Chuyện dọc đường

Nghĩ lớn để làm lớn, nghĩ khác mới làm khác

03/02/2019, 14:00

Những khu đô thị khang trang, những cây cầu, sân bay hiện đại... đã hình thành nhờ cách nghĩ lớn...

img
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) có đường cất hạ cánh dài 3,6km, rộng 45m, hoàn toàn do tư nhân đầu tư xây dựng - Ảnh: Đỗ Phương

Không chỉ tà áo đẹp

Cái thời nghèo khổ kéo dài khiến cho đa số chúng ta giới hạn mơ ước của mình là cơm no áo ấm, rồi đến ăn ngon mặc đẹp. Câu thơ của Chế Lan Viên viết trong một ngữ cảnh khác, nhưng có sức khái quát mang tầm thời đại “Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp. Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”.

Đúng là một mái nhà yên dễ ru ngủ con người, khiến cho người dù có chí lớn cũng khó dám bước ra khỏi vùng an toàn và ấm áp nhỏ nhoi của riêng mình và xem đó là bầu trời rộng lớn, là quá đủ đầy. Nhiều thế hệ từng nghiền ngẫm những câu thơ của Tố Hữu trên ghế nhà trường như “Đường ta rộng thênh thang tám thước” (Ta đi tới), hay “Lúa đứng thẳng hàng quyết tâm năm tấn” (Chào xuân 67) và có thể bị ảnh hưởng chăng?

Không thể nào! Bởi vì những câu thơ đó được viết ra trong không gian của giữa thế kỷ trước, thời lửa đạn chiến tranh. Còn chúng ta sống bao nhiêu năm trong hòa bình, tiếp cận và hội nhập với thế giới, không thể chỉ nghĩ quanh quẩn với cánh đồng hợp tác “chim cu gần chim cu gáy xa xa”.

Những khu đô thị mới mọc lên, có đôi chút ánh sáng văn minh, có nhiều ô tô chật cả thành phố, nhưng những cách làm giàu từ buôn bán đất đai, sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ “hai chấm” không thể giúp cho dân mình, nước mình trở thành một quốc gia giàu có, thịnh vượng. Đây đó có một vài khu công nghiệp mọc lên, với những tên tuổi như Intel, Samsung, hay thậm chí có mặt cả những đại diện hàng không số một thế giới như Boeing, Airbus nhưng sự tham gia của chúng ta cũng chỉ với vai trò gia công. Điều làm nên giá trị là chính chúng ta có sản phẩm công nghệ tham gia vào trong hàng nghìn sản phẩm làm nên chiếc máy bay đó.

Cách đây 4 năm đã có thống kê một chiếc iPhone 6 đổi được 1,2 tấn gạo, nếu quy đổi khẩu phần ăn 15kg gạo/người/tháng thì đủ cho một gia đình 4 người ăn trong 20 tháng. Từ đó đến nay đã bước sang năm thứ 5, so sánh vẫn không thay đổi, chúng ta chưa tiến được bao xa thì 4 thế hệ điện thoại thông minh của iPhone đã ra đời. May thay, mới đây, Vingroup ra mắt 4 dòng điện thoại thông minh Vsmart, cạnh tranh được với thiên hạ hay không còn phải chờ đợi và hy vọng, nhưng ít ra, đã có bước đi ban đầu.

img
Một trong 4 dòng điện thoại thông minh Vsmart ra mắt gần đây - Ảnh: Thành Nguyễn

Nghĩ lớn để làm lớn

Tổng thống Mỹ Donald Trump có câu nói dữ dội: “Dù sao bạn cũng phải nghĩ, tại sao không nghĩ lớn?” (You have to think anyway, so why not think big). Ông Trump không phải đại ngôn, vì thành công của cuộc đời ông chứng minh ông nghĩ lớn mới làm lớn.

Một minh chứng khác là Steve Jobs. Ông không cho rằng ông là người đi kiếm tiền, cho dù là tiền tỉ, mà tư duy của ông vượt qua các giá trị vật chất, đó là thay đổi thế giới. Chính vì tư duy đó ông mới thuyết phục được John Sculley, CEO của PepsiCo bỏ lại sự nghiệp đã gây dựng 10 năm để đi cùng Jobs điều hành Apple. Jobs đã nói một câu cực sốc: “Anh muốn cả đời đi bán thứ nước đường ấy, hay cùng tôi thay đổi thế giới”. Để thuyết phục một nhân tài kiệt xuất đi theo mình, phải có cái chí lớn của một anh hùng trong thiên hạ.

