Hồ sơ tài liệu

Ngoại trưởng John Kerry bồi hồi trở lại Cà Mau

15/01/2017, 19:43
image

Những cảm xúc lắng đọng của ông Kerry ngày trở lại Cà Mau - nơi ông từng chiến đấu năm xưa.

Ngoại trưởng John Kerry đi thuyền trên sôn

Ngoại trưởng John Kerry đi thuyền trên sông Bảy Háp, trở lại chiến trường nơi ông từng tham chiến năm 1969

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng trước khi rời vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry trở về Cà Mau, nơi ông từng chiến đấu năm xưa. Những cảm xúc lắng đọng của ông Kerry ngày trở lại đã được tờ Washington Post truyền tải qua bài viết mang tựa đề “Trở lại Đồng bằng Mê Kông, ông John Kerry gặp người từng tìm cách tiêu diệt ông để hoà giải”.

Báo Giao thông trân trọng biên dịch lại bài viết của Washington để truyền tải tình cảm của ông John Kerry trong chuyến thăm cuối cùng với tư cách Ngoại trưởng tới độc giả.

Bỏ lại quá khứ

“Như một ngày năm 1969, Ngoại trưởng John Kerry ngồi trên chiếc thuyền nhỏ đi dọc sông Bảy Háp (Cà Mau, Việt Nam) vào buổi chiều ngày thứ Bảy (14/1), gió thổi bạt áo, đôi mắt ông nhìn nhanh hai bên bờ sông um tùm cây xanh.

Khi còn trẻ, ông Kerry là Đại uý Hải quân, từng chỉ huy một tàu tuần tra Swift chạy dọc dòng sông Bảy Háp đục màu phù sa, nằm giữa khu vực bắn phá tự do (Free-fire-zone) mà Mỹ tự đặt ra. Những năm tháng chiến đấu tại đây, ông nhận được huân chương chiến đấu Sao Bạc sau khi truy đuổi và tiêu diệt một lính giải phóng quân Việt Nam mang súng phóng lựu trong một trận phục kích tiêu diệt lính Mỹ.

Nay, sau 48 năm, với thành tích sáng chói trong sự nghiệp chính trị gần 40 năm, ông Kerry như quay ngược thời gian, trở về với ký ức và gặp mặt cựu chiến binh từng tham gia cuộc phục kích nhằm tiêu diệt ông cùng các lính Mỹ khác năm xưa. Đó là ông Võ Ban Tâm, hiện là một nông dân nuôi tôm, cua thành công tại tỉnh Cà Mau.

Ông John Kerry nói chuyện với vị cựu chie

Ông John Kerry nói chuyện với vị cựu chiến binh từng tham gia cuộc phục kích nhằm tiêu diệt ông và các lính Mỹ khác năm xưa

Hai người gặp nhau trên bờ sông Bảy Háp, cạnh những chiếc thuyền du lịch bên sông màu xanh. Ông Tâm nay đã 70 tuổi, kém Ngoại trưởng Kerry 3 tuổi. Ông là một trong những người lính giải phóng có nhiệm vụ phục kích dưới những lùm cỏ cao, chớp thời cơ tấn công các tàu tuần tra như tàu của ông Kerry.

Các nhân viên lãnh sự quán Mỹ đã tìm được ông Tâm và mời ông tới gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry – người mà ông từng có ý định tiêu diệt. Nói chuyện qua phiên dịch viên, ông Tâm chia sẻ, ông biết rất rõ người lính giải phóng mà ông Kerry đã truy đuổi và tiêu diệt trong cuộc tấn công ngày 28/2/1969. Người đó tên Ba Thanh, lúc đó 24 tuổi. Kể với ông Kerry, ông Tâm cho biết, “anh Thanh là lính giỏi” được đào tạo và nằm lòng các kỹ năng cần thiết để sử dụng súng phóng lựu R-40.

Trước khi được biết các thông tin trên, tất cả những gì ông Kerry nắm được trong trận chiến năm đó chỉ là: ông đã bắn chết một người mà Mỹ gọi là “Việt Cộng”. Nay, ông mới bất ngờ được biết tên tuổi người lính đó - một nam thanh niên đã được huấn luyện các kỹ năng đủ để tiêu diệt ông Kerry cùng các lính Mỹ khác. Thực chất, những chia sẻ của ông Tâm như một lời minh oan cho ông Kerry. Bởi năm 2004, khi ông Kerry chạy đua Tổng thống, các ứng viên đối thủ không ít lần chỉ trích và nghi ngờ chiến tích của ông trong cuộc chiến tại Việt Nam. Họ cho rằng, hành động của ông không xứng được vinh danh là anh hùng vì người ông tiêu diệt năm đó chỉ đơn thuần là một cậu thiếu niên.

