Vận tải

Nhà đầu tư muốn chi 800 tỷ đồng bộ công nghệ 21 sân bay

31/05/2017, 07:43

Một liên danh 3 nhà đầu tư vừa đề xuất được phối hợp với ACV đầu tư hệ thống thiết bị đầu cuối...

14

Việc đầu tư đồng bộ hệ thống dùng chung CUTE được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách

Đồng bộ công nghệ tại cảng hàng không

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, một liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Công nghệ Thiên Vận, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ hàng không và Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật thương mại AST vừa đề xuất được phối hợp với TCT Cảng hàng không VN (ACV) đầu tư, khai thác hệ thống thủ tục hành khách dùng chung tại các cảng thuộc ACV.

Cụ thể, liên danh này đề xuất thành lập Công ty CP An ninh mạng và Dịch vụ kỹ thuật hàng không, thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống dùng chung CUTE tại các CHK nhằm nâng cao hiệu quả điều hành khai thác CHK, giảm áp lực hành khách tại nhà ga, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, giảm nhân lực phục vụ bay và giảm chi phí cho các CHK và các hãng hàng không.

Nếu được chấp thuận, Công ty CP thành lập mới sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống CUTE thế hệ mới tại 21 CHK trực thuộc ACV với tổng mức đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Hệ thống này sẽ cung cấp giải pháp quản lý sân bay tích hợp, giải pháp xử lý hành khách dùng chung và giải pháp quản lý hành lý dùng chung. Việc đầu tư sẽ được thực hiện theo lộ trình, dự kiến phân kỳ làm 3 giai đoạn. Trong đó, 3 CHK cấp 1 gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng sẽ được đầu tư ngay trong năm 2017. 6 CHK cấp 2 sẽ đầu tư trong quý III, IV/2018. Một năm sau đó, sẽ tiếp tục đầu tư tại 12 CHK cấp 3 còn lại.

Công ty mới cũng sẽ chịu trách nhiệm đàm phán và ký hợp đồng với các hãng hàng không và các khách hàng khác sử dụng hệ thống CUTE trên cơ sở phí dịch vụ CUTE do ACV ban hành; Tái đầu tư nâng cấp, áp dụng công nghệ mới cho các hệ thống hiện hữu theo khuyến cáo của nhà sản xuất thiết bị…

Phía Liên danh cho biết, dự án đầu tư này hoàn toàn có hiệu quả về tài chính với tỷ suất hoàn vốn nội tại lên tới 26%, thời gian hoàn vốn ngắn, chỉ hơn 4 năm.

Không liên quan đến an ninh mạng

Trước thông tin đề xuất thành lập Công ty CP An ninh mạng và dịch vụ kỹ thuật hàng không, ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, chưa nhận được thông tin gì về vấn đề này. Tuy nhiên, một doanh nghiệp cổ phần về an ninh mạng cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Về kỹ thuật đơn thuần để phối hợp, xử lý, theo dõi và cảnh báo là rất tốt. Nhưng về quản lý Nhà nước, thông tin dữ liệu mang tính bí mật Nhà nước, phải xem xét kỹ càng vì đây là hệ thống liên quan đến mạng thông tin trọng yếu quốc gia. “Tôi cho rằng, cần xem xét thận trọng và toàn diện các khía cạnh”, ông Ninh nói thêm.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, cần nghiên cứu kỹ hiệu quả về mặt kỹ thuật khi áp dụng hệ thống CUTE. Trong đó, phải lưu ý tính đồng bộ và kế thừa với các hệ thống hiện đang cung cấp dịch vụ hàng không khác của ACV, tính đồng bộ của hệ thống đối với một số nhà ga quốc tế (tại Đà Nẵng, Cam Ranh) vốn do doanh nghiệp khác, không phải ACV quản lý, khai thác. Ngoài ra, do liên quan đến hãng hàng không với tư cách là người sử dụng dịch vụ nên cũng cần có sự chấp thuận từ các đơn vị này.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, tên của Công ty CP có cụm từ “an ninh mạng” nhưng như đề án thành lập lại chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng không. “Tên gọi của Công ty CP “chưa thực sự ổn”, cụ thể là rộng hơn phạm vi, tính chất hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ của công ty. Công ty mới nếu được thành lập chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng không, không liên quan đến an ninh mạng nên tên gọi của công ty cần đảm bảo phù hợp với nội dung, tính chất hoạt động kinh doanh”, ông Thanh nói thêm.

Đối với việc đầu tư hệ thống CUTE cho các CHK, ông Thanh cho rằng, rất cần thiết và sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp cho hành khách, hãng hàng không và CHK. “Có thể hiểu đơn giản đưa hệ thống CUTE (Common Use Terminal Equipment) vào là áp dụng phương thức đồng bộ để nâng cấp dịch vụ trong nhà ga hàng không. Trước đây, các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar đều có hệ thống làm thủ tục dịch vụ hành khách riêng. Nếu cảng áp dụng hệ thống dùng chung CUTE sau này, các hãng chỉ nối hệ thống của mình vào. Việc làm thủ tục hàng không tại cảng sẽ thống nhất một công nghệ với tất cả các hãng. Ngoài ra, việc đầu tư này cũng không làm thay đổi các cơ sở hạ tầng hiện hữu do có thể tận dụng lại các trang thiết bị đầu cuối tại CHK”, ông Thanh lý giải.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, quy mô dự án đầu tư bao gồm các hạng mục thiết bị cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng không để phục vụ hành khách tại các nhà ga trên toàn hệ thống CHK do ACV quản lý, khai thác. Do đó, việc đầu tư hệ thống này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của ACV. Nguồn vốn đầu tư dự án do ACV chủ động bố trí. Trong điều kiện ACV khó khăn về nguồn vốn, doanh nghiệp này có thể huy động nguồn lực xã hội để đầu tư.

Phía ACV, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, đây mới là đề xuất của phía liên danh. “Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ báo cáo Bộ GTVT cụ thể về vấn đề này”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Việc đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, nếu ACV làm sẽ cần kinh phí lớn để đầu tư theo tiêu chuẩn và thực hiện thu phí khai thác của các hãng. Hệ thống này không hề ảnh hưởng đến an toàn, an ninh, chỉ đơn thuần là hệ thống liên quan đến việc làm thủ tục hàng không cho hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.