Câu chuyện của Steve Jobs và John Sculley gợi sự liên tưởng đến ông Vượng mời ông Văn. Thông tin GS Toán học Vũ Hà Văn về làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn của Vingroup đã khơi nguồn cảm hứng đối với những người “máu” khoa học công nghệ. Ai cũng nói 4.0 như hô khẩu hiệu, nói mà không biết mình nói gì. Nói quá dễ, nhưng bắt tay xây dựng một Viện Dữ liệu lớn mới là nghĩ lớn và làm lớn. Chưa biết khi nào Viện Big Data có sản phẩm trí tuệ, sản phẩm công nghệ, nhưng phải bắt đầu đi mới có ngày đến đích, nói như Lỗ Tấn: “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”.

Việt Nam có nhiều viện nghiên cứu, chủ yếu bằng tiền Nhà nước và thử hỏi có được mấy sản phẩm có giá trị, tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, hay chỉ là những thứ bỏ vào ngăn kéo ngay sau khi nghiệm thu. Vì sao vậy, vì chỉ là nghĩ vặt, làm vặt, danh vặt và giàu vặt. Nhưng khi tư nhân tham gia, bỏ đồng tiền của chính họ, khát vọng của chính họ, may ra mới có những thay đổi. Sự có mặt của GS. Vũ Hà Văn cho chúng ta thêm hy vọng, bởi vì phải có một dự án lớn mới thuyết phục được một bộ óc lớn.

Cũng trong dòng cảm hứng này, chợt nhớ tại Diễn đàn Khởi nghiệp WEF ASEAN ngày 13/9/2018, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: “Đừng tiết kiệm giấc mơ. Hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày, mang tinh thần số hóa và tự động hóa của cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành doanh nghiệp”.

Nữ CEO này cũng không đại ngôn, mà bảo chứng lời nói của mình bằng chính thành công của bản thân: Tỉ phú đô la, đứng vị trí 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 của Forbes, đưa Vietjet trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Đông Nam Á.

Nghĩ khác mới làm khác

Nghĩ lớn không chưa đủ, mà phải nghĩ khác. Trong bài thơ “Con đường chưa đi” (The Road Not Taken), nhà thơ người Mỹ Robert Frost viết: “Hai ngả đường chia lối ở trong rừng, tôi chọn lối đi không có dấu chân người”. Có lẽ vì chọn con đường hoàn toàn mới, cho nên Robert Frost 4 lần đoạt giải Pulitzer.

Liên hệ một câu thơ nổi tiếng vì mang tầm tư tưởng “nghĩ khác” và làm khác để nói đến suy nghĩ của chúng ta, có dám nghĩ khác hay chỉ nghĩ những điều người khác đã nghĩ, chỉ đi lui đi tới con đường người khác đã dẫm nát. Chính suy nghĩ đường xưa lối cũ và ăn mày dĩ vãng đã thủ tiêu mọi ý nghĩ khai phá, không dám “phá hủy sáng tạo” để sáng tạo ra cái mới. Nhà khoa học Việt Nam, doanh nhân Việt Nam không ít, nhưng sản phẩm sáng tạo quá ít là một minh chứng cho hiện thực “nghĩ giống”.

Nghĩ khác từ người làm chính sách, kiến tạo là cách nói của nghĩ khác, là làm ra cái mới, có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được đòi hỏi của thời đại. Chính sách mang tính sáng tạo như mở ra một con đường mới, con đường chưa đi, để làm ra những giá trị mới, độc đáo, riêng biệt. Doanh nghiệp nghĩ khác, dám đi tìm cái mới, nhưng sẽ bị cản trở bởi một hệ thống chính sách quá cũ.

Chính sách khác biệt sẽ là nguồn động lực để cộng đồng doanh nghiệp bứt phá, giải phóng năng lượng, làm nên những chuyện “long trời lở đất”, chỉ có như thế mới thay đổi, mới biến đất nước nghèo nàn thành cường thịnh, mới tạo lập được vị trí quốc gia mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT:

Lối đi ở dưới chân, đường do khai mở mà có

img
Ông Trương Gia Bình

30 năm trước khi thành lập FPT, câu chuyện nghĩ lớn làm lớn đã được chúng tôi đúc kết trong tầm nhìn và sứ mệnh của công ty. FPT phải trở thành một tổ chức kiểu mới hùng mạnh, góp phần hưng thịnh quốc gia.

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Việt Nam còn khá xa lạ với khái niệm máy tính và phần mềm thì chúng tôi, 13 nhà khoa học cùng sáng lập FPT đã có một niềm tin rằng CNTT là chìa khóa cho tương lai của sự phát triển, sẽ mở ra những con đường mới, tạo ra những đổi thay cho đất nước.

