Bạn cần biết

Nguyên nhân không ngờ làm trẻ ho hen lâu khỏi

24/01/2018, 09:00

Bên cạnh yếu tố viêm nhiễm do virus, vi khuẩn, nhiều mẹ không ngờ đến yếu tố môi trường sống ô nhiễm…

18

Bệnh hô hấp của trẻ nhỏ thường tái phát khi gặp điều kiện bất lợi về môi trường, thời tiết

Tác hại không ngờ từ khói thuốc

Đưa con trở về sau đợt điều trị hen phế quản cấp với những cơn khó thở liên tục, chị Minh An (Hà Nội) cấm tiệt chồng hút thuốc lá. Theo lời chị An, con trai chị bị ho và trở nặng rất nhanh chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho sâu chuyển thành hen phế quản, phổi nghe có tiếng rít, kèm theo khó thở khiến chị vội vàng đưa con nhập viện. Những cơn khó thở do co thắt phế quản, khiến nồng độ oxy trong máu xuống quá thấp, buộc bác sỹ phải nhanh chóng cho thở khí rung. Con trai chị An buộc phải điều trị cấp gần 10 ngày trong viện.

Qua trao đổi với bác sĩ, chị An mới biết, với một đứa trẻ có sức đề kháng kém, đã từng bị viêm tiểu phế quản như con trai chị thì khói thuốc và hơi thở của người hút thuốc chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ tái bệnh và làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. “Trước đó, mình cũng từng nghĩ rằng, ông xã ra ngoài hiên hút thuốc sẽ hoàn toàn không gây hại gì cho bọn trẻ. Thế nhưng theo bác sĩ nói chính hơi thuốc nồng đậm phả dần ra qua hơi thở của người hút thuốc cũng rất nguy hiểm làm mình khá bất ngờ. Trẻ hấp thụ hơi hay khói thuốc thụ động có nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc”, chị An cho biết.

"Mùa đông trẻ hay gặp bệnh hô hấp nên việc giữ ấm cho trẻ vô cùng quan trọng. Bệnh do virus thường là do thay đổi đột ngột đang ấm ra ngoài lạnh, vì vậy, cần cho trẻ mặc ấm, khẩu trang khi ra ngoài và phải tiêm chủng giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền. Tập phản xạ cho trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh, sau khi chơi làm giảm nguy cơ. Bên cạnh đó, đảm bảo cho trẻ một môi trường trong sạch, không bụi bẩn, khói thuốc lá…”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy,Trưởng bộ môn Nhi
ĐH Y Hà Nội

Trao đổi về tác hại của khói thuốc, PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, khói thuốc lá là nguyên nhân cướp đi 6 triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới. Một người hút thuốc lá có thể mất từ 15-20 năm cuộc sống của mình. Hút thuốc lá gây ra hàng loạt các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu, ung thư phổi và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ. “Đặc biệt, khói thuốc lá chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em bị bệnh viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, trí tuệ... của trẻ”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội, các nhà lâm sàng chia bệnh lý hô hấp, các tổn thương đường hô hấp trên, dưới. Bệnh lý đường hô hấp trên hay gặp, ai cũng bị như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai... Bệnh hô hấp dưới nặng hơn và điều trị lâu dài hơn như viêm phổi, hen phế quản, viêm tiểu phế quản. Bệnh hô hấp rất hay gặp ở thời điểm giao mùa, lạnh. Bình thường, cơ thể mỗi người luôn có virus, khi thay đổi thời tiết là thời điểm rất thuận lợi để virus chuyển từ thể không hoạt động sang hoạt động, nhất là đối với trẻ nhỏ vốn sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, các bệnh lý hô hấp đi liền với yếu tố môi trường do mật độ dân số đông, trong nhà, khói thuốc lá làm bệnh lý nặng, tái phát, cơ địa, một số trẻ bệnh mạn tính trước.

Tăng cường miễn dịch bảo vệ hô hấp trẻ vào mùa lạnh

Theo bà Thúy, các bậc phụ huynh không phải thích cho trẻ uống kháng sinh nhưng vì cứ thấy trẻ ốm đi, ốm lại nên sốt ruột cho sử dụng kháng sinh nhiều dẫn đến hậu quả kháng kháng sinh, giảm hệ miễn dịch rất nghiêm trọng. Cần phải hiểu kháng sinh khi vào cơ thể, ngoài công dụng, nó còn các tác dụng phụ. Đơn cử, bệnh nhân sử dụng kháng sinh xong bị tiêu chảy vì kháng sinh diệt vi khuẩn đường ruột do nó không biết chọn cái nào là tốt, cái nào xấu. Trong khi đó, cơ thể có hệ vi sinh vật có lợi và vi sinh vật có hại nghĩa là nó diệt vi sinh vật có lợi và chính vi sinh vật có lợi đó sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn khác. Việc uống kháng sinh diệt vi khuẩn lại vô hình trung làm giảm hệ đề kháng tự nhiên của mỗi người, nhất là ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ không lạm dụng kháng sinh, dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

Bà Thúy cho biết, nhiều phụ huynh cũng thường đặt câu hỏi có loại thuốc nào để tăng cường  miễn dịch cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế không phải đứa trẻ nào cũng cần thiết bổ sung thuốc tăng cường miễn dịch. Bởi theo phân tích của bà Thúy, nếu đứa trẻ đó khỏe mạnh hoàn toàn, được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể đã sinh ra kháng thể để chống lại bệnh hay gặp thông thường trong cộng đồng. Chỉ một số trường hợp cần bổ sung là khi trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng, yếu... Tuy nhiên, với trẻ nhỏ 6 tháng đầu đời thì sữa mẹ là nguồn miễn dịch tự nhiên, cần được tận dụng. 6 tháng sau, hệ miễn dịch giảm dần, lúc đó chúng ta cần bổ sung.

Hiện có nhiều trường phái bổ sung tăng cường hệ miễn dịch. Bà Thúy ví dụ, trong cơ thể hệ thống miễn dịch sinh ra chủ yếu là ở đường tiêu hóa, đó là những vi sinh vật có lợi. Có một số trường phái là cố gắng bổ sung probiotic là những vi sinh vật có lợi tăng cường đề kháng cơ thể nói chung, trong đó có đường hô hấp  nói riêng. Thứ hai có thể có một số chất khi vào kích thích tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Thứ ba, bình thường nguyên nhân gây bệnh là virus, vi khuẩn thì cơ thể sinh ra những kháng thể, vì vậy đưa vào cơ thể những virus, vi khuẩn không hoạt động (dạng chết) để cơ thể sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn đó. “Không nên tùy tiện, việc bổ sung tăng cường miễn dịch cho trẻ phải có bác sĩ chỉ định, tuy thuộc từng loại bệnh mà trẻ mắc phải bệnh đường tiêu hóa dùng loại gì, bệnh đường hô hấp dùng loại gì”, bà Thúy cho biết.

Bà Thúy cũng khuyến cáo, nếu trẻ 3 lần/năm ho tái phát, viêm tai tái phát... kéo dài hàng tuần và lần nào cũng vậy dùng kháng sinh thì nên xét nghiệm chức năng miễn dịch cho trẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.