Xã hội

"Nghẹt thở" ở Yên Tử

17/02/2016, 13:37

Hàng nghìn du khách về Yên Tử (Uông Bí – Quảng Ninh) mong muốn lên được đến đỉnh chùa Đồng để...xoa tiền lấy may.

Ảnh 6 (1)
Hàng ngàn du khách đổ về dự khai hội Yên Tử

Sáng nay (17/2), Hội Xuân Yên Tử 2016 đã chính thức khai hội với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Chương trình diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng như: gióng trống, thỉnh chuông khai hội, nghi lễ chúc phúc đầu năm, nghi lễ cầu quốc thái, dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...

Nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử được mệnh danh là một trong những “ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất Châu Á” hiện đang nằm trên địa bàn xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh. Ngay trong ngày khai hội, mặc gió rét, địa hình đồi núi hiểm trở, hàng nghìn du khách thập phương vẫn ùn ùn kéo đến ngôi chùa thiêng này để “mài” tiền cầu may.

Ảnh 2 (1)
Bất chấp nguy hiểm, dòng người vẫn cố xô đẩy nhau leo lên đỉnh chùa Đồng “mài” chùa và dâng lễ thậm chí chụp ảnh selfie

Để leo lên được đỉnh chùa Đồng, du khách phải trải qua hơn 6km đường bộ, với địa hình đồi núi dốc, khí hậu thay đổi thất thường, sương mù dày đặc và hương khói nghi ngút. Song bất chấp mệt nhọc vì kiệt sức và lạnh giá, hàng nghìn người vẫn có thể đặt chân lên được đến đỉnh chùa Đồng, tất cả đều cố gắng chạm chân, chạm tay xoa vào chùa cho bằng được.

Phải mất gần 4 tiếng bộ hành, gia đình chị Phương (Khoái Châu, Hưng Yên) mới leo lên được đỉnh Chùa Đồng, chị chia sẻ: "Không biết từ khi nào có tục xoa chùa đồng, nhưng thấy mọi người làm rồi truyền tai nhau mình cũng làm theo thôi. Thấy bảo, nếu cọ tiền vào chuông, khánh, cột ở chùa Đồng-Yên Tử thì cả năm sẽ làm ăn phát đạt".

Ảnh 3 (1)
Chen chân mài tiền lấy may tại Chùa Đồng-Yên Tử

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, những món lễ vật được du khách xoa lên chùa Đồng có nhiều kiểu khác nhau như bùa bình an, các loại vòng tay, vòng cổ và đặc biệt là tiền (bao gồm tiền ngoại tệ) với nhiều mệnh giá khác nhau từ 500 đồng đến 500.000 đồng. Sau khi “xoa” tiền vào chùa Đồng, một nửa số tiền sẽ được để lại hòm công đức và một nửa sẽ được các du khách đút trở lại ví để lấy lộc đầu năm. Cũng có một số trường hợp, “nhét” tiền lên trên các cây cột, không bỏ vào hòm công đức.

Càng về trưa, lượng du khách đổ về Yên Tử càng đông, trên các con đường dẫn lên chùa Đồng, dòng người phải chen chân nhau để bước đi. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Hà Nội) mệt mỏi cho biết: “Phải cố gắng lắm cả gia đình chị mới leo bộ được lên đến tận đỉnh chùa. Nhiều người thiếu ý thức cứ xô đẩy leo lên xoa chuông, khánh trong chùa, trong khi địa hình hiểm trở chỉ cần xảy chân là có thể ngã ngay, rất nguy hiểm. Nếu đi đứng thiếu chú ý, không cẩn thận một chút là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào”.

Ảnh 1 (1)
Chiếc chuông tại chùa Đồng Yên Tử cũng bị khách xoa nhẵn bóng

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách đến với Yên Tử, ngay từ đầu năm Công an thành phố Uông Bí, Quảng Ninh đã bố trí lực lượng chức năng đến quản lý, đảm bảo tốt công tác phòng chống tội phạm, tiêu cực trong chùa. Cụ thể, sẽ bố trí thêm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, hóa trang, mật phục tại những khu vực như: chùa Một Mái, chùa Trình, suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Đồng, ga cáp treo… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực.

Đặc biệt hiện tượng trộm cắp tài sản được quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn cho du khách hành hương yên tâm du xuân đến Yên Tử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.