Với niềm tin đó, FPT đã dấn thân và tiên phong đi vào con đường tin học hóa cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm của quốc gia. Bắt đầu từ hàng không, thuế, kho bạc, tài chính, hải quan đến giao thông, giáo dục, y tế… với nhiều dự án tác động đến hàng triệu người. Chẳng hạn như: Hệ thống quản lý thuế giúp 52 triệu người nộp thuế nhanh và dễ dàng; Hệ thống Quản lý Bệnh viện FPT.eHospital giúp giảm thời gian chờ đợi cho 20 triệu lượt khám bệnh, tiết kiệm 1 triệu ngày công/năm, giải pháp cho giao thông thông minh giúp vận hành hệ thống hàng nghìn xe buýt cũng như quản lý hệ thống giao thông trên nền tảng thế giới vạn vật IoT…

Khi số lượng lập trình viên của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, Việt Nam được biết đến là một nước nông nghiệp, chúng tôi đã quyết tâm tiên phong xuất khẩu phần mềm với sứ mệnh ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới.

Lối đi là ở dưới chân, đường là do khai mở mà có. Trong 30 năm qua, chúng tôi đã làm tốt sứ mệnh của người tiên phong, góp phần đưa Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ số của thế giới.

Ở thời điểm này, trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, FPT có một sứ mệnh mới tiên phong chuyển đổi số. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ hoàn tất công cuộc chuyển đổi số trong các hoạt động để FPT trở thành một trong rất ít các doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực (Near - Real time Data - Driven Enterprise). Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phát triển đưa ra các giải pháp dịch vụ dựa trên những công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối… để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc kiến tạo Việt Nam số và xây dựng kinh tế số trên toàn cầu.

Chúng tôi sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, để phục vụ người dân tốt nhất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển trong một môi trường minh bạch. Y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, thành phố thông minh, điện lực thông minh cũng sẽ là những lĩnh vực FPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư với mong muốn người dân Việt Nam có một cuộc sống ngày càng thoải mái hơn, tốt đẹp hơn và có nhiều cơ hội thành công hơn.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank:

Lấy tư duy dám nghĩ dám làm là yếu tố cốt lõi

img
Ông Phạm Mạnh Thắng

“Làm lớn” là hành động tạo ra sự thay đổi vượt trội về quy mô lợi ích kinh tế, xã hội thu được. Đối với ngành ngân hàng, mục tiêu của “làm lớn” có thể kể tới là quy mô tín dụng, quy mô huy động, quy mô lợi nhuận, chất lượng tài sản, mức độ an toàn, minh bạch và bền vững… Trong bối cảnh trình độ công nghệ của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang có những bước tiến đột phá không ngừng, tạo ra những phương thức giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội hoàn toàn mới thì sự tăng trưởng về quy mô lợi ích tạo ra hiện không còn tỷ lệ thuận với tăng trưởng về quy mô nguồn lực như trước kia. Ví dụ như khi nâng cao hàm lượng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn trong các quá trình vận hành và tác nghiệp, “làm lớn” ngược lại sẽ tạo ra sự cắt giảm nhu cầu nguồn lực lao động, mặt khác, vẫn đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ nguồn lực tài chính, nguồn lực nhân sự trình độ cao...

img
Vietcombank coi yếu tố con người là quan trọng nhất từ đó khai thác tối đa sức mạnh trí lực và tinh thần của từng nhân viênẢnh: K.Linh

Tại Vietcombank, chúng tôi đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh doanh từ bán buôn sang bán lẻ, phát triển các kênh giao dịch điện tử, tập trung chuyển đổi ngân hàng số, giảm tải áp lực mở rộng mạng lưới và tuyển dụng nhân sự; thúc đẩy thu nhập phi tín dụng.

Chúng tôi cho rằng con người là yếu tố quan trọng nhất dù mục tiêu là tăng trưởng hay tạo ra sự thay đổi hoặc để trở nên vượt trội. Chúng tôi tập trung vào đào tạo con người, trân trọng sự phát triển đa dạng và sự cống hiến của mỗi cá nhân trong một tập thể để khai thác tối đa sức mạnh trí lực và tinh thần của mỗi nhân viên. Thứ hai là sự nhất quán và quyết liệt trong tư duy và hành động. Tư duy, tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, sự quyết liệt của Ban lãnh đạo Ngân hàng chính là yếu tố cốt lõi tạo dựng mục tiêu và chiến lược lâu dài, tạo dựng năng lực và thành công cho quá trình phát triển của cả hệ thống. Cuối cùng không thể không nhắc tới phương châm kinh doanh của Vietcombank: Chú trọng chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.