Quản lý

Nên chuyển Cục Đường thủy quản lý kênh Chợ Gạo

14/08/2018, 10:07

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn kè của Dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo bị hư hỏng.

3

Rọ đá bị hư hỏng tại nhiều đoạn bờ kè kênh Chợ Gạo

Kè đá bị đứt, sà lan thường xuyên mắc kẹt

Những ngày đầu tháng 8, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại tuyến kênh Chợ Gạo và ghi nhận nhiều khu vực bị sạt lở. Tại khu vực xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, một đoạn lưới rọ đá dài hơn 5m bị cắt đứt nằm nhô lên mặt nước khiến giao thông qua khu vực này gặp khó khăn. Dù thủy triều trên kênh Chợ Gạo đang lên cao, nhưng những tấm rọ đá bị hư hỏng nhô lên mặt nước khoảng nửa mét. Một số đoạn qua xã Quơn Long, Long Bình Điền, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo phía bờ Bắc lưới rọ đá bị cắt đứt nhiều điểm, có điểm rộng hơn 2m2, những viên đá bị trôi dạt ra bên ngoài nằm ngổn ngang.

Ông Nguyễn Văn Cúc (ngụ xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết, nhiều phương tiện lưu thông theo con nước lớn, chạy sát mé bờ khiến bánh lái, chân vịt vướng rọ đá gây đứt, rách. Một số chủ phương tiện thiếu ý thức neo, móc… phương tiện hàng có tải trọng chục tấn vào lưới rọ đá khiến rọ bị rách. Đoạn kè bị rách nhiều nhất chủ yếu tập trung ở bờ phía Bắc nhưng không được sửa chữa kịp thời.

"Qua khảo sát đoạn kênh Chợ Gạo có 7 điểm lòng kênh bị cạn dẫn đến ùn ứ giao thông khi nước cạn. Các điểm này tập trung khu vực thị trấn Chợ Gạo, xã Xuân Đông… Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã xảy ra 4 vụ TNGT làm chìm và hư hỏng 4 phương tiện, thiệt hại gần 130 triệu đồng. Nguyên nhân là do các phương tiện tránh vượt sai quy định và không giữ khoảng cách an toàn”.

Trung tá Trần Văn Tân
Trưởng trạm vàm Kỳ Hôn, Phòng CSGT Đường thủy, Công an Tiền Giang

Theo ông Trương Văn Tem, Giám đốc HTX Vàm Cỏ (Long An), nguyên nhân khác khiến kè rọ đá kênh Chợ Gạo bị rách do lòng kênh hẹp. Khi nước lên, chỉ có 2 sà lan lớn lưu thông thuận tiện ở giữa lòng kênh. Phía sát hai bên bờ, những phương tiện nhỏ lợi dụng nước lên cũng cố tình lưu thông. Bánh lái, chân vịt của những chiếc thuyền này va vào rọ đá khiến rọ bị đứt, rách.

“Năm 2017, chỉ có một vài điểm rách, nhưng đến nay đã có hàng chục điểm lớn, nhỏ bị hư hỏng do phương tiện cào, móc. Nếu không được xử lý, khắc phục sớm, tình trạng này sẽ xảy ra ngày càng nhiều”, ông Cúc nói.

Không chỉ rọ đá hư hỏng gây cản trở lưu thông, tình trạng sạt lở ở 2 bên bờ kênh Chợ Gạo đang xảy ra nghiêm trọng khiến lòng kênh ngày càng bị thu hẹp. Bà Phạm Thị Hoa, chủ bến đò Ninh Đông, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết đã chứng kiến nhiều sà lan mắc cạn. Nhiều nhất là vào thời điểm buổi chiều hoặc đêm khuya. Lúc đó, thủy triều xuống làm cho sà lan, tàu bị cạn gây ùn tắc giao thông kéo dài khoảng 4-5 tiếng. Đến khi thủy triều lên, mới lưu thông trở lại bình thường.

Theo Trạm Quản lý ĐTNĐ kênh Chợ Gạo, hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 phương tiện chở cát, đá, gạo… lưu thông qua kênh này. Thời gian gần đây, tình trạng phương tiện bị mắc cạn trên kênh Chợ Gạo xuất hiện nhiều hơn, chủ yếu là sà lan. Nguyên nhân do đáy sông bị cạn, phương tiện chở quá mớn nước từ 4m trở lên, trong khi kênh Chợ Gạo chỉ cho phép sà lan chở không quá mớn nước 3m lưu thông trên kênh.

Chuyển cho Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý là hợp lý

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT về vấn đề quản lý, khai thác và bảo trì hạng mục kè dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo. Theo đó, UBND tỉnh xác định tuyến kênh Chợ Gạo có mật độ phương tiện thủy lưu thông rất cao và tải trọng lớn, từ khi đưa vào khai thác có nhiều vị trí lưới bao rọ đá kè bị cuốn hư hỏng. Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương khó khăn, không có khả năng bố trí vốn thực hiện sửa chữa, bảo trì, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT bàn giao lại các hạng mục cho cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT quản lý, khai thác sửa chữa nhằm duy trì khai thác ổn định, kéo dài tuổi thọ công trình, đảm bảo ATGT đường thủy.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Loan - Phó trưởng phòng phụ trách phòng quản lý kết cấu hạ tầng, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, có nhận được văn bản của tỉnh Tiền Giang xin chuyển hạng mục kè kênh Chợ Gạo về cho Bộ GTVT quản lý. Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam có ý kiến về vấn đề này.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo có chiều dài 28,687km, với tổng mức đầu tư là 2.263,7 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ năm 2013 - 2015) đầu tư 787 tỷ đồng đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý từ năm 2015. Giai đoạn 2 tổng mức đầu tư 1.477 đến nay vẫn chưa được triển khai vì thiếu vốn.

“Đây là tài sản thuộc kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu là kè và đường dân sinh chuyển từ địa phương về T.Ư. Các phòng chuyên môn của cục đang kiểm tra về tính pháp lý và các thủ tục liên quan. Cục ĐTNĐ Việt Nam chủ yếu quản lý luồng tuyến ở dưới, phần kè và đường dân sinh thuộc Bộ NN&PTNT quản lý. Tuy nhiên, kênh Chợ Gạo là tuyến kênh huyết mạch về giao thông thủy của vùng ĐBSCL, liên quan đến luồng bên dưới và còn liên quan đến giai đoạn 2, nên nếu chuyển về cho Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý là hợp lý”, ông Loan nói.

Với công tác quản lý bờ kè, ông Loan cho rằng, dù địa phương đang quản lý nhưng vẫn có tình trạng người dân neo dây thuyền vào các rọ đá của bờ kè làm hư hỏng, gây sạt lở. Nếu không xử lý sớm sẽ gây hư hỏng lâu dài về sau. “Sau này nếu chuyển về cho Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý, địa phương cũng cần có trách nhiệm trong quản lý bờ kè nói chung. Cùng đó, phải tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức, không neo tàu thuyền vào kè đá làm hư hỏng. Những trường hợp nào cố tình vi phạm cần xử lý nghiêm để răn đe”, ông Loan kiến nghị.

Liên quan đến giai đoạn 2 của dự án cải tạo nâng cấp kênh Chợ Gạo, ông Loan cho biết, trước đây dự án được lập theo hình thức BOT, nhưng không khả thi. Hiện nay, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang tìm kiếm các nguồn vốn khác để triển khai trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.