Giao thông

Nên chuyển dịch vụ công ngành GTVT nào cho tư nhân?

11/06/2018, 07:05

Theo chuyên gia, việc chuyển giao cho tư nhân đảm nhiệm dịch vụ hành chính công là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ.

1

Việc xã hội hóa đăng kiểm thời gian qua tạo rất nhiều thuận lợi cho chủ phương tiện đến đăng kiểm định kỳ (Trong ảnh: Đăng kiểm tại Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội ) - Ảnh: Tạ Tôn

Cân nhắc chuyển tất hay một phần?

Tại cuộc họp gần đây về vấn đề này của Bộ GTVT, Phó chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Thị Kiều Nguyệt cho biết, dịch vụ hành chính công là những dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý như giấy phép, giấy chứng nhận, đăng ký… “Lĩnh vực GTVT hiện có khoảng 490 thủ tục hành chính (TTHC), với khoảng 250 loại giấy phép. Các đơn vị thuộc Bộ GTVT sẽ chọn một số dịch vụ hành chính công phù hợp để xã hội hoá”, bà Nguyệt thông tin.

Ủng hộ việc chuyển giao, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền kiến nghị cần phân loại các TTHC ra thành 3 loại: Nhà nước bắt buộc phải nắm giữ toàn bộ; Cho DN, tổ chức cá nhân tham gia từng công đoạn; Các TTHC sẽ chuyển giao hoàn toàn. Bà Hiền cũng cho rằng, cần làm rõ được tiêu chí doanh nghiệp, tổ chức thực hiện để có thể dễ dàng cho việc lựa chọn sau này.

Tuyệt đối không để phát sinh chi phí

Chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhận một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính không nhất thiết phải thực hiện trong lĩnh vực GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các thủ tục được lựa chọn, các phương pháp dự kiến triển khai, các doanh nghiệp, tổ chức được chọn để chuyển giao cần phải phù hợp, đảm bảo nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công cung cấp cho người dân, đồng thời không thêm đầu mối, không để phát sinh thêm chi phí.

Liên quan đến hàng không, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Nguyễn Văn Hảo cho rằng, cần cân nhắc cách thức xã hội hoá việc chuyển TTHC cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội thực hiện, cụ thể là chuyển giao trọn gói hay chỉ từng khâu? Ông Hảo cũng đề cập đến tiêu chí để xã hội hoá mà theo ông, một trong những tiêu chí quan trọng là phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn.

Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa VN Hoàng Hồng Giang cho biết, mỗi năm, ngành Đường thuỷ đang phải thực hiện 300 nghìn thủ tục, tập trung vào lĩnh vực đào tạo và cấp giấy phép vào, rời cảng bến. “Với mật độ và hoạt động đường thuỷ trải dài như thế, cơ quan Nhà nước cũng không thể làm hết được. Vấn đề đặt ra là với 300 nghìn thủ tục/năm, trung bình giá là 70 nghìn một thủ tục, thu về là 21 tỷ đồng/năm, một con số hoàn toàn không đủ sức hấp dẫn. Không doanh nghiệp nào mở DN chỉ để doanh thu 21 tỷ đồng/năm mà phải triển khai ở cả 63 tỉnh, thành”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng cho rằng, chỉ nên chuyển giao cho DN, tổ chức thực hiện một số khâu như nhận, trả, soát xét hồ sơ mà cơ quan quản lý nhà nước không nhất thiết thực hiện.

Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Đặng Việt Hà nêu một vấn đề khác: Đăng kiểm đã chuyển giao cho DN thực hiện một số dịch vụ hành chính công từ nhiều năm nay và trên thực tế là đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. “Các đơn vị đã triển khai phải báo cáo chi tiết về mặt trái của việc chuyển này bởi mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu không đạt mục tiêu này, rất dễ phát sinh tiêu cực”, ông Hà cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, trong lĩnh vực hàng hải, có những thủ tục hành chính công, nếu chuyển giao chỉ cần sửa Luật và các VBQPPL là xong. Tuy nhiên, cũng có thủ tục không thể chuyển giao do vướng điều ước quốc tế.

Ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề thuộc Công ty Vận tải ô tô số 2 (Hà Nội) cho rằng, phần dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo, cấp GPLX có thể để doanh nghiệp làm nhưng về thủ tục hành chính công thì Nhà nước bắt buộc phải nắm giữ toàn bộ, không thể giao phần cấp phép cho tư nhân làm. Không quốc gia nào trên thế giới làm việc này. “Thủ tục GPLX phải do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, nếu tư nhân làm chắc chắn sẽ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi””, ông Đại nói.

2
Việc chuyển giao cho DN, tổ chức xã hội đảm nhiệm dịch vụ hành chính công là cần thiết(Trong ảnh: Làm thủ tục kiểm định xe cơ giới tại Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội ) - Ảnh: Tạ Tôn

Nhà nước bớt gánh nặng

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, việc chuyển giao cho DN, tổ chức xã hội đảm nhiệm dịch vụ hành chính công là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh, an toàn khi triển khai. Vị này cũng gợi ý có thể thực hiện xã hội hoá công đoạn thẩm định trong thủ tục cấp giấy phép kinh doanh hàng không và Giấy chứng nhận xuất vận đơn hàng không thứ cấp.

“Những việc này nên để các hiệp hội chuyên ngành (Hiệp hội DN Hàng không VN, Hiệp hội Giao nhận kho vận…) làm. Nhà nước bớt gánh nặng công việc, có thể giảm được biên chế nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ trong quản lý khi vẫn là cơ quan chủ trì việc cấp phép”, vị này đề xuất.

Cụ thể hơn, hiện một số nhân viên hàng không (phi công, tiếp viên, kiểm soát viên không lưu) phải có giấy chứng nhận sức khoẻ do Cục Hàng không VN cấp mới được hành nghề.

Như phi công lái máy bay thương mại, trước 40 tuổi 1 năm phải được cấp Giấy chứng nhận 1 lần, sau 40 tuổi phải 6 tháng một lần. Trong khi đó, chỉ có 2 cơ sở được chỉ định để thực hiện việc giám định sức khoẻ là Trung tâm Y tế hàng không và Viện Y học phòng không - không quân. Cục Hàng không VN sau đó sẽ đánh giá nêu đạt tiêu chuẩn thì cấp Giấy chứng nhận sức khoẻ.

“Theo thông lệ quốc tế, việc cấp Giấy chứng nhận sức khoẻ buộc phải do Cục Hàng không VN cấp. Tuy nhiên, phần giám định sức khoẻ thay vì chỉ do 2 cơ sở như hiện nay đảm nhận, có thể xã hội hoá ra nhiều cơ sở khác. Điều này giúp tăng cạnh tranh giữa các cơ sở, từ đó tăng chất lượng”, chuyên gia cho biết.

Liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm cho biết, có trường hợp phương tiện thủy ở phía Nam đăng kiểm hàng tháng mới xong. “Nhiều khi đích thân tôi phải điện thoại nhờ lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo, giải quyết. Nguyên nhân do phương tiện này được hoán cải, sửa chữa mà hồ sơ kỹ thuật liên quan đến một số đơn vị đăng kiểm ở các địa phương khác nhau, cũng như theo phân cấp, ủy quyền nên chủ phương tiện không biết liên hệ thế nào”, ông Liêm nói và cho biết, có trường hợp, người dân “nhờ” luôn đơn vị đăng kiểm làm cả hồ sơ thiết kế và tất cả các thủ tục liên quan đến kiểm định phương tiện đóng mới.

Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho rằng, có thể tính đến việc giao cho đơn vị tư nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, giám sát, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện thủy. Cơ quan Nhà nước chỉ cần cấp giấy phép, công nhận để xác lập giá trị của kết quả kiểm định do doanh nghiệp thực hiện. “Đơn vị làm dịch vụ trên chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định của mình. Song, nếu cho phép doanh nghiệp làm cũng phải có 2-3 đơn vị để tránh độc quyền”, ông Liêm nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Vũ Linh cho rằng, việc kiểm định, đánh giá chất lượng xe mới nếu do 2-3 đơn vị thực hiện sẽ có tính cạnh tranh hơn một lực lượng thực hiện như hiện nay. Doanh nghiệp có cơ hội được lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ.

Liên quan đến kiểm định khí thải động cơ, theo ông Minh, để đầu tư dây chuyền và cung cấp được dịch vụ này sẽ rất tốn kém, chưa chắc doanh nghiệp đã dám đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng nên tạo hành lang pháp lý, “sân chơi” cho các nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.