ở nước ngoài họ cũng uống rượu bia rất nhiều, nhưng họ luôn nằm lòng một nguyên tắc không lái xe ra đường trong tình trạng chếnh choáng hơi men. Và nếu họ bất cần và quên điều đó, đã có những điều luật nghiêm khắc giáng xuống đầu, như tước GPLX, lao động công ích, thậm chí phải ngồi tù.

Ở Việt Nam, không phải không có quy định, nhưng việc quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, nên mọi người dễ dàng mua và sử dụng rượu bia, dễ dàng và tùy tiện điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia. Trong nhiều trường hợp cũng dễ dàng qua mặt lực lượng thực thi công vụ.

Khi bản thân mỗi người đã không thấy rõ trách nhiệm của chính mình, trách nhiệm với cộng đồng thì việc kêu gọi nâng cao nhận thức, ý thức là cần thiết. Những chương trình kêu gọi, tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác ra đời cũng vì lẽ đó.

Giống như câu chuyện đội mũ bảo hiểm, chỉ đến khi mỗi người thấy rằng chiếc mũ có tác dụng giảm chấn thương chứ không phải vướng víu thì họ sẽ tự giác chấp hành, chẳng phải kêu gọi, tuyên truyền.

Trên thế giới, có rất nhiều người uống bia. Ngay cả những người “ném đá” hãng bia nọ có lẽ cũng từng uống bia. Họ kêu gọi tẩy chay hãng bia này nhưng họ vẫn uống loại bia khác và rồi vẫn lái xe sau đó.

Lỗi không thuộc về bia, bởi nếu thế trên thế giới đã tẩy chay hết rồi thay vì có nơi còn tổ chức lễ hội cho thứ đồ uống này (như Lễ hội bia Oktoberfest tại Munich, thủ phủ vùng Bavaria, Đức) và duy trì như một nét văn hóa thu hút nhiều du khách trên thế giới tham dự. Họ uống bia, tìm hiểu văn hóa chứ không say xỉn, gây lộn, lái xe ra đường…

Honda đã có một hoạt động nhân văn khi làm chương trình “Tôi yêu Việt Nam”, giúp cho nhiều người đi xe máy an toàn hơn. Hãng bia nọ cũng nên tự hào vì việc đã thực hiện nghĩa vụ xã hội, cộng đồng của mình qua việc dấy lên một phong trào “Uống có trách nhiệm”, thay vì phải sợ bị ném đá, bị “đánh”.

Lên Facebook để ném đá thật dễ, dù chưa cần biết động cơ tốt hay xấu. Nhưng hãy thử hiểu và hành động như thông điệp “Uống có trách nhiệm” mới thật sự khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.