Văn hóa - Giải Trí

Nghệ thuật đương đại loay hoay bán vé

18/09/2017, 13:05

Bản chất mới lạ, du nhập vào Việt Nam chưa quá lâu, nghệ thuật sắp đặt vẫn đang chơi vơi trên thị trường...

26

Triển lãm “0395A.ĐC” của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly là sự kiện nghệ thuật sắp đặt hiếm hoi dám bán vé vào cửa

Miễn phí từ cửa

Tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory vừa qua đã diễn ra triển lãm  0395A.ĐC của họa sỹ Ly Hoàng Ly. Điểm đặc biệt của sự kiện không nằm ở cái tên lạ, hay các tác phẩm trưng bày trong triển lãm. Yếu tố thu hút sự quan tâm của phần đông khách tham quan chính là việc bán vé vào cửa. 35.000 đồng/vé phổ thông, nếu là sinh viên được giảm còn 25.000 đồng, miễn phí cho người dưới 16 tuổi. Quyết định này được trợ lý giám tuyển Lê Thiên Bảo của The Factory, đơn vị tổ chức triển lãm cho hay chính là: “ Khởi đầu cho việc “mua vé tham quan mỹ thuật là đương nhiên”, nhằm giáo dục ý thức của cộng đồng rằng, nghệ sĩ và không gian sáng tạo cũng cần phải sống như mọi ngành nghề khác”. Theo đó, một thực tế ảm đạm của giới nghệ thuật đương đại Việt Nam được phơi bày. Bán vé vào xem nghệ thuật từ chuyện đương nhiên bỗng trở thành sự lạ hiếm hoi.

Từ thời kỳ nghệ thuật đương đại len chân vào Việt Nam, chẳng mấy buổi triển lãm dám sòng phẳng yêu cầu khách tham quan trả tiền qua cửa. Việc bán vé vào cửa vô cùng hi hữu, mà nếu có cũng bán với giá vô cùng rẻ mạt. Triển lãm Restart của Trung tâm Mỹ Thuật đương đại hồi tháng 10/2010 bán vé chỉ 5.000 đồng tặng kèm bia hơi, tức là 1 cốc bia và 2 ly trà đá. Triển lãm Recycle của nhóm các nghệ sĩ Vũ Mạnh Phương, Đoàn Minh Hoàn, Vũ Nhật Tân diễn ra tháng 6/2013, khách hầu như bỏ về sau ngày đầu tiên do giá vé 150.000 đồng. Tháng 10/2015, triển lãm Filter của ba nghệ sĩ Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh và Bùi Hải Sơn tạo cú đột phá với mức vé 3,6 triệu đồng/cặp, nhưng rồi lại hạ chỉ còn 250.000/vé sau ngày khai mạc. Trong năm 2017, các dự án nghệ thuật rất lớn như: Những chân trời có người bay 3, Tỏa/The Foliage/Chuyển mình hứng khởi,... dù được tổ chức bởi các đơn vị “máu mặt” là Nhà Sàn Collective, Trung tâm Nghệ thuật Vincom; quy tụ nhiều cái tên nghệ sĩ đình đám như: Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Mạnh Đức, Trương Tân… song chẳng một sự kiện nào không làm theo kiểu mở cửa tự do. Miễn phí là mô hình chung, phổ biến nhất, dễ thấy nhất tồn tại trong làng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.

Trong khi đó, trên thế giới, việc bán vé vào cửa lại phổ biến như một lẽ tất yếu. Thậm chí, giá vé xem triển lãm bộ môn này ở nhiều nơi không kém các hình thức đi show âm nhạc thần tượng là bao. Điển hình là nữ nghệ sĩ Nhật Bản Yaoyi Kusama, triển lãm The Infinity Mirrors gần đây của bà có mức vé rẻ nhất (dành cho người dưới 17 tuổi) cũng đã là 25 USD (gần 600.000 đồng). Hay chuỗi sự kiện Fall 2017 của Viện Nghệ thuật San Francisco có giá vé dao động từ 350-400 USD, tương đương vài triệu đồng tiền Việt. Hình thức tự do vào cửa thường chỉ gặp ở các triển lãm của nghệ sĩ mới vào nghề, mang tính chất thử nghiệm. Nghệ thuật dù cao siêu, nhưng tính thương mại vẫn đi liền chứ không thể miễn phí. Tiếc thay, điều này ở Việt Nam lại trở thành xa xỉ.

Thói quen của người Việt

Việc Trung tâm Nghệ thuật The Factory quyết định bán vé triển lãm 0395A.ĐC của họa sỹ Ly Hoàng Ly giống như cú hích mới mẻ. Theo trợ lý giám tuyển Lê Thiên Bảo, đại diện The Factory tiết lộ rằng, kết quả bán vé không tồi: “Thời gian đầu  khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Càng về sau, nhờ cách quảng bá và thiết kế chương trình hướng đến công chúng địa phương, nên hiện nay thành phần mua vé tham quan đã gần 80% là người Việt. Trong đó, hơn một nửa là sinh viên, học sinh hoặc khán giả dưới 35 tuổi”. Dù vậy, việc làm của The Factory với 0395A.ĐC vẫn chỉ là một nét gợn rất nhỏ, chứ chưa thể trở nên đại trà.

“Không bán vé còn ít người xem, nữa là bán vé thì chẳng ai đến”, nhà nghiên cứu - họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ. Theo ông, sở dĩ có hiện tượng trên chính bởi thói quen của người Việt trong việc thưởng thức nghệ thuật. Ở Việt Nam, dân chúng chưa có thói quen đi xem triển lãm nghệ thuật, mà chỉ quen xem triển lãm trưng bày hàng tiêu dùng. Những sự kiện thương mại, như vậy hiển nhiên không áp giá vé vào cửa, do đó văn hóa “bóc bánh nhưng không trả tiền” mới trở thành phổ biến.  

Ngoài ra, theo họa sĩ Thành Chương, việc yêu cầu trả tiền để vào xem nghệ thuật dù trên thế giới là tất yếu thì ở Việt Nam lại là không thể: “Có những nguyên nhân do mình lạc hậu, nhưng cũng có nguyên nhân do điều kiện đời sống xã hội của mình ở mức như vậy thôi, áp dụng cái ở các nước tiên tiến vào lại không hợp. Ví dụ như nếu lấy giá vào các bảo tàng, khu văn hóa ở nước ngoài, tầm 10 USD, đem về mức sống ở Việt Nam sẽ thành bất hợp lý”. Theo họa sĩ Thành Chương, thay đổi điều này là vấn đề lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều. Muốn xây dựng đời sống văn hóa nghệ thuật hội nhập với quốc tế thì phải nâng cao đời sống vật chất của xã hội một cách đồng bộ. “Còn bây giờ nghệ sĩ làm triển lãm miễn phí mà mọi người kéo tới đông vui là mừng lắm rồi”, chủ nhân Việt phủ cho biết.

Theo đó, miễn phí từ cửa vào vẫn đang là nỗi ám ảnh mà nhiều đơn vị làm nghệ thuật sắp đặt tìm cách vượt thoát. Nếu không tạo cho khán giả thưởng lãm nghệ thuật một tư duy “bóc bánh trả tiền” sòng phẳng, thì dù là hội họa hay điêu khắc cũng khó có đường sống, đừng nói đến món chơi khó nhằn như nghệ thuật sắp đặt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.