Xem - ăn - chơi

Nghịch cảnh phim hoạt hình tiền tỉ không có đầu ra

06/06/2018, 08:47

Phim hoạt hình do tư nhân sản xuất dù được đánh giá bảo đảm chất lượng nội dung vẫn không có đất sống.

Hình ảnh trong dự án phim Loa thành rực lửa

Phim hoạt hình do tư nhân sản xuất dù được đánh giá bảo đảm chất lượng nội dung vẫn không có đất sống

Phim hoạt hình thường được Nhà nước đầu tư do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện và chủ yếu được đặt hàng để phát sóng trên truyền hình. Vì thế, phim hoạt hình do tư nhân sản xuất dù được đánh giá bảo đảm chất lượng nội dung vẫn không có đất sống.

Bùng nổ phim hoạt hình độc lập

Gần đây, thị trường hoạt hình thu hút nhiều đơn vị tư nhân và các nhóm làm phim tham gia như: Colory Animation, Smile-AD, Bamboo Animation, Hãng phim Trẻ, Đuốc Mồi… khiến bức tranh về phim hoạt hình đa dạng hơn, không chỉ về nội dung mà cả hình thức thể hiện. Có phim còn mạnh dạn phá bỏ tư duy “hoạt hình chỉ dành cho trẻ nhỏ” khi dán mác 16+ như series phim Tử chiến thành Đa Bang.

Đã có những nhóm thành công như phim hoạt hình dài hơn 7 phút Awaken của Dee Dee Animation Studio. Sản phẩm này từng giành giải Nhì LHP ngắn FY 2017. Theo anh Đặng Hải Quang, sáng lập DeeDee Animation Studio, khi lập studio, mong muốn lớn nhất của các thành viên là làm công việc mà mình yêu thích, thỏa mãn sự đam mê làm phim hoạt hình. Đồng thời, nhóm cũng muốn khẳng định những sản phẩm mình làm ra có chất lượng quốc tế. “Nhóm luôn cập nhật các công nghệ làm phim 2D tiên tiến nhất, thường xuyên tự đào tạo cũng như mời các chuyên gia nước ngoài đào tạo về mặt kỹ thuật, để trình độ của các họa sĩ được tiến bộ theo từng ngày”, anh Quang chia sẻ về hình thức phát triển kỹ thuật của nhóm.

Đáng mừng hơn nữa, series hoạt hình lịch sử Loa thành rực lửa gồm 5 tập do Hạc Thần Studio sản xuất sẽ chính thức ra mắt, sau 2 năm ấp ủ và thực hiện. Trước đó, một đoạn trailer của Loa thành rực lửa dài 5 phút xuất hiện thu hút gần 80 nghìn lượt xem, với nhiều bình luận tích cực khen ngợi đồ họa nét, kỹ xảo chuyển động với tiết tấu nhanh. Cũng dễ hiểu khi đội ngũ làm phim toàn gương mặt “xịn” như: Đạo diễn Huyền Vũ (từng viết kịch bản cho loạt phim Thỏ và Rùa đoạt giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 16, Cánh diều bạc ở LHP Cánh diều vàng lần thứ 17), họa sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Khang (thiết kế đồ họa tại San Francisco, California)… Được biết, để làm được 5 phút giới thiệu này, ê-kíp phải làm ròng rã gần nửa năm.

Kinh phí lớn, không có đầu ra

Phim hoạt hình Việt từ xưa tới nay vẫn bị khán giả chê là khô cứng, nét vẽ đơn giản, thiếu sáng tạo nên hiếm có phim gây được tiếng vang. Thị trường phim hoạt hình cũng vì thế trở nên ảm đạm hơn. Bởi thế, việc những bạn trẻ dám dấn thân vào lĩnh vực này thực tế là điều đáng hoan nghênh. Thế nhưng, để làm phim hoạt hình vốn không đơn giản và là thách thức của các bạn trẻ.

Theo nhiều nhà làm phim hoạt hình, kinh phí trung bình cho một tập phim hoạt hình dài khoảng hơn 20 phút ước tính khoảng 150 triệu đồng. Cá biệt, như phim Con Rồng cháu Tiên dài 23 phút của Red Cat Motion có chi phí lên tới 2 tỷ đồng. Bộ phim này được tài trợ để thực hiện, nhưng theo đạo diễn Leo Đinh, nhóm cũng rất vất vả khi dành hơn 2 tháng nghiên cứu tư liệu, tham khảo các sự kiện lịch sử, địa lý thời xưa để có thể phản ánh vào trong phim một cách sáng tạo nhưng vẫn đúng với lịch sử. Cả ê-kíp khoảng 100 người đã miệt mài làm việc trong suốt hơn 180 ngày.