Ông Kerry nhìn chăm chú người đàn ông đội mũ trắng đứng trước mặt, dòng sông Bảy Háp phản chiếu qua mắt kính của ông Kerry khi ông liên tục đặt câu hỏi với ông Tâm, “nuốt từng chi tiết” trong câu chuyện và định nghĩa lại một sự kiện đã qua trong cuộc đời ông. Theo ông Tâm, lính giải phóng quân trong đội của ông có thể nghe thấy tiếng tàu tuần tra Swift từ cách đó 1km; một khi lính Mỹ chậm chân sẽ không có cơ hội sống sót. “Chúng tôi là lính du kích. Chúng tôi không bao giờ ở yên một chỗ để lính Mỹ bắn” – ông Tâm kể.

Bỏ lại sau lưng những kỷ niệm đó, hai người bắt tay và ông Kerry nói: “Tôi rất vui vì cả hai chúng ta đều sống sót”.

“Ông Kerry yêu Việt Nam”

Cuộc gặp này mang lại những cảm xúc đỉnh điểm trong chuyến thăm cuối cùng kéo dài 2 ngày của ông Kerry tại Việt Nam. Văn phòng của ông tại khu Foggy Bottom, thủ đô Washington đã dọn dẹp xong đồ đạc và chuẩn bị rời tới Boston. Có thể vị Thượng Nghị sĩ lâu năm sẽ không chạy đua vào Nội các Mỹ nhưng ông sẽ tiếp tục công việc về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường. Ông đặc biệt lo ngại về những ảnh hưởng do mực nước biển tăng cao và đập thuỷ điện trên các dòng sông ở khu vực hạ lưu đồng bằng sông Mê Kông.

Trong chuyến đi thuyền trên sông Bảy Háp, khi không nhìn thấy những dấu ấn quen thuộc bên bờ sông, ông liền trò chuyện với các nhà khoa học địa phương và được biết, do ảnh hưởng từ thay đổi độ mặn và thuỷ điện khiến khu vực này bị hạn hán nặng nhất trong 100 năm qua, đe doạ cuộc sống của rất nhiều người.

Một người dân địa phương vẫy tay chào

Một người dân địa phương vẫy tay chào ông John Kerry

Ông Kerry cho biết, ông sẽ quay trở lại Việt Nam, một đất nước vẫn đối xử với ông như đón một đứa con trai trở về. Nhiều người như ông Kerry, Thượng Nghị sĩ John McCain đều là những người nặng tình với Việt Nam, từng đóng góp rất nhiều vào công cuộc bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Mỹ, chuyển từ hai cựu thù thành bạn.

Các quan chức Việt Nam vẫn dành những chiếc ôm nồng hậu cho ông Kerry ở cuối mỗi cuộc họp; Người dân Việt Nam vẫn chờ dưới mưa để chứng kiến ông Kerry bước ra từ một nhà hàng. Đoàn đại biểu địa phương vẫn “nhiệt liệt” chào đón ông khi ông quay trở lại Cà Mau.

“John Kerry yêu Việt Nam và Việt Nam yêu John Kerry” – ông Ed Miller, lịch sử gia về Việt nam tại Đại học Dartmouth, người cố vấn cho ông Kerry về chuyến thăm Việt Nam cho biết.

Ông Kerry rõ ràng rất tự hào với thành quả giúp quan hệ Việt Nam – Mỹ bình thường hoá và xa hơn nữa, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong 20 năm qua đã tăng từ 45 triệu USD lên 450 triệu USD. “Ông Kerry coi Việt Nam là thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị” – ông Tom Vallely, người bạn lâu năm của ông Kerry tại Massachusetts, người từng tham gia huy động quỹ để xây dựng trường Đại học Fullbright tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết.

“Thật tuyệt vời khi sau tất cả những điều khủng khiếp nhất chúng ta trải qua, nay chúng ta vẫn có thể yêu quý nhau” – ông David Thorne, bạn hồi nhỏ, anh rể và nhà cố vấn của ông Kerry chia sẻ. “Đó thực sự là phép màu khi chúng ta tìm đường quay trở lại và hoà giải” - ông nói.

>>>>> Xem thêm video người Sài Gòn chào đón ông Obama 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.