Thi viết về GTVT

Người bỏ tiền túi lắp loa cảnh báo tai nạn tàu hỏa

02/04/2019, 06:11

Chứng kiến tình trạng mất ATGT đường sắt, một người dân ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tự lắp loa phát thanh cảnh báo tàu hỏa tại lối đi tự mở...

img
Ông Nguyễn Minh Lễ giới thiệu về các thiết bị âm thanh dùng để phát loa cảnh báo tàu hỏa

Bỏ tiền túi chế hệ thống phát thanh cảnh báo

Khoảng một năm nay, người dân khu phố 5, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã yên tâm hơn khi phải qua các lối đi tự mở (đường dân sinh qua đường sắt). Mỗi khi sắp có tàu đi qua, lại có tiếng loa phát thanh cảnh báo lặp đi lặp lại: “Bà con chú ý. Tàu lửa qua đường ngang”.

“Mỗi ngày loa phát thanh reo hàng chục lần, mọi người qua lại rất yên tâm. Trước đây liên tục xảy ra các trường hợp tai nạn, tàu đâm va rất thương tâm. Từ ngày có tiếng loa này, ở đây không xảy ra vụ tai nạn hay va chạm nào giữa tàu hỏa với các phương tiện đường bộ nữa”, một người dân kể và cho biết, đây là sản phẩm tự chế của ông Nguyễn Minh Lễ, một người dân đã ngoài 50 tuổi ở khu phố này.

Chia sẻ với Báo Giao thông về ý tưởng của mình, ông Nguyễn Minh Lễ cho biết, tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua khu phố này nằm giữa hai bên nhà dân đông đúc, nhiều lối đi dân sinh qua đường sắt nên nguy cơ xảy ra tai nạn tàu va, đâm người rất cao.

Vì là thu phát thủ công nên ở nhà tôi lúc nào cũng phải có người túc trực. Tất cả người nhà tôi đều rất ủng hộ việc làm của tôi và nhiều khi tôi không dám đi đâu xa để ở nhà trực loa phát thanh. Bà con đã quen tiếng loa rồi, có nhờ ai trông dùm nhiều nhất cũng chỉ 1, 2 giờ đồng hồ. Vì nhỡ xảy ra trục trặc gì, chỉ mình mới biết cách sửa ngay.
Ông Nguyễn Minh Lễ

“Chỉ cách thời điểm tôi lắp đặt loa phát thanh (tháng 5/2018) vài tháng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, một cụ già trên 80 tuổi, là người dân mới dọn đến khu phố đã bị tàu va tử vong. Chính vì thế, tôi nảy ra ý định tìm biện pháp cảnh báo, giúp bà con qua lại đường sắt an toàn hơn”, ông Lễ nói.

Nghĩ là làm, ngay sau đó, ông Lễ dùng một micro có dây đặt tại đường ngang cảnh báo tự động để thu tiếng chuông cảnh báo khi sắp có tàu đến. Tiếng chuông được truyền qua đường dây dài hơn 800m về tận nhà mình để phát ra loa thùng. Nghe thấy tiếng chuông, ông sẽ bật nút khuếch đại âm thanh qua một bộ amply kèm theo lời cảnh báo: “Bà con chú ý. Tàu lửa qua đường ngang” đã thu sẵn trong thẻ nhớ.

“Lời cảnh báo này được truyền đến 4 loa phóng thanh công suất lớn lắp đặt tại 4 lối đi tự mở: Km 1203+400, Km 1203+600, Km 1203+760 và Km 1203+940 để cảnh báo có tàu sắp chạy qua cho người dân qua lại nơi đây”, ông Lễ chia sẻ.

Ông Lễ cũng cho biết thêm, để “đầu tư” hệ thống thu phát này, ông bỏ tiền túi khoảng 10 triệu đồng nhờ thợ sửa loa đài tự chế và mua vật tư, các thiết bị âm thanh dân dụng như: Loa thùng, amply, loa phóng thanh… Nhiều người trong khu phố biết ý định của ông đã đem một số thiết bị âm thanh đến ủng hộ để ông triển khai.

“Từ ngày lắp đặt hệ thống loa cảnh báo tàu hỏa đến nay, tháng nào tôi cũng phải bỏ thêm vài trăm nghìn để bảo dưỡng, sửa chữa và tiền điện duy trì trạng thái hoạt động ổn định. Nhưng số tiền đó là chuyện nhỏ, bà con qua lại an toàn mới quan trọng. Điều đó làm tôi vui rồi”, ông Lễ vui vẻ nói và cho biết, ngày nào cũng vài lần đi lại các đường ngang và lối đi tự mở để kiểm tra hệ thống loa phát thanh hoạt động ổn định không, nếu trục trặc phải sửa lại ngay.

img
Ông Nguyễn Minh Lễ giới thiệu về các thiết bị âm thanh dùng để phát loa cảnh báo tàu hỏa

Hệ thống cảnh báo đơn giản nhưng hiệu quả

Nói về sáng kiến của ông Lễ, ông Nguyễn Hữu Ninh, nhân viên giám sát an toàn Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, tuyến đường sắt qua khu phố chưa đến 1 km (Km 1203, khu gian Đông Tác - Phú Hiệp) nhưng có đến 5 lối đi tự mở lớn, trong đó có 2 lối đi gần nhau nên ông Lễ chỉ lắp loa phát thanh tại 4 lối đi, vẫn đảm bảo âm lượng đủ lớn.

“Từ ngày ông Lễ phát tâm tự bỏ tiền túi ra làm hệ thống phát thanh này, không có vụ tai nạn nào xảy ra. Mong rằng có nhiều tấm gương thiện nguyện, góp phần đảm bảo ATGT đường sắt như ông Lễ”, ông Ninh nói.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban ANQP-ATGT Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, đã trực tiếp đến khảo sát hệ thống thu phát cảnh báo tàu hỏa này của ông Nguyễn Minh Lễ. Vị trí lắp loa phát thanh là đầu lối đi vào các nhà dân, chủ yếu là người dân sử dụng xe đạp, xe máy đi lại, sinh hoạt; không có ô tô qua đường sắt. Tuy nhiên, chỉ cần lơ đễnh, bất cẩn không quan sát khi qua đường sắt, không nghe thấy tiếng còi tàu là nguy cơ bị tàu va rất cao. Vì vậy, hệ thống cảnh báo tàu hỏa đến của ông Lễ tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, nhắc nhở bà con chú ý hơn khi qua đường sắt.

img
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN biểu dương, tặng quà ông Nguyễn Minh Lễ vì đã phát loa cảnh báo tàu hỏa

Chia sẻ thêm với Báo Giao thông về việc có nên khuyến khích nhân rộng mô hình cảnh báo này, ông Chiến cho biết, ngành đường sắt ghi nhận và đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng thiện tâm của ông Nguyễn Minh Lễ. Vừa qua, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN trực tiếp đến thăm và tặng quà, biểu dương tấm gương sáng của ông Lễ góp phần đảm bảo ATGT đường sắt.

“Tuy nhiên, chúng tôi không thể khuyến khích nhân rộng mô hình này. Vì khi đó sẽ đòi hỏi hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu về quy phạm, tiêu chuẩn kĩ thuật cũng như độ hoạt động ổn định theo luật định”, ông Chiến nói và cho biết, ngành đường sắt và chính quyền các địa phương tới đây cũng đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn đường ngang và lối đi tự mở. Các giải pháp cần đồng bộ và khoa học và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai vào thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.