Thị trường

Dịch tả lợn châu Phi: Người nuôi lợn đang kiệt sức, xin đừng câu like!

11/03/2019, 07:42

Từ khi ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Định Long (Yên Định, Thanh Hóa), nhiều người dân ở đây ăn không ngon, ngủ không yên vì lo lắng.

img
Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi

Từ khi ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Định Long (Yên Định, Thanh Hóa), bà Lê Thị Nam (thôn Tân Ngữ 2, Định Long) lo lắng cho đàn lợn gồm 150 con nái sinh sản và 300 con lợn thịt của mình. Số lượng đàn không nhiều, nhưng đối với gia đình bà đó là một gia tài lớn.

Những lời chia sẻ trên báo chí của bà đã khiến không ít người phải đau xót: “Đầu tháng 2 đã có nhiều thương lái đến nhà tôi hỏi mua, nhưng khi có thông tin dịch tả, họ không mua nữa. Trang trại 13.000m2 mỗi ngày phun hóa chất đã hết gần 2 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn mỗi ngày mà lợn không thể xuất bán. Người chăn nuôi chúng tôi đang rất khổ sở”.

Những giọt nước mắt khắc khổ của bà Nam cũng là những giọt nước mắt của hàng trăm hộ nuôi mỗi lần phải “gồng mình” gánh dịch, lo trượt giá. Còn nhớ năm 2017, người chăn nuôi lợn đã một phen lao đao vì giá lợn tụt dốc không phanh. Một cân lợn hơi khi đó có giá không bằng một… tô phở. Nhiều gia đình đã tán gia bại sản vì lợn, không ít hộ khác phải ngoi ngóp, chắt chiu từng đồng để gây dựng lại đàn lợn giống.

Rồi giá lợn bắt đầu tăng, người nuôi chưa kịp mừng vì có thời điểm lợn hơi đã lên tới mức trên 55.000 đồng/kg thì chỉ trong 2 tuần sau khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, giá lợn đã rớt xuống, có nơi chỉ còn 32-33 nghìn đồng/kg.

Điều đáng nói, trong khi người chăn nuôi đang thấp thỏm lo lắng từng ngày, từng giờ thì trên nhiều trang mạng xã hội, những thông tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi đã như giáng thêm một đòn “chí mạng”với họ. Đó là những status kêu gọi người dân đừng ăn thịt lợn vì sẽ lây bệnh dịch tả lợn châu Phi sang người.

Chưa dừng lại đó, những hình ảnh ghê sợ về thịt lợn nhiễm bệnh, người nhiễm bệnh được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn. Thực tế, đó không phải là hình ảnh dịch bệnh tả lợn châu Phi. Vì câu like, vì thiếu hiểu biết, không thèm đánh giá đúng - sai, không ít người cũng hùa theo tẩy chay thịt lợn và kêu gọi tìm mua những loại thịt khác để loại trừ khả năng nhiễm bệnh.

Và thế là, sau mỗi nút like, chia sẻ… các quầy thịt ở chợ, trong siêu thị thưa người hơn. Người nuôi sẽ tiếp tục khóc vì lợn không thể xuất chuồng, người bán thịt buồn bã vì vắng khách, thịt tiêu thụ chậm… “Lương tâm của họ để đâu hết. Tại sao có thể câu like kiếm tiền trên nỗi khổ của người nông dân?”, một thành viên trong hội chăn nuôi lợn phải thốt lên như vậy.

Ngày 10/3, chủ tài khoản Facebook “Đầm bầu Mami” đã bị cơ quan chức năng mời lên làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Việc xử lý chủ tài khoản Facebook này là lời cảnh tỉnh cho không ít người đang hùa theo đám đông một cách vô ý thức, thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết. Nếu tỉnh táo, họ phải biết rằng, trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo và khẳng định rằng: Dịch tả lợn châu Phi không thể lây bệnh trên người, vì vậy, người dân không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm thịt lợn. Hơn nữa, thịt lợn vào các siêu thị, các chợ thời điểm này hầu như đã được kiểm soát, kiểm dịch một cách chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Đằng sau mỗi nút like, chia sẻ của mọi người là số phận của những người chăn nuôi đang lao đao, kiệt sức vì dịch bệnh. Vì vậy, xin đừng câu like trước nỗi đau của người khác!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.