Hồ sơ tài liệu

Người hy sinh đầu tiên và người ra khỏi hang Tham Luang cuối cùng

11/07/2018, 08:22

Toàn bộ 12 cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng Thái Lan đã được giải cứu thành công sau nhiều ngày...

29

Người dân Thái Lan vui mừng khi biết chiến dịch giải cứu người thành công mỹ mãn - Ảnh: REUTERS

Khi tình thương chiến thắng tất cả

Huấn luyện viên Ekkapol Chantawong là một trong những người được đưa ra khỏi hang cuối cùng, dù đã mệt mỏi và kiệt sức nhưng Chantawong vẫn kiên quyết bám trụ trong hang cùng những cầu thủ thiếu niên cuối cùng để động viên, chia sẻ và sống cùng các em trong những thời điểm khó khăn, cam go nhất. 

Ekkapol Chantawong

Anh Ekkapol Chantawong và các em nhỏ (ảnh tư liệu)

Anh Ekkapol Chantawong (25 tuổi) là trẻ mồ côi từ năm lên 10. Trưởng thành dưới tình yêu thương của những người họ hàng và đã có 3 năm nương nhờ nơi cửa Phật. Có lẽ chính vì những tình cảm mà anh nhận được suốt 15 năm qua đã biến “một cậu bé lúc nào cũng buồn bã và cô độc” thành một thanh niên vui vẻ, giàu lòng nhân ái.

Bạn bè và đồng nghiệp của Ekkapol đều nói rằng, Chantawong quan tâm tất cả thành viên đội bóng Lợn Hoang như những người thân ruột thịt. Điều này chắc chắn không hề sai, vì chính hành động nhường lại phần ăn, nước uống ít ỏi của mình cho bọn trẻ trong suốt 10 ngày khi chưa được tìm thấy đã chứng minh cho điều đó.

Một số người chỉ trích vị huấn luyện viên trẻ tuổi vì anh đã bỏ qua cảnh báo không được vào hang mùa mưa. Nhưng cha mẹ của các cậu bé và đa số người dân Thái Lan hiểu rằng, lũ trẻ tự nguyện vào hang khám phá và anh Ekkapol cũng chỉ muốn “chiều” theo mong muốn của các em.

Và trên hết, tất cả mọi người đều nhận thấy, chính nhờ có tình thương và những kinh nghiệm sinh tồn mà Ekkapol đã dạy cho các cậu bé, cả 13 thành viên đội bóng mới có thể sống sót cho đến ngày được tìm thấy.

Sáng 7/7, Hải quân Thái Lan công bố lá thư những thành viên mắc kẹt gửi ra bên ngoài. Bức thư của Ekapol chỉ là vài dòng ngắn ngủi nhưng tất cả mọi người đều cảm nhận được sự chân thành của anh trong đó. “Tôi hứa sẽ chăm sóc bọn trẻ một cách tốt nhất. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người hỗ trợ và tôi nợ mọi người lời xin lỗi”, anh viết.

30

Huấn luyện viên Ekkapol Chantawong và các cầu thủ nhí lúc ở trong hang Tham Luang

Hết mình vì công việc cho đến giây cuối cùng

Sáng 6/7, giới chức Thái Lan thông báo anh Saman Kunan (38 tuổi) đã thiệt mạng trong khi thực hiện công tác cứu hộ đội bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang, đã khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Anh Saman từng là lính đặc nhiệm đơn vị Seal của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Với kinh nghiệm sau nhiều năm hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, cùng mong muốn đóng góp công sức vào việc giải cứu 13 thành viên đội bóng, anh đã quyết định tham gia vào chiến dịch này dưới tư cách là tình nguyện viên.

