Thời sự

Nên cấm triệt để việc “cả họ làm quan”

17/04/2017, 06:50

Trọng người tài, nhưng việc bố trí, sắp xếp cần hợp lý, bởi nếu không sẽ dẫn tới hiện tượng “gia đình trị”.

10

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Quan điểm trên được ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra khi trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh vấn đề đang nổi lên ở không ít địa phương: Nhiều người trong cùng một dòng họ, cùng một nhà cùng nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một cơ quan, tổ chức.

Không thể để lợi ích nhóm chi phối

Theo ông, nguyên nhân của thực trạng “cả họ làm quan” xuất phát từ đâu?

Nguyên nhân thứ nhất, là do sự thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo các cấp, bởi chỉ người có chức, có quyền mới có thể bố trí người thân của họ tham gia vào bộ máy. Thứ hai, từ khi chúng ta chấp nhận vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, ngoài mặt tích cực là giúp cho kinh tế phát triển thì nó cũng có mặt tiêu cực. Đó là muốn phát triển phải có cạnh tranh, có cạnh tranh phải tạo ra hiệu quả, lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận trong kinh tế. Mà muốn có lợi nhuận trong kinh tế thì phải có chức vụ, quyền hạn. Chính điều đó đã chi phối việc nhiều cán bộ tìm cách đưa người nhà vào để “dễ” làm việc.

Thứ ba, rõ ràng sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp trên chưa tốt. Thứ tư, Đảng đã không đề ra kịp thời những chiến lược và không đưa ra những cơ chế chính sách, biến nó thành quy định pháp luật, cụ thể hóa trong các nghị quyết, quyết định của Đảng, trong Luật Cán bộ công chức.

“Bổ nhiệm đúng quy trình” - đó là thuật ngữ quen thuộc, phổ biến mà những người có trách nhiệm thường đưa ra để biện minh cho sự việc xảy ra ở địa phương, tổ chức nơi mình công tác. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Thực ra, lâu nay ta hay nói đúng quy trình, nhưng muốn hiểu quy trình phải phân tích sâu. Tôi cho rằng, quy trình đó có chăng nữa cũng chỉ mang tính hình thức, không trọn vẹn, không hoàn thiện. Những quy trình đó có thể có khung, nhưng trong mỗi trường hợp, hoàn cảnh cụ thể, người ta lại vận dụng nó một cách méo mó, cố làm sao có lợi cho mình, nên họ nghiễm nhiên coi đó là đúng quy trình. Trong khi đó, các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn thiếu, vẫn sơ hở.

Như ở huyện Kim Thành, Hải Dương mới đây, báo chí đã phát hiện hầu hết các vị trí chủ chốt đều do những người thân của Bí thư và Phó bí thư thường trực huyện ủy nắm giữ. Lãnh đạo huyện ủy cho rằng, những cán bộ đó đều được đào tạo bài bản, có trình độ, đều “đội đất đi lên” chứ không nhờ vả ai mà ngồi được vào những “ghế” đó. Cứ cho là như vậy, nhưng ông có cho rằng, việc sắp xếp, bố trí cán bộ như thế là chưa ổn?

Việc bố trí cán bộ như vậy không nên một chút nào. Từ xưa ông cha ta đã có những bài học và quy định hết rồi. Thực chất, trong giai đoạn cách mạng trước đây, những nhà lãnh đạo của chúng ta có tầm nhìn và dày dạn kinh nghiệm đều không bao giờ bố trí người nhà làm ở cùng một đơn vị, địa phương, cùng là lãnh đạo chủ chốt. Nhưng hiện tượng này giờ quá phổ biến, là do pháp luật của ta yếu kém chưa có quy định. Tôi cho rằng, phải quy định trong luật với tinh thần không cho phép ở một đơn vị, địa phương, anh em, họ hàng thân thiết cùng tham gia trong bộ máy lãnh đạo.

Ví dụ ở huyện, có người là Bí thư huyện, dù con em của họ có giỏi đến mấy cũng không nên bố trí nắm giữ vị trí chủ chốt của huyện đó. Mà khi ấy, cấp trên của huyện, tức là tỉnh phải quy định hoặc tỉnh táo điều động con em Bí thư huyện ấy sang huyện khác. Cái đó đơn giản thôi, nhưng do ta chưa có quy định, lãnh đạo cấp trên lại không có trách nhiệm nên mới dẫn đến hiện tượng “cả nhà làm quan” phổ biến như bây giờ. Và như vậy, rất khó tránh được kiểu “gia đình trị”, tạo ra lợi ích nhóm.

