Xã hội

Người “cãi lệnh” thần chết trên dòng Sêrêpốk

11/02/2016, 09:13

Gần 30 năm mưu sinh trên dòng Sêrêpốk, ông Hiệu không nhớ mình đã vớt bao nhiêu thi thể.

don tet
Ông Hiệu vinh dự được Bộ trưởng Đinh La Thăng tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam.

Gần 30 năm mưu sinh trên dòng Sêrêpốk, gắn đời mình với nghề chài lưới, ông Hiệu đã cứu sống nhiều người lâm nạn trên dòng sông hung dữ này và ông không nhớ mình đã vớt bao nhiêu thi thể. Từ thuở nào, cái danh “người cãi lệnh thần chết” gắn chặt với ông.

Duyên nghiệp cứu người

Những ngày cuối năm, trời Tây Nguyên se lạnh, một chiều chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Hiệu (50 tuổi, trú tại thôn 6, phường Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để lắng nghe câu chuyện về người “Hiệp sỹ giao thông” hơn nửa đời người làm việc nghĩa hiệp “cứu người, vớt xác” trên dòng Sêrêpốk.

Xuôi hướng đường HCM tới chân cầu 14 (đoạn nối hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông), hỏi thăm nhà ông Hiệu, từ người già đến trẻ em, ai cũng biết. Tôi dừng xe, hỏi lũ trẻ bên đường, tụi nhỏ không cần suy nghĩ, đồng thanh: “Chú đi tới đầu cầu, nhìn xuống con dốc bên tay phải. Căn nhà nhỏ nằm cạnh mép sông là nhà ông Hiệu đấy”.

Theo lời lũ trẻ, con dốc nhỏ dẫn xuống căn nhà cấp bốn, mái ngói cũ kỹ. Xe dừng ngoài sân, tiếng chó sủa inh ỏi nhưng không thấy người lên tiếng. Lúc này, tôi chợt nhớ đến lời một đồng nghiệp, “đến nhà không thấy ông Hiệu thì nhìn ra phía sông, thể nào cũng thấy ông đang rải lưới ngoài đó”. Tôi ra mép sông, phóng tầm mắt ra xa, dáng người đàn ông gầy còm thấp thoáng, dập dềnh theo con nước. Tôi lớn tiếng gọi: “Bác Hiệu... Có phải bác Hiệu ngoài đó không ạ?”. Một giọng ồm ồm vang cả khúc sông: “Vâng, tôi Hiệu đây. Ai đó? Đợi tôi thả hết mẻ lưới rồi lên ngay”. Nhìn xa xa, đôi tay ông thoăn thoắt thả lưới, chèo xuồng rẽ nước vào bờ điêu luyện. Ông neo chiếc xuồng cũ cẩn thận rồi cùng tôi lên nhà.

Trong ngôi nhà nhỏ, không gian chật hẹp nhưng trên tường treo kín những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của Chủ tịch tỉnh, Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ và giấy chứng nhận danh hiệu “Hiệp sỹ giao thông”. Bên chén trà đang bốc khói nghi ngút, ông Hiệu bộc bạch: “Quê tôi ở Thanh Hóa, thuở trước vì hoàn cảnh nghèo khó, nghe người làng nói đất Tây Nguyên màu mỡ, dễ “đổi đời” nên hai vợ chồng “son” quyết định dắt nhau vào lập nghiệp. Dành dụm vừa đủ tiền mua mảnh đất làm chỗ trú mưa, tránh nắng. Ngày qua ngày, vợ chồng đi làm thuê, làm mướn, những lúc không ai mướn thì mang xuồng ra sông bắt lấy con tôm, con cá”.

12
Ông Hiệu chỉ vị trí chiếc xe khách rơi khiến 34 người tử vong, hơn 20 người bị thương.

Góp thêm câu chuyện thời khốn khó với chồng, bà Bùi Thị Quý chia sẻ: “Ở nơi đất khách, không người thân họ hàng, vợ chồng tần tảo, rồi cũng có với nhau ba mặt con, hai trai, một gái. Cuộc sống khó khăn, lớn lên mỗi đứa một nơi, làm công nhân để tự trang trải cuộc sống”.

Bà Quý châm thêm bình trà thứ hai, ông Hiệu và tôi tiếp tục hàn huyên về câu chuyện “cứu người, vớt xác” đã gắn liền với cuộc sống mưu sinh của ông trên dòng Sêrêpốk. “Tôi cũng không nhớ từ bao giờ, nghiệp cứu người lại vận vào đời tôi. Có lẽ, ông trời đã sắp đặt vào đem tôi về ở cạnh mép sông này. Việc cứu người, vớt xác không thể tránh được. Đã vài lần định bỏ nghề sông nước, tìm mảnh đất lành hơn mà lòng không nỡ. Từ ngày cắm dùi ở đây, người sống tôi cứu cũng nhiều và người chết thì không nhớ hết”, ông Hiệu ngậm ngùi. Nỗi đau...

Một đêm 34 người tử nạn

Nửa đời người bám sông, ông Hiệu hiểu dòng Sêrêpốk như “người tình” thứ hai. Ông nắm rất rõ từng đoạn sông, chỗ nào nhiều ghềnh đá, hàm ếch, khu vực nào dòng nước siết. “Vào mùa khô, con sông cạn lộ rõ những tảng đá to như cái nhà. Lần đó, tốp 5 học sinh lội nước ra tảng đá lớn ngồi chơi. Chiều lại, bỗng nhiên nước dâng cao, lấp đầy khoảng trống. Trong cảnh hỗn loạn, không may một cháu gái trong nhóm rơi xuống nước, bị mõm đá “nuốt chửng”. Bốn đứa còn lại nháo nhào, gào thét.

