Chuyện dọc đường

Ngồi nhà mua được vé tàu

11/10/2017, 06:28

Đến hẹn lại lên, cứ vào tầm tháng 10-11 hàng năm, hành khách của “nhà tàu”, nhất là những người làm ăn xa quê...

2

Hành khách mua vé tàu tại ga Hà Nội (chụp chiều 10/10) - Ảnh: Tạ Tôn

Dù giờ máy bay hay nhiều phương tiện khác, nhất là ô tô khách đường dài cũng rất thuận lợi, nhưng không ít người vẫn gắn bó với đường sắt và muốn lên kế hoạch sở hữu một chiếc vé tàu hỏa từ sớm để chuyến đi cuối và đầu năm mới thật sự xuôi chèo, mát mái.

Chẳng thế mà trước đây, những hình ảnh xếp hàng dài cả trăm mét, rồi chen lấn, xô đẩy đã trở thành “đặc sản” của các nhà ga mỗi dịp bán vé tàu Tết. Người nào ngại ra ga mua trực tiếp lại tìm đủ mối quan hệ, nhờ vả, chạy vạy, thậm chí lụy đến cả “cò” để mua được với tấm vé với giá cắt cổ.

Năm nay cũng vậy, ngành Đường sắt vừa công bố sẽ bắt đầu mở bán vé tàu Tết từ ngày 15/10. Vẫn với tâm trạng háo hức chờ đợi, nhưng khác với trước đây, đa phần hành khách khi được hỏi đều rất bình thản và có cùng câu trả lời là chẳng việc gì phải ra ga xếp hàng chờ đợi, cứ ngồi nhà đặt vé tàu qua mạng.

Quả thật, những chia sẻ đó là hoàn toàn có cơ sở. Từ việc bán vé thủ công lạc hậu và nhiều tiêu cực, bắt đầu từ năm 2015, đường sắt ứng dụng công nghệ thông tin và mở bán vé tàu điện tử qua mạng với nhiều hình thức. Ngoài mua trực tiếp tại các cửa vé ở ga, qua các cửa vé xa ga, dịch vụ mua vé qua điện thoại, hành khách còn có thể đặt vé tàu qua ứng dụng trên điện thoại smartphone hoặc ứng dụng đặt vé tàu App Store và Google Play.

Cùng đó, hành khách có thể đặt chỗ, mua vé, kiểm tra vé đã mua và in vé tại ki-ốt tự động của các nhà ga và mua vé tại hệ thống các đại lý bán vé chính thức của ngành Đường sắt. Ngoài ra, với hình thức vé tàu điện tử, hành khách có thể in ở đâu cũng được, không phải ra ga in vé như trước và có thể tự in “Thẻ lên tàu hỏa” hoặc thanh toán, in thẻ tại các điểm thu hộ tại các ngân hàng.

Những năm gần đây, ngành Đường sắt đã và đang từng bước có sự đổi mới mạnh mẽ, từ tư duy đến chất lượng phục vụ, trong đó thay đổi đáng kể nhất mà hành khách cảm nhận được chính là khâu bán vé. Với mong muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, gần đây, ngành Đường sắt còn mời cả các chuyên gia hàng không về đào tạo, truyền kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Để đạt đến “đẳng cấp” của hàng không, chắc chắn không thể một sớm một chiều và cần rất nhiều sự nỗ lực, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, tuy nhiên với những kết quả bước đầu, nhất là trong việc tổ chức bán vé, ngành Đường sắt bắt đầu ghi điểm với hành khách và người dân cả nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.