Trọng nhân tài, nhưng phải bố trí phù hợp

Theo ông, khi cha con, anh em, họ hàng lãnh đạo đơn vị, địa phương cùng nắm giữ những vị trí chủ chốt ở cùng một nơi sẽ gây ra những hệ lụy gì?

Bố trí những người thân thiết trong cùng một đơn vị cơ quan hành chính nào đó, hệ lụy của nó rất lớn. Trước hết, họ “gắn bó” với nhau, cùng nhau có những hoạt động chi phối nhiều vấn đề của địa phương, đơn vị… Những cái này rất dễ có và đương nhiên sẽ có. Thứ hai, trong công việc bao giờ cũng có mâu thuẫn và có đấu tranh để đảm bảo quyền lợi chung, trong trường hợp đó, lợi ích cục bộ của gia đình, họ hàng chi phối hết rồi, sẽ rất khó thẳng thắn, nghiêm túc.

Thực trạng “cả họ làm quan” đã trở thành vấn đề tương đối phổ biến, khá tràn lan ở nhiều địa phương với các mức độ khác nhau. Đây là việc không thể chấp nhận được. Kể từ khi Đảng được thành lập, cho tới thời chống Pháp, chống Mỹ cơ bản không có hiện tượng này. Thậm chí, những năm đầu sau giải phóng, đến Đại hội VI là Đại hội đổi mới ta cũng chưa thấy hiện tượng này nổi lên. Từ năm 1986-2000 việc này cũng không nói đến nhiều, tất nhiên có thể có nhưng không phổ biến. Chỉ trong khoảng 15 năm trở lại đây, hiện tượng này mới phổ biến, đó là việc rất không bình thường.

Ông Vũ Mão

Rồi khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cũng sẽ dễ bị chi phối. Ngay bây giờ đã có hiện tượng nể nang, xuôi chiều, “dễ anh, dễ tôi”…  từ T.Ư xuống địa phương, đối với người ngoài đã vậy thì với người nhà thế nào?

Đặc biệt, việc “cả nhà làm quan” vô hình trung sẽ chặn mọi cơ hội của người ngoài. Ta cứ nói đến quy hoạch, nói đến tiêu chuẩn hay chương trình đào tạo, nhưng chỉ là vỏ bọc hình thức thôi.

Ta cũng thừa nhận, ở mặt khác, đúng là cũng có những con em của lãnh đạo có tài, có đức, vì thế cần tầm nhìn cao hơn. Bằng các văn bản pháp luật cần quy định rõ, ví dụ cán bộ được đào tạo, được quy hoạch ở địa phương, nếu có người tài mà nằm trong họ hàng lãnh đạo của địa phương đó, thì dứt khoát không được bố trí ở đó mà phải bố trí ở nơi khác. Bản thân từng cấp ủy, cấp chính quyền phải ý thức được điều này, nhưng cái quan trọng nhất là phải có quy định của pháp luật để căn cứ vào đó mà thực hiện.

Theo ông, quy trình công tác cán bộ hiện nay còn những bất cập nào cần khắc phục để tránh tình trạng cán bộ cùng một nhà, cùng dòng họ “làm quan” ở một địa phương, một tổ chức?

Thực trạng như hiện nay không ổn. Trước hết về tư duy, tầm nhận thức không đầy đủ. Từ đó, dẫn đến các quy định của pháp luật thiếu, nên giờ phải quy định những văn bản của pháp luật cụ thể về những vấn đề đó, mọi người căn cứ vào đó thực hiện. Thứ hai, khi có quy định rồi thì phải tổ chức thực hiện, bên cạnh đó là phải kiểm soát và giám sát quyền lực. Lâu nay chúng ta làm rất yếu nên giờ phải sửa đổi.

Xưa kia, Luật Hồi tỵ quy định những người thân như anh em, cha con, thày trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ. Ông có cho rằng, thời nay, ta cũng nên áp dụng quy định cấm triệt để “cả họ làm quan”?

Có chứ, phải quy định cấm rất cụ thể. Tư tưởng chung là ta rất trọng nhân tài. Nhưng vấn đề là bố trí nhân tài đó thế nào cho hợp lý, tránh xảy ra hiện tượng “gia đình trị”. Điều này trong tầm tay chúng ta chứ không khó khăn gì.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.