Y tế

Nguy hiểm tính mạng từ những vết thương nhỏ

20/04/2019, 07:05

Có thể chỉ từ vết thương nhỏ do dằm đâm vào lòng bàn tay, vết bỏng bô xe máy, hoặc vết gà mổ vào chân... mà vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể.

img
Bệnh nhân điều trị uốn ván ở BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM

Bất ngờ mắc uốn ván vì vết xước

Ghi nhận tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, gần đây trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc người lớn tiếp nhận khoảng 3 trường hợp bị uốn ván. Trong số khoảng 30 ca nằm điều trị tại đây, có 70% ca mắc uốn ván. Điều đáng nói, các ca bệnh uốn ván buộc phải nhập viện điều trị đều do chủ quan với những vết thương nhỏ trên cơ thể.

Điển hình trường hợp ông T.V.N. (65 tuổi, trú tại Long An) đang trong tình trạng hôn mê. Ông N. được người nhà đưa vào viện khi thấy cứng hàm, nhai nuốt khó và khó thở. Người nhà ông N. cho biết, trước đó 10 ngày, khi phát quang bụi cây xung quanh nhà thì bị một cành cây gãy gây xước, chảy máu bên tay trái. Không ngờ đó lại là nguyên nhân gây căn bệnh uốn ván khiến ông giờ phải nằm liệt giường điều trị tại bệnh viện.

Còn bà N.T.C. (50 tuổi, trú tại quận 7, TP HCM) cũng đang được hỗ trợ máy thở tại đây. Bà C. được gia đình cho nhập viện sau những triệu chứng sốt cao, cứng hàm và khó thở tăng dần. Trước đó chừng 1 tuần , bà C. bị bỏng bô xe máy, để lại vết bỏng chỉ rộng chừng 2 đốt ngón tay, dù đã bôi thuốc chữa bỏng nhưng vết thương ngày một lan rộng, có mủ.

Cách đây không lâu, BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng tiếp nhận bệnh nhân B.V.M. (52 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) trong tình trạng cứng hàm, khó há miệng và vết thương nhỏ trong lòng bàn tay phải có sưng nề, chảy mủ. Người nhà bệnh nhân cho hay, trước khi vào viện 10 ngày, ông M. bị một dằm cây tre mục đâm vào lòng bàn tay phải. Dù đã uống kháng sinh khi thấy vết thương mưng mủ nhưng tình trạng không thuyên giảm. Chỉ sau ít ngày ông M. thấy khó há miệng, nuốt khó, cứng gáy. Được gia đình đưa đi khám đi khám tại Trung tâm Y tế và được chẩn đoán theo dõi viêm khớp thái dương hàm, sau đó chuyển về BV Đa khoa Đức Giang.

Theo BS. Lê Xuân Sơn, Khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa Đức Giang, Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ mắc bệnh uốn ván cao. Thời gian điều trị thường kéo dài, diễn biến bệnh thường phức tạp.

“Bệnh nhân uốn ván phổ biến nhất là giẫm đinh hoặc gặp tai nạn lao động, TNGT, thậm chí là các tai nạn sinh hoạt rất đơn giản như vết dao cắt, gà mổ… Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện do liên quan đến bệnh lý nội khoa như vết thương viêm tai giữa, chảy mủ tai, chàm da mạn tính, sâu răng, vết thương lâu lành, vết loét lâu lành như bàn chân tiểu đường, vết loét ung thư vú...”, BS. Dương Bích Thủy, Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết.

Làm gì để phòng tránh bệnh uốn ván?

Theo BS. Sơn, bệnh giai đoạn đầu thường rất dễ nhầm với các bệnh lý về hàm mặt mà đưa nhầm vào các khoa như chấn thương chỉnh hình, khoa hàm mặt. Do vậy, khi khám bệnh và hỏi bệnh cần khai thác kỹ các tiền sử chấn thương trong 2 tháng trước đó cũng như khám kỹ các vết thương trên người bệnh nhân để tìm đường vào. Bệnh tuy hiếm và nặng nhưng có thể phòng tránh được bằng việc xử trí vết thương đúng cách, tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng độc tố uốn ván.

BS. Thủy cho hay, vi khuẩn uốn ván hình thành từ nha bào uốn ván phổ biến trong môi trường đất, cát, đặc biệt môi trường có nhiều phân gia súc, gia cầm.

Khi có vết thương hở, nha bào xâm nhập và thoát vỏ dần và phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên nhanh và tiết ra các độc tố gây bệnh uốn ván nhưng những ngày đầu không hề sưng nề nên người bệnh hay chủ quan. Độc tố tiết ra gây nhiễm độc hệ thần kinh vận động khiến người bệnh uốn ván thường co cứng toàn thân và co giật liên tục.

Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, khi bị các vết thương hở, dù nhỏ như dập móng chân, xước xát... cũng cần giải phóng hết các dị vật trong vết thương, rửa sạch bằng dung dịch sát trùng. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng phải dùng kháng sinh. Những trường hợp chưa được tiêm phòng uốn ván, khi thấy nguy cơ phải tiêm huyết thanh kháng uốn ván (có tác dụng bảo vệ trong 7 ngày), sau đó tiêm luôn vaccine ngừa uốn ván (sau tiêm 7 ngày mới có miễn dịch).

“Lưu ý, khi có các dấu hiệu của bệnh như khó há miệng, cứng hàm, cứng cơ toàn thân cần phải đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, dù tỉ lệ tử vong của bệnh uốn ván chỉ từ 2-5%, nhưng với các đối tượng có bệnh lý nền như thiếu máu cơ tim cục bộ, suy tim, suy gan, suy thận, các bệnh lý nhiễm trùng khác… thì quá trình điều trị sẽ kéo dài và tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều”, BS. Thủy cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.