Xã hội

Người phát ngôn Chính phủ nói gì về đề xuất sáp nhập các Bộ?

03/11/2017, 19:13

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói về đề xuất sáp nhập một số Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

bo-truong-mai-tien-dung

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra chiều tối 3/11, báo chí đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về đề xuất hợp nhất một số Bộ có chức năng tương đồng. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ chưa bàn vì vấn đề này là cả lộ trình. "Vấn đề hiện nay, trên tinh thần Nghị quyết 18 thì xây dựng chương trình hành động. Bây giờ Bí thư, Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ tham mưu để xây dựng chương trình hành động cụ thể", Bộ trưởng Dũng cho hay.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường giải thích thêm, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời báo chí về việc này. Theo đó, Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 6 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" cũng có nêu rõ việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới…

"Sau khi có nghị quyết này, Bộ nội vụ được Thủ tướng giao xây dựng chương trình hành động để thực hiện. Trong đó có những nội dung áp dụng làm ngay, có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII" - ông Cường nói.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo Nghị quyết 18, về nguyên tắc sẽ rà soát lại và thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, đó là vấn đề tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và tinh giản đầu mối theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Vì hiện nay có rất nhiều việc chúng ta chồng chéo.

Ông cũng cho biết, việc thực hiện sẽ theo hướng phân cấp mạnh cho chính quyền cấp dưới.

"Tinh thần Nghị quyét 18 sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu để xử lý vấn đề tránh chồng chéo. Với tinh thần rút gọn các tổ chức bộ máy và biên chế để giảm ngân sách nhà nước. Chẳng hạn như với cấp tỉnh hiện nay có thể xem xét sáp nhập Văn phòng HĐND, UBND tỉnh…" - ông Dũng nói.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 31/10, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, nếu làm mạnh việc sáp nhập các tỉnh ít dân và các Bộ có nhiệm vụ tương đồng, sẽ giảm được tối thiểu 10 tỉnh và 3 Bộ so với hiện nay.

Về cách làm cụ thể, ĐB đoàn Đồng Tháp chia sẻ, trước tiên, với các tỉnh/thành thì có thể sáp nhập những tỉnh dân số thấp, từ 700.000 – 800.000 dân trở xuống. Sau đó sẽ xem xét việc sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau. “Theo tính toán của tôi, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và có thể giảm được 3 – 4 bộ có nhiệm vụ tương đồng” - ĐB Phạm Văn Hòa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.