Từ phía bên kia bờ, tôi nghe thấy tiếng kêu cứu vội vã bơi xuồng qua. Cháu bé bị mắc vào đá nên không thể cứu, bị nước cuốn đi. Không nghĩ ngợi, một tay chèo xuồng, một tay níu giữ bốn cháu còn lại vào bờ. Sau đó, tôi quay lại tìm cháu gái, nhưng sau một ngày - đêm mới đưa được thi thể cháu về. Cũng kể từ đó, tôi day dứt mãi và cái duyên, cái nghiệp đến với tôi. Cứ thế, ngày này qua tháng khác, tôi rải lưới mưu sinh và cứu vớt người bị nạn”, ông Hiệu nói.

Đang kể, bỗng giọng ông lạc đi: “Cả đời người mưu sinh, có lẽ đêm định mệnh 17/5/2012 là đêm in đậm trong tôi. Khoảng 22h, tôi vừa chợp mắt thì nghe tiếng xe phanh gấp, kèm theo tiếng nổ vang dền. Nhìn lên cầu, thấy khoảng 10 m lan can gãy đổ. Từ phía chân cầu, vài tiếng kêu yếu ớt rồi im bặt. Lúc này, tôi cùng con trai út cầm đèn chạy xuống mép sông thì tá hỏa khi thấy chiếc xe khách nằm chỏng chơ, phần đầu cắm xuống nước. Bên cạnh xe, một đứa bé ướt sũng nằm khóc gọi mẹ. Thằng út nhà tôi vội bế cháu lên, nhờ xe chở đi bệnh viện trước. Lúc đó, tôi chỉ mong cứu được người nào thì tốt người đó. Cháu bé đó, sau này tôi mới biết là con của vợ chồng tài xế, họ đã ra đi trong vụ tai nạn kinh hoàng này”.

“Tiếp cận chiếc xe, người sống, người chết xếp chồng lên nhau. Hai bố con tôi đưa gần 10 người ra khỏi xe, rồi hàng xóm tới, cùng nhau cứu người. Khung cảnh ảm đạm, đến 3h sáng những người bị nạn được đưa ra hết, chỉ còn lại một tài xế và hành khách phía cuối phải chờ xe cẩu cứu hộ. Vụ TNGT này cướp đi mạng sống của 34 người và hơn 20 người bị thương nặng”, ông Hiệu buồn bã nhớ lại.

Tại chân cầu Sêrêpốk, có biết bao câu chuyện buồn vui, ông Hiệu không kể hết. Những người già buồn chuyện con ngược đãi cũng gieo mình, thanh niên trai gái buồn chuyện yêu đương quyên sinh. “May mắn cứu được người, họ oán trách sao không để cho họ chết, nhưng đó là nghiệp, thấy chết không cứu là bất nhân. Còn không cứu được người thấy day dứt trong lòng, quyết tìm bằng được thi thể nạn nhân cho gia đình chôn cất”, ông Hiệu suy nghĩ.

Sống cùng nghiệp với chồng

Từ ngày cùng chồng lập nghiệp trên đất khách, bà Quý không ít lần thấp thỏm lo lắng. Bà kể: “Mỗi lần nghe tiếng gọi thất thanh “Hiệu ơi! Có người nhảy cầu... là ông vứt bỏ chén cơm, vác xuồng chạy ra, thả vội xuống, rạch nước tiến đến vị trí nạn nhân rơi. Mỗi lần như vậy, vợ con chân tay run lên, “trống ngực” đập thình thịch vì sợ.  Nhưng sống với “sợ hãi”, riết rồi cũng quen”.

Nhớ ngày chiếc xe khách rơi, chồng bảo tôi lên đường vẫy người cứu giúp. Dưới sông có nhiều người chết, khiến chân tôi đi không vững. Nghe lời, tôi mang đồ lên trên cầu đốt lửa ra hiệu cầu cứu, rồi mọi người xuống tham gia cứu nạn. “Lúc đầu, bốn người nắm tay, nắm chân khiêng một nạn nhân lên bờ nhưng khó khăn vì đường lau sậy mọc um tùm. Tôi phải đốt lửa, rọi đèn pin, chặt cây làm cáng để khiêng người lên”, bà Quý nhớ lại.

Theo lời bà Quý, không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà khúc sông này rất nhiều người đến tự tử. Gần một năm nay đã có tới 5, 6 người đến cầu tìm cách quyên sinh. Vào mùa nước lớn, ai nhảy xuống cũng bị dòng nước cuốn trôi, mấy ngày mới tìm thấy. Nhiều khi, ông Hiệu đi vắng, thằng út lại thay ông chèo xuồng ra sông cứu vớt người.

“Theo thói quen, mỗi chiều tôi thường ngước mắt trông xa về phía cầu, hễ có ai đứng đó là thấy lo lắng. Theo chồng bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm theo nghiệp cứu người, giờ cũng đã có tuổi, hy vọng ông tránh được con sóng dữ, gặp sóng hiền để hạnh phúc cùng vợ, cùng con”, bà Quý nghẹn lời. Rời nhà ông Hiệu khi trời chạng vạng, tôi cầu mong cho gia đình ông có sức khỏe để mưu sinh và cứu người khỏi miệng hà bá dòng Sêrêpốk hung dữ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.