Thị trường

Người dân Hà Nội sợ ăn phải cá chết từ biển miền Trung

25/04/2016, 19:41

Tiểu thương cho biết, khách quen vẫn mua bình thường còn khách vãng lai thì giảm hẳn.

Nguoi-dan-Ha-Noi-so-an-phai-ca-chet-tu-bien-mien-T

Người dân Hà Nội sợ ăn phải cá chết từ biển miền Trung vì khó phân biệt cá chết ở vùng biển này với cá đánh bắt từ vùng biển khác nếu được đóng hộp đông lạnh. Ảnh minh hoạ: ĐSPL

Trong mấy ngày gần đây báo chí nói nhiều về việc cá chết hàng loạt tại miền Trung, chị Thanh (trú tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay mấy hôm nay chị đều cho cả nhà chuyển sang ăn thịt vì sợ ăn phải cá chết tại vùng biển miền Trung mang ra. “Các cơ quan chức năng đã cảnh báo rồi. Mình lại không có cách nào biết rõ rằng cá đó có được tiêu hủy hay không hay người ta lại gom lại mang ra Hà Nội bán”, chị Thanh nói.

Chị Hòa là tiểu thương buôn bán hải sản ở chợ Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết mấy hôm nay rất nhiều người hỏi chị về nguồn gốc tôm, cua, cá, mực, hàu... mà chị bán có phải chuyển từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình ra hay không. “Tôi phải khẳng định là tôi sống ở Nam Định và chỉ lấy hàng từ Nam Định ra”, chị Hòa nói. Theo chị Hòa, khách quen của chị vẫn mua bình thường còn khách vãng lai thì giảm nhẹ.

Tiểu thương này cũng cho biết, giá các mặt hàng hải sản vẫn không biến động nhiều: Tôm từ 250.000 đồng – 320.000 đồng/kg tùy loại, cua 200.000 đồng – 350.000 đồng/kg, ghẹ 60.000 đồng - 70.000 đồng/kg, bề bề 300.000 đồng – 350.000 đồng/kg...

“Nhiều người đang tìm cách phân biệt cá chết tại vùng biển miền Trung với cá tại các vùng biển khác nhưng điều này rất khó”, anh Nguyễn Hồng, chủ một cửa hàng bán thực phẩm sạch tại khu vực Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho hay. Theo kinh nghiệm buôn bán hải sản của anh Hồng, khi cá được xử lý qua và đóng hộp đông lạnh để vận chuyển thì gần như không thể phân biệt được. “Chỉ có thể dựa vào lương tâm của người bán”, anh Hồng nói.

Mặt khác, theo anh Nguyễn Hồng, cơ quan chức năng cần cảnh báo việc sản xuất muối của diêm dân tại các vùng biển đang ô nhiễm và việc sản xuất nước mắm từ hải sản tại các tỉnh này. “Nếu vẫn để người dân tiếp tục sản xuất muối từ nước biển ô nhiễm này rồi chuyển đi cả nước tiêu thụ thì rất nguy hiểm. Cũng như để bà con lấy cá chết hay cá đánh bắt tại vùng biển ô nhiễm này làm mắm thì không biết sẽ gây ra hậu quả như thế nào tới sức khỏe cộng đồng”, anh Hồng lo ngại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.