Xã hội

Nghị lực sống của hai vợ chồng chỉ có một đôi chân

30/07/2016, 07:15

Anh sững sờ nhận ra, chị cũng chỉ còn 1 chân. Vụ TNGT đã cướp đi hai chân của đôi vợ chồng ấy.

Nụ cười luôn nở trên môi đôi vợ chồng tật nguyền

Nụ cười luôn nở trên đôi môi cặp vợ chồng tật nguyền

Ngày chị Hường được đưa từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)về Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Yên, anh Vĩnh ngồi trên xe lăn đón vợ, cố giấu chiếc chân cụt sau lớp quần áo bệnh viện. Nhưng anh sững sờ nhận ra, chị cũng chỉ còn 1 chân. Vụ TNGT đã cướp đi hai chân của đôi vợ chồng ấy.

Chồng giấu vợ, vợ giấu chồng

Về xã Viêm Nham, TX Phúc Yên, hỏi gia đình anh Vũ Văn Vĩnh (SN 1977) và chị Vũ Thị Hường (SN 1981) dường như người dân nào cũng biết. “Chồng cụt, vợ què mà con học giỏi nổi tiếng xã này”, ông Trung, Trưởng thôn Nam Viêm nói.

Tại cửa hàng tạp hóa nằm gần cuối con đường làng, ven mương nước của thôn Viêm Nham, chị Hường đang tập tễnh lê chiếc chân giả được giấu kín trong chiếc quần dài chấm gót, tất bật lấy hàng, thu tiền cho khách. Ở góc quầy tạp hóa, anh Vĩnh đang lau dọn, sắp xếp lại hàng hóa, chiếc chân giả cũng được anh giấu kín trong chiếc quần dài và chiếc giày thể thao. “Mình bán hàng, người quen không sao, người lạ cứ tò mò nhìn hai vợ chồng sao chỉ có một đôi chân, nên dù trong nhà, chúng tôi vẫn mặc “ấm” thế này giữa trưa nóng”, anh Vĩnh giải thích.

“Tôi là con nhà nghèo, không có điều kiện học hành nên lấy vợ sớm. Năm xảy ra tai nạn, tôi 27 tuổi đã có 2 con, 1 trai 1 gái. Nghĩ đời mình không được học hành bị thiệt thòi, nên từ khi có con, tôi đã nung nấu quyết tâm làm giàu, không để con cái lỡ dở học hành”, anh Vĩnh bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình.

Trước vụ tai nạn, anh Vĩnh là tài xế lái xe công nông, kiêm thầu các máy làm gạch, còn chị Hường ở nhà ruộng vườn, cơm nước, nuôi con thơ. Ban ngày đi lái xe, tối anh đi giao dịch, tìm mối bán gạch. Vào buổi tối định mệnh năm 2004, sau khi cơm nước cho hai con xong, anh dặn con lớn lúc đó hơn 4 tuổi và cậu em 3 tuổi ở nhà trông nhau, rồi chở vợ đi giao dịch.

“Tôi chạy xe máy chở vợ đi từ Phúc Yên lên Xuân Hòa, đến đoạn gần cầu vượt Xuyên Á bây giờ thì bị một chiếc xe tải chạy ngược chiều tông phải. Sau một tiếng rầm, tôi không biết gì nữa”, anh Vĩnh nhớ lại.

Được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu, anh Vĩnh hôn mê. Tỉnh dậy trên giường bệnh sau một tháng nằm điều trị, anh Vĩnh bàng hoàng phát hiện mình đã bị cắt bỏ một chân trái. “Lúc đó tôi nghĩ mình còn trẻ, lại còn hai con thơ dại mà chân thế này thì nản quá. Tôi vội hỏi thăm vợ, mọi người bảo Hường không sao, được điều trị ở Bệnh viện Việt Đức cho tốt, mấy ngày nữa là về. Tôi dặn mọi người Hường còn yếu, đừng để biết tôi cụt chân mà sốc”, anh Vĩnh kể.

Ngày chị Hường được chuyển về bệnh viện tuyến dưới, anh Vĩnh ngồi trên xe lăn, cố giấu chiếc chân cụt trong ống quần bệnh viện. Khi chiếc xe lăn đưa chị Hường tới gần, anh sững sờ nhận ra, một bên ống quần bên phải của chị cũng buông thõng. Chị cũng sững sờ nhìn anh trong ống quần bên trái buông thõng.

“Hai vợ chồng ôm nhau khóc. Suốt hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, chúng tôi cứ nhìn đôi chân của mình khóc không biết bao nhiêu lần”, chị Hường nói.

Vịn vào con thơ đứng dậy

Mấy tháng trời anh Vĩnh nằm viện, gạch không bán được, thợ không có lương bỏ đi hết, các máy làm gạch bị người ta ăn trộm sạch. Nhìn hai con thơ là Vũ Thị Hồng Hạnh lúc đó mới 4 tuổi, cậu em Vũ Mạnh Phúc 3 tuổi hàng ngày gồng mình bê nồi cơm, khênh nước tắm cho bố mẹ, anh chị ứa nước mắt.

“Thương con, lo cho tương lai bọn trẻ, tôi bảo Hường phải đứng dậy thôi, hai vợ chồng chung nhau một đôi chân mà bước đi. Giờ tật nguyền rồi, tôi tính không thể lái xe, làm gạch hay làm ruộng như trước, nên làm đơn xin với xã ra ven mương nước này, dựng túp lều nổi trên mặt sông để bán hàng”, anh Vĩnh cho hay.

Thời điểm sau tai nạn, có lúc vợ chồng tôi chả thiết sống nữa. Nhưng nhờ hai đứa con thơ, chúng tôi có động lực mà vươn lên. Tật nguyền cướp đi của chúng tôi nhiều cơ hội, nhưng chính sự vất vả, thiệt thòi ấy khiến cả gia đình tôi thêm thương yêu, nỗ lực hơn. Anh Vĩnh tâm sự

Thời điểm đó, ven bờ mương này không có ai dựng nhà, ruồi muỗi rất nhiều. Nhiều đêm đang ngủ, nước mương dâng lên ướt cả chiếu, anh chị phải ôm con trên tay suốt đêm. Cứ thấy người dân trong làng có nhu cầu gì, anh Vĩnh lại tìm nguồn hàng tốt, rẻ mua về cung ứng cho bà con. Sau đó, anh chuyển đổi sang phương thức mở cửa hàng tạp hóa tự chọn giống như hình thức bán hàng của các siêu thị. Hàng hóa tốt, phục vụ nhiệt tình, lượng khách ngày càng tăng, anh chị có mức thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Chị Hường kể, hai vợ chồng vừa bán hàng vừa phát cỏ đoạn mương cạnh nhà trồng rau, nuôi gà lấy cái ăn. Ruộng thì cho người ta mượn rồi trả gạo cũng đủ ăn. Bọn trẻ thì trên đường đi học và về nhà, nhặt nhạnh từng cái chai lavie, vỏ lon, mảnh bìa… gom về cho bố mẹ bán đồng nát lấy tiền mua sách bút. Biết bố mẹ tật nguyền, nhà nghèo nên bọn trẻ chăm làm và rất chịu khó học.

Chỉ tay vào góc học tập nhiều giấy khen của hai con, chị Hường khoe giờ Hạnh đã lên lớp 11, Phúc vào lớp 9. “Phúc vừa đoạt giải Nhì cuộc thi Sinh học của tỉnh, còn những giải thị xã của cả hai chị em thì tôi không nhớ hết”, chị Hường tự hào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.