Điện ảnh

Nghệ thuật truyền thống “ngắc ngoải bơi”... tự chủ tài chính

17/05/2016, 08:06

Rất nhiều nhà hát, các nghệ sĩ “khủng hoảng” rơi vào nỗi lo cơm áo, nhất là: Kịch, cải lương, tuồng, chèo.

Nhà hát Tuồng Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước vi

Nhà hát Tuồng Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước việc tự chủ

Thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp và triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Bộ VH,TT&DL đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Tuy nhiên, lộ trình tự chủ này dẫn đến tình trạng các nhà hát ngả như rạ, kêu la về việc tự chủ - chết không xong, cứ ngắc ngoải nửa vời...

Cào bằng… tuồng, chèo, cải lương là làm khó

Bao nhiêu năm, các nhà hát được sống trong “bầu sữa mẹ”, nay lại phải ra “ở riêng”, “tự biên, tự diễn” chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu. Yêu cầu đặt ra là: Chất lượng nghệ thuật phải đảm bảo nhưng tiền đầu tư lại bị cắt giảm. Rất nhiều nhà hát, các nghệ sĩ “khủng hoảng” rơi vào nỗi lo cơm áo, nhất là những môn nghệ thuật khá kén khán giả như: Kịch, cải lương, tuồng, chèo.

Năm 2016, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thực hiện cắt giảm 30% ngân sách Nhà nước. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát cho biết, trước việc tự chủ nhà hát gặp khó khăn. “Tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca, múa, nhạc là các loại hình nghệ thuật khác nhau, điều kiện, khán giả khác nhau, xây dựng tác phẩm khác nhau... Khi chuyển đổi cơ chế sang lộ trình thí điểm theo đơn đặt hàng và giao nhiệm vụ thì yêu cầu phải có kịch bản. Mấy chục tác giả viết kịch nhưng đếm trên đầu ngón tay chỉ có 1, 2 tác giả viết tuồng. Vậy mà chúng ta đang thực hiện chế độ cào bằng, tuồng cũng như chèo, chèo cũng như cải lương, múa, hát, kịch… Rồi có những đêm diễn tại Rạp Hồng Hà chỉ bán được 2 - 3 vé.

Như thế thì có thể tự chủ được không? Tôi cho rằng rất khó. Chính vì thế, Nhà nước cần có cơ chế riêng, đầu tư đặc thù với những nhà hát nghệ thuật truyền thống”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay: “Các nghệ sĩ sẽ ra ngoài biên chế, trong nhà hát chỉ giữ ít còn lại là hợp đồng, thời vụ. Hiện nay, để trả lương và các kinh phí thông thường, nhà hát đã mất 6 - 7 tỷ đồng/năm. Với tình hình kinh doanh hiện nay, không thể kiếm được từng ấy tiền. Có những vở dựng rất lớn, được khán giả yêu thích nhưng nếu bảo kinh doanh bán vé rất khó. Mỗi năm nhà hát chỉ kiếm được 2 tỷ đồng, lấy tiền đâu trả lương”, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết.

Tự chủ nửa vời khiến nhà hát rên xiết

Điều băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo các nhà hát trong lộ trình tự thu, tự chi còn nằm ở cơ chế. Để có thể sống được, các nhà hát không còn cách nào khác là phải tinh gọn lại bộ máy, nhưng cách làm như thế nào thì hoàn toàn là bài toán khó. Mỗi nhà hát từ lâu luôn tồn tại một lượng diễn viên không diễn nhưng mỗi tháng vẫn đều đặn lĩnh lương. Vì thế, khi được tự chủ, mỗi giám đốc đều đang loay hoay trong việc sắp xếp nhân sự.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam bày tỏ bế tắc trong việc tìm cách giải quyết chế độ cho mấy chục nghệ sĩ không làm việc nhưng vẫn nhận lương: “Xiếc là môn nghệ thuật đặc thù, vất vả và tuổi nghề rất ngắn. Ở lại thì khó cho cả hai bên, nhà hát không có tiền trả lương còn nghệ sĩ khi được chuyển sang làm công việc khác như soát vé, chiếu đèn, vì lòng tự trọng nên họ không làm. Chúng tôi đang tìm cách để kiến nghị giải quyết chế độ cho một lượng nghệ sĩ nhất định nhưng xem ra không dễ dàng”.

NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho rằng, điểm tích cực của việc tự chủ là các nhà hát được tự thu chi. Tuy nhiên, lộ trình này gặp phải nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp tài trợ cho nhà hát nhưng báo chí không quan tâm đến thương hiệu doanh nghiệp có tài trợ cho nghệ thuật.Cạnh đó, khi Nhà nước chi tiền đặt hàng, đơn vị phải xây dựng sản phẩm thực sự chất lượng và phải được Hội đồng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn duyệt mới được cấp kinh phí, gây khó khăn cho nhà hát. Vì họ phải nghĩ làm gì trong năm tới. NSƯT Chí Trung cho biết thêm, khi giao tự chủ thu - chi, Bộ VH,TT&DL phải giao cả tự chủ quyết định, thế nhưng nhà hát dựng vở nào, phải được Bộ đồng ý. Vở này dựng được, vở kia không dựng được, khiến nhà hát ở thế bị động. “Như thế, đâu còn là tự chủ thu - chi?”, nghệ sĩ Chí Trung nói.

Cùng đó, NSND Trần Bình cho biết, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam là đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính. Nhưng cơ chế, tổ chức và tài chính vẫn là cơ chế áp dụng cho đơn vị được bao cấp. Điều này ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch, hoạt động của nhà hát.

Đến năm 2016, Bộ VH,TT&DL có 5 đơn vị tự chủ 100%, 4 đơn vị tự chủ 60% và 8 đơn vị tự chủ 30% trên tổng số 74 đơn vị sự nghiệp. - 5 đơn vị tự chủ 100%: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia; Ban Quản lý Nhà hát Lớn; Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam. - 4 đơn vị tự chủ 60%: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật Điện ảnh.- 8 đơn vị tự chủ 30% (7 nhà hát, 1 bệnh viện): Nhà hát chèo Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát nhạc Vũ kịch, Nhà hát dân gian Việt Bắc và Bệnh viện Thể thao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.