Thợ lặn Saman Kunan

Thợ lặn Saman Kunan

Với lời hứa: “Chúng tôi sẽ đưa lũ trẻ về nhà”, thợ lặn Saman đã nhiệt tình tham gia công tác cứu hộ mà không quản mệt mỏi. Nhưng không may, anh đã qua đời khi trên đường trở lại trạm chỉ huy sau khi mang đồ tiếp tế cho đội bóng, khi còn cách cửa hang 1,6km. Nguyên nhân tử vong được xác định là do thiếu ôxy.

Thi thể thành viên đội cứu hộ Saman Kunan được đưa lên chiếc máy bay C-120 về Bangkok. Ngày 9/7 vừa qua, lễ tang của người thợ lặn xấu số đã được tiến hành tại quê nhà ở Roi Et.

Sự hy sinh của anh Saman khiến cho tất cả những người theo dõi chiến dịch giải cứu vô cùng đau xót. Nhưng chắc chắn rằng, cả 13 thành viên đội bóng, cha mẹ các em và toàn thể người dân Thái Lan sẽ không bao giờ quên những gì mà Saman Kunan và những người đồng đội của anh đã làm.

Vượt qua sợ hãi

Suốt nửa tháng qua, các cậu bé có độ tuổi từ 11 - 16 của đội bóng Thái Lan đã bị cô lập trong một môi trường ẩm ướt, chật hẹp, không có ánh sáng tự nhiên.

Saman-Kunan-Death-Thailand-Cave-Rescue-KOKO-TV-Nig

 

Với điều kiện sống như vậy, các em hoàn toàn có thể bị hoảng loạn tâm lý, suy giảm khả năng hô hấp, giảm thân nhiệt và nhiễm trùng phổi. Đồng thời, cơ thể bị mất nước, suy dinh dưỡng, dễ bị nhiễm khuẩn do sức đề kháng giảm cũng là điều mà các em phải đối mặt khi sống trong hang khá lâu.

Bên cạnh đó, những thiếu niên này cũng phải trải qua cảm giác sợ hãi, bất lực và tuyệt vọng vì không biết mình có được giải cứu hay không. Đặc biệt, là ở độ tuổi như các em, phải trải qua tình thế nguy hiểm như vậy rất dễ có những cảm xúc tiêu cực và không được bình tĩnh như những người trưởng thành.

Nhiều chuyên gia còn lo ngại rằng, những thành viên của đội bóng sẽ phải đối mặt với “bệnh hang động” do phân dơi và chim gây ra, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời và lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Chính vì vậy, việc điều trị y khoa cũng như về tâm lý là điều hết sức cần thiết ngay sau khi giải cứu các cậu bé ra khỏi hang, giúp các em nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường sau những gì đã trải qua.

Đợt giải cứu diễn ra ngày 10/7 đã thành công tốt đẹp. Trong 2 đợt giải cứu trước đó (ngày 8 - 9/7), các thợ lặn đã cứu được 8 cậu bé. Chiến dịch tìm kiếm, giải cứu diễn ra ở tỉnh miền núi phía Bắc Thái Lan đã thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế trong suốt nhiều ngày qua.

Điều đáng chú ý, bên cạnh nỗ lực của chính quyền, cuộc giải cứu cũng có sự tham gia, giúp đỡ của rất nhiều nhóm chuyên gia từ: Mỹ, Anh, Australia, Myanmar, Trung Quốc, Lào... Điều đáng tiếc duy nhất là trường hợp một cựu thợ lặn của Hải quân Hoàng gia Thái Lan (anh Saman Kunan), người tham gia hoạt động giải cứu đã thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ đặt bình oxy dọc theo hang động. 

Phát biểu sau khi chiến dịch giải cứu kết thúc vào tối 10/7, một thợ lặn quốc tế tham gia vận chuyển các bình dưỡng khí vào trong hang chia sẻ với CNN rằng, đây là nhiệm vụ thử thách nhất từ trước đến nay đối với anh.

Bên cạnh đó, tất cả các thành viên của đội cứu hộ cũng dành lời khen cho nghị lực phi thường của các cậu bé mới chỉ từ 11-16 tuổi.

Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.