“Một tập phim hơn 10 phút mất khoảng 2 - 3 tháng để thực hiện. Từ làm kịch bản, dựng hình, thu thoại, làm hiệu ứng âm thanh, thiết kế nhân vật… Kinh phí không có nhiều, đội ngũ dựng phim chuyên nghiệp ít, chưa kể kỹ thuật ở Việt Nam cũng chưa đa dạng và mạnh như quốc tế nên làm phim cũng bị thiếu nhiều thứ”, Trần Mạnh Tuấn, nhóm Đuốc Mồi thở dài. Cũng theo Trần Mạnh Tuấn, các thành viên trong nhóm hiện vẫn làm việc không lương, chỉ được hỗ trợ tiền đi lại, ăn uống. Kinh phí ban đầu do nhóm tự bỏ tiền túi thực hiện và sau bắt đầu thực hiện gây quỹ cộng đồng trên trang web riêng. Dự án này đã gây quỹ được hơn 200 triệu đồng.

Theo anh Hải Quang, trên thế giới, chi phí trung bình để làm một phim hoạt hình có khi gấp 3 - 4 lần chi phí làm một tập phim truyền hình cùng thời lượng. “Phim Awaken và một số dự án gần đây chúng tôi tham gia, chúng tôi vẫn lỗ. Tuy nhiên, chúng tôi tin vấn đề không hẳn là tiền bạc. Nếu làm ra một sản phẩm chất lượng, khán giả sẽ yêu mến và ủng hộ. Vậy nên chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu làm ra những sản phẩm tốt trước đã”, anh Quang nói.

Đại diện của DeeDee cũng đánh giá ngành công nghiệp hoạt hình ở Việt Nam còn non trẻ, nên khó khăn luôn là khâu kỹ thuật, quy trình sản xuất chuyên nghiệp chuẩn quốc tế, trình độ hoạt hình chuẩn quốc tế và vấn đề nhân sự. Hầu hết bạn trẻ Việt Nam đều nghĩ làm phim hoạt hình là cái gì đó xa xôi, nếu có hứng thú cũng chỉ cho vui, không nhiều bạn trẻ đầu tư về thời gian và chất xám để làm các sản phẩm nghiêm túc.

Kinh phí lớn, phim lại không có đầu ra. Hầu hết các phim hoạt hình này đều được phát miễn phí trên Youtube nên hầu như không thu được lời. Ngay như Awaken được giải thưởng thì DeeDee cũng chỉ phát miễn phí vì “có được phát sóng nay không còn phụ thuộc vào sự hứng thú và đầu tư của nhà đài”.

Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Giám đốc nội dung của Sunrise Media - đơn vị sản xuất phim hoạt hình Quà tặng cuộc sống cho Đài VTV thẳng thắn cho biết, những sản phẩm tự phát không thể có “đầu ra” trên truyền hình. “Để được phát sóng trên truyền hình phải có format cụ thể và phải qua khâu kiểm duyệt kỹ lưỡng về kịch bản, nội dung. Nếu bạn trẻ thực sự có tài năng và đam mê, muốn làm phim chính thống trên truyền hình thì có thể tham gia vào đơn vị sản xuất phim chuyên nghiệp, được đào tạo kỹ lưỡng”, bà Loan nói.

lNSND - đạo diễn Hà Bắc chia sẻ, ông rất ủng hộ những người trẻ làm phim, đặc biệt là làm phim về lịch sử. Bên cạnh nhóm tâm huyết đam mê, vẫn có nhóm làm phim để đánh bóng tên tuổi. Theo ông, phim hoạt hình là bộ môn có tính ước lệ, cô đọng cao, làm dày công từng hình ảnh nên phải kỹ càng về cấu trúc kịch bản, âm nhạc, đặc biệt phải tính toán từng khuôn hình, từng chớp mắt của nhân vật. Ngoài ra, phải xem xét các yếu tố tạo hình, diễn xuất, lịch sử, phần mềm điêu luyện… mới thành phim chứ không phải nhân vật động đậy đã là phim hoạt hình. “Làm phim hoạt hình phải khó tính chứ không dễ tính được”, đạo diễn Hà Bắc nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.