Chuyện dọc đường

Nhà báo và mạng xã hội

12/01/2019, 20:22

Mạng xã hội có sức cuốn hút rất “ma mị”. Ở trên Facebook, nhiều người thấy tự tin, thoải mái hơn...

img
...Nhưng mạng xã hội cũng đầy cám dỗ tiêu cực

Mạng xã hội có sức cuốn hút rất “ma mị”. Ở trên Facebook, nhiều người thấy tự tin, thoải mái hơn khi thể hiện chính kiến, thể hiện cái tôi của mình.

Sau khoảng 6 năm liên tục chia sẻ những quan điểm cá nhân, đôi khi là than vãn chuyện công việc, chuyện gia đình một cách hài hước, Facebook của tôi được khá nhiều cư dân mạng chú ý.

Sự “nổi tiếng” trên mạng xã hội mang đến cho tôi và nhiều nhà báo khác những điều trước đây chưa từng có. Đó là những mối quan hệ được mở rộng gần như không giới hạn, là những nguồn tin vô cùng đa dạng, phong phú, từ chính thống đến vỉa hè…

Với những trang Facebook có lượng người theo dõi từ vài chục nghìn trở lên thì hiệu quả truyền thông đôi khi không kém gì một tờ báo, thậm chí mức độ tương tác, lan tỏa còn nhanh hơn, mạnh hơn.

Trong thuật ngữ của truyền thông, tôi cũng như nhiều bạn bè, đồng nghiệp được gọi là KOL (có thể hiểu, đó là những người có nhiều người kết bạn, theo dõi. Từ đó, KOL có thể dẫn dắt, định hướng dư luận).

Tất nhiên, trong số hàng nghìn những người được “vinh danh” là KOL thì có những người thể hiện vai trò của mình rất tích cực. Họ dám đưa những cái sai, những bất công lên mạng xã hội một cách nhanh nhất. Từ “áp lực” của mạng xã hội, các cơ quan chức năng thường nhanh chóng xử lý sai phạm, phải nói là nhanh hơn mức bình thường. Nhìn chung, khi nhà báo có thêm công cụ mạng xã hội, nhiều người đã biết sử dụng nó cực kỳ hiệu quả.

Nhưng mạng xã hội cũng đầy cám dỗ tiêu cực.

Tôi từng từ chối rất nhiều đề nghị viết status đánh doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia hay chia sẻ thông tin bất lợi về một cá nhân nào đó. Họ nói thù lao không nhỏ, nếu so với nhuận bút của một bài báo đó là một con số gây shock.

Quả thực, tôi cũng có thể viết được, vì nghề viết còn được gọi là viết lách, nếu cứ viết rồi lách, lách để mình không phải đối mặt với pháp luật, với kiện cáo. Nhưng tôi biết đó là công việc không lương thiện, không bền.

Một đồng nghiệp cũng đã từng chia sẻ, nếu bây giờ bỏ nghề viết báo, chuyển sang viết thuê, “đánh đấm” thuê trên mạng xã hội thì thu nhập không giảm, có khi còn kiếm được rất nhiều tiền.

Thực tế cũng đã có nhiều người trở thành những tên tuổi đáng sợ với mức thu nhập được đồn thổi là lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Trong bối cảnh đó, giới báo chí đặc biệt quan tâm tới bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo mà Hội Nhà báo VN vừa công bố.

Bộ quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, trong đó nêu 8 việc người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Cụ thể, người làm báo không được đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; không đưa ra các quan điểm, chia sẻ cá nhân, hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân đã viết, đăng tải và trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.

Dưới góc nhìn của một người làm báo, một Facebooker, tôi cho rằng việc ban hành bộ quy tắc này là cần thiết, thậm chí còn là muộn. Báo chí hay mạng xã hội ngày nay có nhiều điểm tương đồng, đó là nơi truyền tải thông tin, là nơi thể hiện quan điểm. Mỗi thông tin phát đi cũng đều phải tuân thủ luật pháp.

Ở một số đơn vị báo chí nước ngoài, khi ký hợp đồng với phóng viên, họ có ràng buộc rất chặt chẽ về quy tắc sử dụng mạng xã hội.

Tuy ủng hộ nhưng thú thực tôi cũng có những băn khoăn. Bộ quy tắc khá đầy đủ nhưng có một số điểm có thể hơi “bó buộc” nhà báo. Đành rằng các bài viết không đi ngược với đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng nếu nhà báo có phát hiện, có phản biện tốt, mang tính xây dựng, liệu họ có được nói, được bày tỏ trên mạng xã hội hay không?

Thêm một điều nữa, nhà báo không được thể hiện quan điểm trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác. Thực ra, ở một tòa soạn có hàng trăm con người, hàng trăm góc nhìn, hàng trăm cách tiếp cận vấn đề. Nếu khoác “đồng phục”, nhất nhất đi theo một hướng, một góc nhìn thì chưa hẳn đã tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.