Nghệ sĩ violin đường phố Đỗ Bá Lý qua đời vì TNGT

28/07/2017, 18:53

Tai nạn thảm khốc đã cướp đi của Hải Phòng người nghệ sĩ violin tài năng, khiến nhiều người xót xa.

images940620_IMG_3966

 Nghệ sĩ violin đường phố Đỗ Bá Lý qua đời vì tai nạn giao thông

Một vụ TNGT thảm khốc xảy ra vào khoảng 11h45 trưa nay (28/7), trên đường Nguyễn Bỉnh khiêm (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã cướp đi sinh mạng của người nghệ sĩ Violin đường phố Đỗ Bá Lý. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều người dân Hải Phòng tỏ ra vô cùng đau xót. Nhiều người cho biết, hình ảnh người nghệ sĩ già hàng ngày vẫn mưu sinh ở các ngã tư, công viên với cây đàn violin đã trở nên thân thuộc với nhiều người Hải Phòng.

Capture

Hiện trường vụ tai nạn

Theo đó, vào thời điểm trên, chiếc xe ôm chở ông Đỗ Bá Lý lưu thông theo hướng BigC – Lạch Tray đến đoạn trước cửa số nhà 203 thì va chạm với xe container BKS 15LD – 00479 kéo rơ-mooc chạy cùng chiều. Vụ va chạm khiến ông Lý ngã xuống đường và tử vong. Người cầm lái xe máy bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Mới đó vào buổi sáng, ông Lý vẫn ra khu vực ngã tư Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần siêu thị Big C) kéo đàn violin như thường lệ. 

ong-ly-choi-dan-o-nga-tu-2-22982

 Hình ảnh ông Đỗ Bá Lý chơi violin ở góc phố

Đỗ Ba Lý là một người nghệ sĩ nghèo, cuộc sống đầy những cơ cực gian truân. Cả cuộc đời ông gắn bó với tiếng đàn Violin da diết đi vào lòng người. Cũng chính vì vậy, mà sự ra đi của ông đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người. 

Cuộc đời bi đát của nghệ sĩ Đỗ Bá Lý

Theo ANTĐ, Đỗ Bá Lý là con út trong gia đình có 4 anh em trai. Từ nhỏ, cụ được tạo mọi điều kiện theo học violin từ ông thầy người Campuchia tên là Chây Sa Khôn, nhưng rồi bố mất do bệnh tật, ba anh trai cùng thiệt mạng trong một trận bom của giặc Pháp. Hôm ấy, Đỗ Bá Lý và mẹ về quê thăm ông bà ngoại nên thoát nạn. Bà mẹ quyết tâm thực hiện tâm nguyện của chồng, cho con học đàn đến nơi đến chốn.

Khi cụ 16 tuổi, thầy dạy violin phải về nước. May mắn, Đỗ Bá Lý được ông Trưởng đoàn nghệ thuật kịch nói Hải Dương, phát hiện khả năng chơi đàn nên được nhận về đoàn, chính thức ăn lương "biên chế" nhà nước, đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội ở nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Cụ kết hơn, có được 2 con trai, 1 gái. Cuộc sống mưu sinh vất vả, song vì các con, vợ chồng người nghệ sỹ động viên nhau bươn chải đủ nghề, kể cả rửa bát thuê cho các hàng phở. Những tưởng cuộc sống bình yên trôi qua, ai ngờ cả ba người con của cụ lần lượt bỏ bố mẹ ra đi. Vợ cụ không vượt qua được nỗi đau mất con, sinh bệnh, rồi về với tiên tổ. Cụ trắng tay, không nhà cửa, không gia đình.

Mãi đến năm 1989, bà Lâm Thị Hải, trú tại quận Lê Chân, cảm tiếng đàn của cụ Lý, lại thương người nghệ sĩ lang thang không nhà cửa mà đến với Đỗ Bá Lý. Đôi vợ chồng già thuê ngôi nhà cấp 4 kế bên chợ Sắt vừa để ở, vừa bán quà sáng sinh sống qua ngày, nhưng định mệnh cuộc đời vẫn không buông tha cho họ.

Năm 2002, cụ Lý bị ung thư dạ dày, phải lên bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội điều trị hàng tháng trời. Ở nhà, bà Hải phải chạy vạy gom từng đồng gửi lên cho cụ chữa bệnh. Bệnh chưa khỏi hẳn, thương vợ vất vả, cụ xin bệnh viện cho về.

Năm 2013, bà Hải bị tai nạn gãy chân, phải phẫu thuật và điều trị tại bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng ròng rã 3 tháng trời. Gia cảnh túng quẫn, đến tháng không có tiền trả cho chủ nhà trọ, vợ chồng ông bị đuổi ra khỏi nhà.

Tính kế sinh nhai, hàng ngày cụ mang cây đàn violin cũ kỹ của mình ra khu vực hồ Tam Bạc, chợ Sắt và những con phố chính trong thành phố chơi những bản nhạc cổ điển, dân ca… Thấy cụ già ngót nghét 80 tuổi cần mẫn phục vụ khách vãng lai, người qua đường rủ lòng thương cảm, ít nhiều đều biếu tiền cụ.

Cụ tâm sự: “Tôi không nghĩ đến tuổi này còn làm được điều đó, bởi lẽ hàng ngày lê bước hàng chục cây số, hành trang đồ nghề trên vai nặng hơn 10kg. Hơn nữa tuổi già, chân tay cứng hết, không còn đủ linh hoạt để chơi cây đàn này. Tôi tự nhủ, mình nghèo nhưng không đi ăn xin, mình phải kiếm tiền chữa bệnh cho vợ. Hai vợ chồng già không thể nhìn nhau mà chết. Đi dần thành quen. Bây giờ tôi thấy chân tay như khỏe ra. Kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, tôi mừng lắm. Cả cuộc đời tôi chưa có một ngày hưởng trọn niềm vui, đã quen cái cảnh được bữa sớm lo bữa tối. Trời cho tôi sức khỏe, tôi vẫn làm được, vẫn có thể mang tiếng đàn làm vui lòng người”.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của cụ Lý, nhóm tình nguyện “Trái tim kết nối” và nhóm “Thiền nguyện niềm tin”, những tổ chức nhân đạo Hải Phòng đã có sự chia sẻ, giúp cụ ổn định cuộc sống. Đầu tháng 4.2014, lớp học đàn violin tại câu lạc bộ thanh thiếu niên quận Ngô Quyền đã mời cụ Lý trực tiếp giảng dạy. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, vừa giúp các học viên có được người thầy tâm huyết, mặt khác học phí do học viên đóng góp, góp phần cải thiện cuộc sống cho vợ chồng cụ Lý. Ban ngày cụ là một lão nghệ sĩ đường phố, buổi tối cụ là một thầy giáo cần mẫn, say mê truyền dạy cho lớp trẻ. Cụ tâm sự: “Sau này yếu đi, không chơi được violin nữa, tôi hy vọng các cháu sẽ là lớp kế cận, phát huy cái hay, cái đẹp của loại nhạc cụ này. Bởi lẽ violin khó chơi và rất kén người chơi. Ngoài việc có tài, phải có tâm huyết mới chơi được”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.