Văn hóa - Giải Trí

Ngày thơ Việt Nam đưa nhầm ảnh thi nhân Hàn Mạc Tử

11/02/2017, 20:10

Ngày thơ vinh danh thơ Nguyễn Du sai, ảnh Hàn Mạc Tử sai và dịch thơ Nguyễn Khuyến sai

1

Ngày thơ vinh danh thơ Nguyễn Du sai, ảnh Hàn Mạc Tử sai và dịch thơ Nguyễn Khuyến sai

Sáng ngày 11/2/2017, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15. Đây là hoạt động được tổ chức với mục đích tôn vinh, quảng bá các thành tựu thi ca Việt Nam.

Trong số các hoạt động diễn ra trong Ngày thơ năm nay, "Con đường thi nhân" lần đầu tiên được tổ chức. Ý tưởng của những người làm chương trình khá độc đáo: treo pano ảnh các thi sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong suốt tiến trình thi ca Việt Nam lên các khung vòm dọc con đường từ cổng tiến vào Khuê Văn Các. 

Tuy nhiên, một số sai lầm nghiêm trọng về nội dung của "Con đường thi nhân" như sau:

Cụ thể, 2 câu thơ trên tấm pano của Đại thi hào Nguyễn Du đã bị trích dẫn sai thành: "Đời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết "Câu này tuỳ vào người phiên âm, nhưng cách hiểu truyền thống và được chấp nhận nhiều nhất từ xưa đến nay là theo bản dịch của cụ Đào Duy Anh, chính xác là "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời".

anh2

Hai câu thơ bị trích nhầm trên pano ảnh thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Dân Việt

Tai hại hơn cả việc nhầm câu chữ, có những tấm pano còn nhầm lẫn cả về gương mặt thi nhân. Cụ thể, trên tấm pano đề 2 câu thơ “Thơ tôi bay suốt một đời khôn thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu” vốn là trích từ bài thơ Ave Maria của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, gương mặt in trên pano lại không phải của tác giả "Gái quê" mà được thay bằng một người bạn của ông trong "Tứ Hữu Đổ Bàn" là nhà thơ... Yến Lan. 

anh 2

Ảnh nhà thơ Yến Lan bị đưa nhầm vào vị trí của Hàn Mặc Tử. Ảnh: Dân Việt

Sự nhầm lẫn được lặp lại ở tấm pano Nguyễn Khuyến. Dù trích dẫn 2 câu thơ "Gió chiều chợt thôi từ đâu lại/ Chỉ mong mọc cánh vụt bay cùng" khá trang trọng, song ảnh của thi sĩ thay vì ảnh Nguyễn Khuyến lại là... sứ thần Phan Thanh Giản.

Thậm chí theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn thì hai câu thơ này "rất lạ", vì theo bộ sách "Nguyễn Khuyến tác phẩm" do Nguyễn Văn Huyền sưu tầm - biên dịch - giới thiệu (được xem là công trình văn bản học Nguyễn Khuyến tốt nhất tính đến nay) không có câu này.

Chỉ có 2 câu trong bài Thu dạ hữu cảm: Hà xứ thu phong xuy nhất diệp/ Dẫn lai vô hạn cố viên tình (Nghĩa: Gió thu từ đâu thổi đến một chiếc lá/ Khêu gợi lên biết bao mối tình nhớ nhà) là tương đối gần với 2 câu thơ trưng bày. "Tạm suy đoán, phải chăng ai đó đã đã dịch lại, dịch khác, dịch mới, dịch thoát, phỏng dịch, thành ra: Gió chiều chợt thổi từ đâu lại,/ Chỉ mong mọc cánh vụt bay cùng…", ông Sơn nói.

anh 3

Trên pano ảnh Nguyễn Khuyến lại xuất hiện gương mặt của Phan Thanh Giản. Ảnh Dân Việt

Ngay sau khi những thông tin về các nhầm lẫn tai hại này phát tán trên diện rộng, tới khoảng 3h chiều cùng ngày "Con đường thi nhân" đã dược dọn sạch bóng.

Mọi tấm pano đều bị gỡ xuống, để lại phần khung thép và hình chim Lạc trang trí. Khi được hỏi vì sao chỉ thu dọn phần "Con đường thi nhân" trong khi những tấm biển đăng lịch sử hoạt động thơ ca Việt Nam quanh Thiên Quang Tỉnh và khán đài vẫn giữ nguyên? Một bảo vệ cho biết: "đây là yêu cầu của ban tổ chức".

SON_5324

"Con đường thi nhân" sạch bóng thi nhân ngay sau khi xảy ra sự cố, dù còn nhiều thành phần trưng bày khác của Ngày thơ chưa bị dọn dẹp

Trong sáng ngày 11/2, nhà thơ Mai Nam Thắng, thành viên ban tổ chức khi được hỏi về những nhầm lẫn trên: "đến khi phóng viên gọi điện phản ánh, tôi mới biết có sự sai sót đó. Nếu quả thực như vậy thì không biết là vô tình hay cố ý, nhưng đó là một sự nhầm lẫn rất đáng tiếc".

Trong chiều ngày 11/2, đại diện từ phía ban tổ chức, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam) đã có lời với báo chí rằng đây là một "sự nhầm lẫn" và do phải làm ban đêm nên có sự vội vàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.