Giao thông

Nhà đầu tư BOT bỏ một trạm thu trên QL1 qua Lạng Sơn

29/05/2018, 11:12

Theo kế hoạch, dự án đặt hai trạm thu, tuy nhiên nhà đầu tư đã chủ động đề xuất bỏ đi một trạm.

ql 1 lang son

QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 qua địa phận hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017

Hơn 100km đường BOT chỉ đặt một trạm thu 

Dự án BOT Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) có tổng chiều dài gần 170km, gồm hai hợp phần: Xây dựng 64km đường cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (dài 105km). Công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng được khởi công vào tháng 7/2015. Dù được đặt nhiều kỳ vọng trong việc rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Lạng Sơn, đảm bảo ATGT, giảm tải cho tuyến QL1 và tạo động lực phát triển KT-XH cho cả khu vực phía Bắc, nhưng sau hơn hai năm triển khai, đến giữa năm 2017, dự án không có chuyển biến do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng.

Bế tắc lên tới đỉnh điểm vào tháng 3/2017, khi Bộ GTVT phải tính đến phương án chấm dứt hợp đồng dự án do nhà đầu tư liên tục vi phạm hợp đồng BOT. Trước tình hình trên, cuối tháng 5/2017, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả gồm: Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Thạch, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn, Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) vào giải cứu dự án thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ) để đảm bảo dự án không bị gián đoạn, vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý. 

Tiếp quản dự án vào đầu tháng 6/2017, liên danh nhà đầu tư cùng doanh nghiệp dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tăng tốc và đã hoàn thành thi công hợp phần tăng cường 105km QL1 vào tháng 11/2017. Hợp phần này đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành, cho phép đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017. Riêng hợp phần cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 hiện đang vào mùa thi công “cuốn chiếu” trên toàn tuyến, dự kiến sẽ về đích vào cuối năm 2019.

“Theo phương án ban đầu, khi chúng tôi tiếp nhận dự án, các bên liên quan khẳng định phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã ký sẽ không hồi tố. Tuy nhiên, với việc đi lại trên một cung đường hơn 100km, nhưng người dân phải hai lần trả tiền thu giá dịch vụ đường bộ là bất cập. Do đó, nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã chủ động kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ xem xét bỏ đi một trạm. Giải pháp này tuy có khó khăn cho phương án tài chính nhưng phù hợp với mong muốn của người dân và đảm bảo sự ổn định hoàn vốn của dự án”. Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư trước đây, để đảm bảo phương án tài chính của dự án khả thi, ngoài các trạm thu giá kín (thu giá theo km sử dụng) trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư được quyền sử dụng hai trạm giá (hình thức thu hở) trên QL1, một trạm tại Km24+900 và một trạm tại Km93+160. Trong hợp đồng dự án cũng quy định rõ, hai trạm thu trên QL1 (Km24+900 và Km93+160) sẽ đi vào hoạt động ngay khi đoạn tuyến QL1 Km1+800 - Km106+500 hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc đặt hai trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên QL1 hiện hữu sẽ tạo thêm khó khăn về chi phí cho người dân khi tham gia giao thông và các doanh nghiệp vận tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư và UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh phương án tài chính dự án theo hướng chỉ thu giá dịch vụ đường bộ tại một trạm trên QL1 tại Km93+160 (bỏ trạm Km24+900), đồng thời bổ sung đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị kết nối vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng và áp dụng thu giá đồng nhất trên toàn tuyến đường cao tốc từ Bắc Giang đến Cửa khẩu Hữu Nghị.

Thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư, đầu tháng 12/2017, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án Bắc Giang - Lạng Sơn trên cơ sở bỏ đi một trạm thu tại Km24+900 QL1 và tổ chức thu giá hoàn vốn tại trạm Km93+900 QL1. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản 173 ngày 2/2/2018.

Miễn giảm giá hơn 3.000 xe, xử nghiêm đối tượng chống đối, cản trở giao thông

Trong diễn biến mới nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/5/2018, Bộ GTVT đã ký kết biên bản bàn giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án BOT Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 cho UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện quản lý.

Tiếp nhận dự án với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định cho phép nhà đầu tư dự án được quyền thu giá hoàn vốn tại trạm Km93+160 (thuộc địa phận xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) kể 0 giờ ngày 1/6/2018. Đồng thời, chính quyền địa phương và nhà đầu tư cũng thống nhất áp dụng chính sách miễn, giảm giá vé cho chủ phương tiện của 29 xã, phường nằm trong phạm vi bán kính 10km xung quanh khu vực trạm thu giá Km93+160 (khoảng hơn 3.000 xe được miễn giảm giá vé).

tram thu gia lang son.

Trạm thu BOT QL1 tại Km93+160 sẽ chính thức đi vào hoạt động từ  0 giờ ngày 1/6/2018

Liên quan đến việc trạm thu Km93+160 QL1 sẽ đi vào hoạt động từ 1/6, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay, mọi công tác chuẩn bị để dự án bắt đầu thu giá sử dụng dịch vụ đã hoàn tất.

“Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động cho nhân dân, doanh nghiệp vận tải ở khu vực trạm thu giá về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của dự án và sự cần thiết phải thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm Km93+160 QL1 để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Đồng thời, chính quyền địa phương đã thực hiện xong công tác thống kê đối với các chủ phương tiện trong phạm vi bán kính 10km ở cả hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn để được hưởng chính sách miễn giảm giá vé”, ông Quang nói.

Đề cập đến công tác đảm bảo an ninh trật tự khi trạm thu giá đi vào hoạt động, ông Quang khẳng định: “UBND tỉnh đã có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ chi tiết cho các lực lượng chức năng gồm: Công an tỉnh, Sở GTVT, UBND huyện Hữu Lũng tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi trạm thu giá đi vào hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những chủ phương tiện có hành vi chống đối, cản trở giao thông”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.