Tâm sự

Người phụ nữ 10 năm chôn cất hài nhi xấu số

11/04/2017, 13:18

Chị Nguyễn Thị Thủy đã thu gom và xây nghĩa trang chôn cất cho hơn 200 hài nhi xấu số.

28

Chị Thủy thắp nén nhang cho những hài nhi xấu số

Xây nghĩa trang cho hơn 200 hài nhi xấu số

Trong cái se lạnh cuối tháng ba, ngược QL7 khoảng 100km, chúng tôi tìm về nhà chị Thủy, người phụ nữ đi thu gom, chôn cất và xây nghĩa trang cho những hài nhi xấu số. Với dáng người nhỏ thó, khuôn mặt phúc hậu, chị Thủy kể: “Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, cũng là lúc mẹ già bị tai biến phải nằm một chỗ. Thương mẹ, tôi đành gác lại chuyện trăm năm để có thời gian chăm sóc mẹ. Ngày mẹ lâm chung, bà nắm chặt tay tôi trăng trối: Cha con già yếu lắm rồi, cần có người chăm sóc”.

Sau khi mẹ qua đời, nhiều người động viên nên lo cuộc sống riêng, nhưng nghĩ tới người cha già mắt mờ, chân run, người con gái ấy lại không đành lòng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tuổi xuân của chị cũng trôi qua lúc nào không hay.

"Chị Thủy là một người phụ nữ đôn hậu, từng cưu mang nhiều nữ sinh trót lỡ lầm trong tình yêu và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Chính quyền xã đã đến gặp gỡ, động viên chị Thủy tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng để những đứa trẻ mồ côi có một mái ấm gia đình”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng
Phó chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An)

Năm 2007, sau nhiều lần chị Thủy tận mắt thấy những thai nhi bị phá bỏ nằm lẫn trong các bãi rác, không đành lòng, chị âm thầm tới khu rác thải của khoa sản bệnh viện để thu gom những thai nhi xấu số, mang về nghĩa trang chôn cất tử tế. 10 năm làm việc “chẳng giống ai”, chị Thủy bị người đời bàn tán rất nhiều. Có người nói chị dở hơi, người lo chị làm ô nhiễm môi trường, nhiều người nghi ngờ chị mang những thai nhi ấy về làm việc khác... Bỏ ngoài tai tất cả, chị Thủy vẫn thầm lặng gom nhặt những thai nhi xấu số về chôn cất. Chị quan niệm rằng, “miễn sao cái tâm của mình trong sạch, lòng mình thanh thản thì mình cứ làm thôi”.

“Có nhiều đứa trẻ, khi bị phá bỏ còn nguyên hình hài, tôi đã đưa về nhà tắm rửa, khâm liệm, rồi bỏ vào tiểu sành đưa ra nghĩa trang chôn cất. Sau này được nhiều người giúp đỡ, tôi mới có cơ hội xây cho các con những ngôi nhà khang trang, kiên cố”, chị Thủy chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chế (SN 1942, bố chị Thủy) cho biết: “Lúc đầu gia đình tôi không đồng tình với việc làm của Thủy. Sau này, nghe Thủy tâm sự, chia sẻ, mọi người đã ủng hộ và nhường một phần đất nghĩa trang của gia đình để chôn cất những hài nhi xấu số”.

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, chị lại ra nghĩa trang quét dọn, nhổ cỏ và thắp hương cho những thai nhi xấu số. Những ngôi mộ không tên nằm liền kề nhau, chị luôn xem như những đứa con xấu số của chính mình. Tại nghĩa trang này, chị đã tự tay chôn cất hơn 200 hài nhi xấu số, để các con có chỗ yên nghỉ. Trước đây, rất nhiều người còn dị nghị về việc làm của chị. Giờ đây, họ đã thấu hiểu, còn chung tay góp tiền, góp sức cùng chị xây mộ cho những thai nhi xấu số. Hướng đôi mắt về những ngôi mộ xây sẵn, chị xúc động: “Nếu đã không có cơ hội làm người, ít ra cũng nên cho các con có chỗ nghỉ ngơi, để các con nằm bơ vơ ngoài đường, tôi không cầm được nước mắt”.

Chấp nhận vay lãi ngân hàng nuôi trẻ mồ côi

Ngoài việc thu gom, chôn cất và xây nghĩa trang cho các hài nhi xấu số, dù kinh tế gia đình còn rất nhiều khó khăn, chị Thủy vẫn cưu mang nhiều nữ sinh trót lỡ lầm trong tình yêu và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Cách đây gần 6 năm, trong một lần đến bệnh viện thăm họ hàng, chị Thủy tình cờ gặp một cô bé (quê Thanh Chương, Nghệ An) mặc đồng phục học sinh đang rụt rè tìm phòng phá thai. Nhìn khuôn mặt non nớt với vẻ lo lắng của cô bé, chị Thủy lân la dò hỏi. Khi biết cô bé đã mang thai tháng thứ 5, chị ra sức can ngăn, rồi đưa về nhà chăm sóc đợi đến ngày “mẹ tròn con vuông”. Sau khi sinh con được gần 12 ngày, người mẹ trẻ ấy bỏ đi, để lại đứa trẻ cho chị Thủy chăm sóc. Chị đặt tên cháu là Hoài Thu và khai sinh theo họ của mình.

Giữa năm 2012, chị Thủy lại cưu mang thêm một cô gái 19 tuổi (quê Tương Dương, Nghệ An), là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội, cũng vì yêu đương nên trót dại mang bầu. Sau khi hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, chị Thủy đặt tên Trần An rồi đưa cả hai mẹ con về nhà chăm sóc. Một tháng sau, cô gái ấy cũng để lại con cho chị Thủy rồi đi lo cuộc sống riêng.

Bất đắc dĩ, chị Thủy đành làm mẹ của hai đứa trẻ mồ côi. Những ngày đầu, chưa quen chăm sóc trẻ sơ sinh nên chị gặp rất nhiều khó khăn. Sau này, được anh em, hàng xóm cho tiền, góp gạo, mẹ con chị cũng cầm cự sống qua ngày. “Ba mẹ con tôi may mắn được anh em, hàng xóm thương tình giúp đỡ, họ cho các cháu tiền, gạo, nhiều mẹ còn đến cho các cháu bú sữa”, chị Thủy tâm sự.

Còn nhớ, năm 2013, khi đó cháu Trần An được gần 1 tuổi, bị viêm phổi cấp, chị lại lặn lội đưa con từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để điều trị. Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, chị Thủy phải cầm cố vay mượn ngân hàng 30 triệu đồng để có tiền trang trải thuốc men, tiền sữa cho con.

Ở cái tuổi ngoài 40, ngoài công việc đồng áng vất vả, chị Thủy nuôi thêm lợn, gà. Lúc nông nhàn, chị còn đi nhặt ve chai bán kiếm tiền mua cho con hộp sữa. “Tôi thương hai đứa như con ruột của mình. Chỉ mong có nhiều sức khỏe để làm việc và chăm sóc các con đến khi chúng trưởng thành”, chị Thủy chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.