Tài chính

Ngân hàng vật vã mời khách vay tiền

02/04/2015, 15:06

Vốn huy động dồi dào nhưng nhu cầu vay chưa cao khiến các ngân hàng phải giao khoán chỉ tiêu cho vay...

42
Các ngân hàng đang nỗ lực kích cầu, chào mời khách vay
Ảnh: Lã Anh

Vốn huy động dồi dào nhưng nhu cầu vay chưa cao khiến các ngân hàng phải giao khoán chỉ tiêu cho vay cho bộ phận tín dụng, đồng thời nỗ lực kích cầu bằng các chương trình giảm lãi vay, hỗ trợ khách vay.

“Gánh nặng” vài chục tỷ

Anh Trung, cán bộ tín dụng Ngân hàng BIDV chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) đang phải chạy đôn chạy đáo tìm các dự án bất động sản để liên kết và mời chào khách hàng. “Năm nay, chỉ tiêu của phòng tín dụng cá nhân là 130 tỷ đồng, mỗi cán bộ “gánh” hơn 40 tỷ đồng. Tháng 2 vừa rồi, “vướng” Tết nên chỉ tiêu đạt thấp, đã mất thưởng rồi, tháng này phải “chạy” bù kẻo mất việc”, anh Trung nói.

Tuần qua, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 4,5%/năm, 6 tháng: 5%/năm. VietinBank, 1 tháng: 4%/năm, từ 3 đến dưới 6 tháng: 4,6%/năm, từ 9 đến dưới 12 tháng: 5,4%/năm. ACB, lãi suất các kỳ hạn từ 1-9 tháng giảm 0,2%/năm, các kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm 0,1%/năm. Techcombank giảm 0,1%/năm lãi suất các kỳ hạn 1-3 tháng. VPBank giảm 0,2%/năm lãi suất các kỳ hạn 1-3 tháng, các kỳ hạn dài giảm 0,1%/năm. HDBank giảm 0,2%/năm lãi suất tại các kỳ hạn...

Theo anh Trung, nguồn vốn của ngân hàng hiện dồi dào nên phải đẩy mạnh cho vay. “Chúng tôi phải đôn đáo tìm kiếm, bám sát khách hàng. Tôi đang tìm một số chủ đầu tư các dự án bất động sản để ký kết ba bên mời chào vay vốn mua nhà. Ngoài ra, còn tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, cả các cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng nữa”, anh Trung cho hay.

Tại LienVietPostBank Xã Đàn (Hà Nội), Quỳnh, nhân viên tín dụng tranh thủ cả ngày cuối tuần để gọi cho khách hàng thông báo về mức lãi suất ưu đãi mà ngân hàng này mới áp dụng đối với các khoản vay cá nhân. Quỳnh cho biết, hiện khách hàng vay vốn mua nhà, sửa nhà, mua sắm… tại LienVietPostBank thì lãi suất chỉ còn 7,5%, giảm 0,4% so với hồi trung tuần tháng 3.

Theo Quỳnh, LienViet PostBank đang đẩy mạnh mảng bán lẻ. Để cạnh tranh với các ngân hàng lớn, những ngân hàng nhỏ phải thu hút khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, do đó nhân viên tín dụng như Quỳnh phải thực hiện tư vấn cho khách 24/24h, chuẩn bị hồ sơ vay vốn cho khách đơn giản, giải ngân nhanh, thậm chí làm thủ tục tận nhà cho khách… “Tranh thủ cả giờ nghỉ trưa, ngày cuối tuần để gặp gỡ, mời chào khách vay vốn. Đi uống cà phê với bạn, đi ăn cưới, họp lớp, họp tổ dân phố… cũng tranh thủ giới thiệu các gói vay. Nếu không đủ chỉ tiêu tín dụng, không chỉ bị cắt thưởng mà lâu dài còn mất việc”, Quỳnh than.

Ngân hàng tích cực kích cầu

Để kích cầu cho vay, các ngân hàng cũng tích cực đưa ra những chương trình ưu đãi vay vốn. Như NamA Bank vừa tung ra gói vay ưu đãi 2 nghìn tỷ đồng với lãi suất dành cho khách hàng cá nhân từ 6,4%/năm và doanh nghiệp từ 6%/năm; VPBank giảm 1%/năm so với lãi suất các khoản vay thông thường đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn lưu động ngắn hạn; SeaBank áp dụng lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm (VND) và 3,5%/năm (USD) cho doanh nghiệp vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động…

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết, dù thừa vốn thì ngân hàng cũng cần giải ngân thận trọng để tránh làm tăng nợ xấu mới. Còn phía doanh nghiệp cũng thận trọng khi vay vốn để bảo vệ thành quả sản xuất. Về việc một số ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất vay, ông Kiêm nhìn nhận động thái này nằm trong định hướng giảm 1-1,5% từ đầu năm nay của Ngân hàng Nhà nước. “Hiện mặt bằng chung lãi suất cho vay trung, dài hạn tại hệ thống dao động từ 9-11,5%. Đợt này, một số ngân hàng giảm lãi suất chủ yếu là muốn tranh thủ lôi kéo khách hàng, tăng cường giải ngân”, ông Kiêm nói.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, hiện việc giảm lãi suất đầu ra cũng không đồng đều giữa các ngân hàng. Bởi cơ cấu vốn của mỗi ngân hàng khác nhau, nên việc giảm lãi suất phụ thuộc vào mức lãi suất và lượng tiền ngân hàng huy động được trước đó. Thêm vào đó, động thái điều chỉnh lãi suất còn phụ thuộc vào việc thu nợ cũ của các ngân hàng để triển khai các gói vay mới. “Các ngân hàng hoàn toàn có dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay do sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô. Còn việc giảm bao nhiêu thì sẽ phải phụ thuộc vào từng ngân hàng”, ông Kiêm dự báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.