Tài chính

Ngân hàng siết vay ngoại tệ, "tung chiêu" cho vay VND lãi thấp...như USD

19/05/2016, 07:00

Một hình thức cho vay mới đang được ngân hàng áp dụng đối với các DN xuất khẩu.

14

Cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng thì DN sẽ được ngân hàng cho vay ưu đãi - Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Vay VND với lãi suất thấp như USD

Là một DN chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn, Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) có nguồn thu ngoại tệ khá dồi dào. Mới đây, DN nhận được lời đề nghị cho vay vốn tiền đồng (VND) từ một ngân hàng trên địa bàn, với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất trung bình trên thị trường. Đổi lại, nguồn ngoại tệ của công ty sẽ bán lại hết cho ngân hàng này với tỷ giá tại ngày mà công ty ký kết vay vốn tiền VND.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Thuận Phước cho biết, sở dĩ phía ngân hàng đưa ra đề nghị này là vì trước đây một số DN xuất khẩu vẫn thực hiện vay USD trong ngắn hạn để bán đi lấy VND bổ sung vào vốn lưu động. Tuy nhiên, từ 1/4, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các DN không được vay USD từ ngân hàng nữa mà sẽ chuyển sang quan hệ mua bán thuần túy.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay 5 - 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3 - 6,2%/năm.

Sau khi bàn bạc kỹ với phía ngân hàng, vị giám đốc này thấy điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ngân hàng thì nhận được cam kết bán USD từ DN; Còn DN được vay vốn với lãi suất rất thấp. Theo đó, mức lãi suất công ty đang vay trong gói dành cho DN thủy sản là 5 - 6,5%/năm tùy gói vay. Mặc dù, so với mặt bằng chung, mức lãi suất nói trên cũng khá thấp, song trong điều kiện thực tế của thị trường thủy sản thì vẫn là một gánh nặng. “Mặt khác, chi phí vốn rẻ được bao nhiêu, DN có cơ hội giảm giá thành bấy nhiêu. Nếu được như vậy, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh giá bán sản phẩm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Lĩnh nói.

Tương tự, Trưởng phòng Khách hàng DN, Ngân hàng Vietcombank - ông Bạch Thành Long cho biết, hiện Vietcombank và một số ngân hàng đã có gói sản phẩm cho vay VND với lãi suất tương đương như lãi suất cho vay USD từ ngày 31/3. “Điều này mang lại lợi ích cho DN xuất khẩu là được vay VND với lãi suất thấp như lãi suất vay USD trong khi chi phí tài chính không đổi mà vẫn đảm bảo mục tiêu chống đô la hóa”, ông Long nói.

Ngân hàng có phạm luật?

Theo TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV, thỏa thuận trên của ngân hàng và DN không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào, dù bản chất là cho vay USD dưới danh nghĩa tiền đồng. Theo ông Lực, ở đây vẫn có hai giao dịch, một bên là DN bán ngoại tệ cho ngân hàng là điều đương nhiên và một bên là vay vốn bằng VND. Đối với việc vay vốn, hiện mới chỉ có quy định về trần lãi suất chứ không có quy định sàn lãi suất. Nên theo ông Lực, nếu ngân hàng cho DN vay với lãi suất thấp thì càng hỗ trợ cho DN.

Ông Lĩnh cho biết, ông kỳ vọng ở thỏa thuận trên với ngân hàng bởi nếu chờ đợi các ngân hàng giảm lãi suất thì không biết tới khi nào. Theo ông Lĩnh, hiện nay Kho bạc Nhà nước vẫn không ngừng phát hành Trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, lãi suất cao khiến cơ hội giảm lãi suất huy động và cho vay khó khăn hơn.

Trong trường hợp này, ngân hàng có “chịu thiệt” không? Ông Long cho hay, đây không đơn thuần chỉ là cho vay tiền VND neo theo lãi suất USD. Ông Long lấy ví dụ, khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền VND tương đương 1 triệu USD thì ngân hàng phải dùng USD huy động được giao dịch trên thị trường quốc tế với đúng kỳ hạn đã ký với DN để bù rủi ro ngoại tệ. “Khi ngân hàng có tiền nhãn rỗi thì không sợ rủi ro. Còn nếu ngân hàng không kiểm soát được trạng thái mới có thể dẫn tới thiệt hại”, Trưởng phòng Khách hàng DN Vietcombank nói. Theo thông tin từ ông Long, tính từ thời điểm áp dụng gói vay trên, Vietcombank đã có hơn 200 khách hàng chỉ trong vòng một tháng rưỡi. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.