Khám phá

Ngắm đại dương mây ở Tà Chì Nhù

24/01/2016, 15:05

Tà Chì Nhù là nơi lý tưởng đối với các tay săn ảnh và dân phượt mê khám phá.

Bình minh Tà Chì Nhù
Bình minh Tà Chì Nhù.

Tà Chì Nhù (thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của người dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người dân tộc Mông, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 m có khí hậu khắc nghiệt nhưng lại là nơi lý tưởng đối với các tay săn ảnh và dân phượtkhám phá.

Ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam cuốn hút dân phượt

Hiện Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam và được đánh giá rất khó khăn trong việc chinh phục do khí hậu khắc nghiệt, đòi hỏi sức bền và sự dẻo dai. Tuy nhiên, vẻ đẹp của mây ngàn, gió núi nơi đỉnh cao này là địa chỉ mà nhiều phượt thủ muốn ghi dấu vào bản đồ trải nghiệm của mình.

Những ngày đông nắng ấm là thời điểm thích hợp để bạn chinh phục Tà Chì Nhù. Nếu xuất phát từ Hà Nội, theo các phượt thủ đi trước, bạn nên dành ba ngày để hoàn thành cung này là hợp lý hơn cả, đủ thời gian để leo, ngắm cảnh đẹp và bảo toàn sức khỏe. Cung đường từ Hà Nội lên đỉnh Tà Chì Nhù phải đi qua Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, rồi vào bản Xà Hồ. Từ trung tâm xã xe chỉ đi được thêm 6 - 7 km nữa là bạn phải gửi rồi bắt đầu hành trình leo núi đầy thử thách. So với đỉnh Fansipan thì Tà Chì Nhù thấp hơn nhưng đường lên đỉnh cao Yên Bái này khó khăn gấp bội.

Con đường mòn dẫn lên đến đỉnh gần như độc đạo, dựng đứng, đôi lúc như đi trên sống núi. Thêm vào đó, ngay từ chân núi, sương mù đã bao vây dày đặc. Phần lớn dọc đường không có điểm bám, nhiều đoạn bạn sẽ phải… bò để tiến lên phía trước. Do đó, theo những người dẫn đường, bạn cần hạ thấp trọng tâm để đỡ mất sức, đồng thời cần có thêm gậy để trợ giúp. Càng lên cao, gió càng mạnh khiến người leo núi có cảm giác rát mặt và đôi chút ngộp thở. Bạn phải mất từ 6 - 7 tiếng mới lên tới lán ngựa, nơi có nguồn nước tự nhiên và có thể dừng cắm trại. Vì vậy, hãy cố gắng xuất phát từ chỗ gửi xe dưới bản muộn nhất khoảng 10h để kịp tới điểm cắm trại trước khi trời tối.

Dốc ngược lên tận đỉnh, tít tắp như không có đoạn nghỉ nên Tà Chì Nhù là bài kiểm tra sức chịu đựng cũng như can đảm của các phượt thủ. Nếu nản lòng không leo lên cao độ trên 2.000m để cắm trại qua đêm, bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được khoảnh khắc trên mây đẹp nhất lúc hoàng hôn và bình minh nắng sớm.

Sau khi hạ trại và nhóm lửa xua tan cái lạnh thấu xương, hãy gắng chợp mắt một chút lấy sức để sáng hôm sau hoàn thiện giấc mơ chạm tay vào mây. Nhưng cũng đừng quên là nơi cắm trại gió rất mạnh, cần có phương án neo dây cố định chắc chắn để bạn không bị cái lạnh hỏi thăm.

Bình minh Tà Chì Nhù - phần thưởng cho sự vất vả

Dọc đường từ cao độ 2.000m lên đến đỉnh, đáp lại sự vất vả và những lúc thở hắt ra vì phải “úp mặt xuống đường đi”, bạn sẽ bắt gặp những triền đồi cây cỏ tự nhiên với màu hoa tím, trắng trải dài tựa như một thảo nguyên rộng lớn. Càng lên cao, mây càng nhiều, từng mảng từng mảng trắng bông chờn vờn quanh đỉnh núi.

Những đám mây ấy như dấu hiệu báo đỉnh Tà Chì Nhù chẳng mấy chốc đã ở ngay trước mặt. Tất cả như những “đảo mây” huyền ảo: trước mặt là “đảo” Tà Chì Nhù, xa hơn là “đảo” Tà Y Chơ, bên trái là “đảo” Tà Xùa, ảo mờ phía sau là “quần đảo” Phu Sung Song. Có lẽ chưa bao giờ bạn cảm thấy mây và trời gần nhau như thế. Mây trời đan xen, không xác định được ranh giới, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu. Lúc này, có cảm giác như chỉ cần với tay là có thể… chạm tới mây.

Sau tất cả những vất vả, bình minh trên đỉnh Tà Chì Nhù là phần thưởng cho những người không nản lòng. Sẽ thật đẹp khi thời tiết chiều lòng người với những tia nắng ấm mùa đông bồng bềnh giữa đảo mây. Sau khi ngắm mây và ghi lại những khoảnh khắc có một không hai trên đỉnh núi, bạn nên thu dọn rác trước khi ra về.

Xuống núi sẽ nhanh hơn rất nhiều, nhưng cũng cần lưu ý sương ướt còn đọng lại khiến bạn dễ bị trơn trượt. Ba ngày cho cung phượt này nhanh như cái chớp mắt, tuy nhiên trước chuyến đi, bạn cần rèn luyện sức khỏe để có thể lực cần thiết. Nếu không, rất có thể bạn sẽ cản trở tốc độ di chuyển của cả đoàn cũng như ảnh hưởng tới lịch trình chinh phục đỉnh.

Bạn nên thuê người dẫn đường là người dân bản địa để có người đồng hành tin cậy. Ngoài ra, cũng có thể thuê thêm người vác những đồ nặng chung cho cả đoàn. Khi hoàn thành chuyến leo núi, trên đường về Nghĩa Lộ, bạn có thể khám phá văn hóa bản địa, dừng chân bên những nếp nhà sàn của người dân tộc, trải nghiệm cuộc sống thanh bình cũng như vài món ăn đặc sản núi rừng nơi đây trước khi trở về Hà Nội bắt đầu một tuần làm việc đòi hỏi nhiều năng lượng mới…

Phương tiện:

Bạn có thể chọn xe khách chặng Hà Nội - Yên Bái, giá vé 100 - 160 nghìn đồng/chiều, sau đó thuê xe máy ở TP Yên Bái để di chuyển tới huyện Trạm Tấu rồi vào bản Xà Hồ. Từ trung tâm xã xe chỉ đi được thêm 6 - 7 km nữa là bạn phải gửi xe rồi bắt đầu hành trình leo núi đầy thử thách.

Hành trang:

Túi ngủ, quần áo vừa đủ, mũ, giày leo núi, gậy, bật lửa, kem chống muỗi, đồ ăn, dụng cụ y tế... Khi mang theo máy ảnh, hãy chọn loại bao chống nước đề phòng mưa và độ ẩm trên núi cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.