Điện ảnh

Nhà sản xuất Việt huy động vốn cộng đồng làm phim

19/12/2018, 07:21

Huy động vốn cộng đồng làm phim là hình thức không mới trên thế giới, nhưng rất mới ở Việt Nam.

bsongoc_7135

Nhà sản xuất Nguyễn Tấn Trực (ở giữa, bên trái)

Gọi vốn cộng đồng đang là hình thức huy động vốn làm phim được nhiều nhà làm phim độc lập để có chi phí sản xuất phim. Mới đây, Ngộ Entertainment - nhà sản xuất của những bộ phim như Hùng Ali và Sáu lóc cóc; 4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu... cũng vừa thiết lập hình thức gọi vốn cộng đồng để sản xuất các bộ phim điện ảnh. Nhà sản xuất Nguyễn Tấn Trực - Giám đốc Ngộ Entertainment đã có những chia sẻ với Báo Giao thông về hướng đi mới này.

Lý do gì khiến anh quyết định thực hiện hình thức kêu gọi góp vốn cộng đồng?

Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã phát triển một bước khá xa, nhưng vẫn có những khó khăn mà các nhà làm phim gặp phải, đó là nguồn vốn. Các bộ phim điện ảnh đòi hỏi số tiền đầu tư khá lớn, mà vốn tư lại san sẻ chỉ có 2 đến 3 cổ đông, nhà đầu tư. Chúng tôi tìm đến con đường này để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư quản trị, cũng như để tiệm cận gần hơn đến với khán giả. 

Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu những ưu, khuyết điểm của cách thức huy động vốn trên nền tảng này, bỏ bớt những thứ không phù hợp và kết hợp thêm nhiều tính năng trên nhiều nền tảng gọi vốn từ các trang khác, để tạo ra cho riêng mình hình thức gọi vốn SCS (chia sẻ - kết nối - chia sẻ). Nền tảng này kết nối trao đổi các giá trị lợi ích trong việc kết nối mọi giá trị chia sẻ với nhau.

Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung huy động vốn vào các dự án điện ảnh của Ngộ  Entertainment sản xuất, hoặc từ các dự án mà chúng tôi hợp tác theo yêu cầu liên kết từ các đơn vị khác cũng có nhu cầu gọi vốn qua nền tảng SCS này.

Làm phim ở Việt Nam, việc kêu gọi đầu tư đã khó, anh nghĩ thế nào về khả năng thành công của hình thức góp vốn cộng đồng?

Nguồn vốn hạn hẹp, kinh phí hạn chế, càng không thể trông đợi từ nguồn vốn ngân sách cho doanh nghiệp sản xuất phim nhỏ lẻ thì tôi nghĩ, việc huy động vốn từ cộng đồng, đặc biệt là những người đam mê điện ảnh có thể coi như một "kênh" mới nhằm tìm kiếm kinh phí sản xuất phim đều đặn. Hướng đi này không mới với khá nhiều dự án phim lớn ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, cách thức này vẫn mới mẻ,

Tôi đã theo nghề làm phim 14-15 năm, thú thật chỉ có nguồn thu nhập chính từ làm phim. Để tồn tại thì cần thay đổi và phát triển. Điện ảnh thế giới đã và đang làm, chúng ta cũng phải làm mới mong được hội nhập và tiệm cận sự phát triển của ngành Điện ảnh.

Anh nhận thấy, cách thức huy động vốn này có những ưu và nhược điểm ra sao?

Hình thức gọi vốn cộng đồng này gói gọn chỉ 2 chữ "cộng đồng". Chính cộng đồng đầu tư này là cộng đồng khán giả đầu tiên của dự án. Qua sự tương tác, ủng hộ sẽ tạo nhiều giá trị doanh thu cho dự án và tất cả đều có lợi.

Thế nhưng, việc xây dựng cộng đồng thì phải có tổ chức hợp pháp và cam kết các tiêu chí. Điều lệ được đặt ra phải phù hợp và mang lại hiệu quả lợi nhuận nhất cho tập thể. Không thể chỉ vị kỷ, phục vụ cho lợi ích cá nhân của riêng ai hay lợi ích nhóm.

Anh làm thế nào để kêu gọi được nhiều sự chung tay góp vốn? 

Chúng tôi có những ưu đãi đặc biệt trong chiến lược kinh doanh khi xây dựng cộng đồng đầu tư này. Điều này sẽ được chia sẻ cụ thể  và trực tiếp hơn với các nhà đầu tư. Ngoài việc hoàn vốn và chia sẻ lợi nhuận kinh doanh phim cho các nhà đầu tư, các nhà đầu tư còn được hưởng thêm các giá trị khác như tham gia các sự kiện cùng đoàn phim, được tặng thẻ xem phim, quà lưu niệm, vật phẩm có logo, nhận diện tên phim...

Từng có những dự án phim được thực hiện theo hình thức này nhưng huy động không thành công. Theo anh, điều khó khăn khi thực hiện hình thức góp vốn này là gì?

Cái khó đầu tiên là làm sao phải có quy chuẩn sản xuất và định hình cụ thể dòng sản phẩm của ban quản trị dự án, với các tiêu chí nhất định phù hợp và qua sự kiểm duyệt của Cục Điện ảnh. Dự án vẫn phải đảm bảo tính giải trí, nghe nhìn phù hợp với số đông khán giả mới tạo được doanh thu tốt.

Thêm nữa, sản phẩm mang yếu tố kinh doanh nghệ thuật thứ 7 này phải biến một sản phẩm từ vô hình thành những bản mẫu hữu hình để những nhà kinh doanh, đầu tư nhận thức rõ về sản phẩm. Cũng phải có đề án kinh doanh rõ ràng, số liệu cụ thể, minh bạch tài chính và các thỏa thuận cam kết chắc chắn về việc chia sẻ các giá trị lợi nhuận cho nhau. 

Anh có kế hoạch thế nào để vượt qua được khó khăn ấy?

Chúng tôi nhờ các cơ quan thông tấn, báo đài, các chuyên gia kinh tế phối hợp. Chúng tôi cũng liên kết các cổ đông và nhà đầu tư quản trị, cộng đồng doanh nghiệp tài trợ và các đơn vị phát hành, các đơn vị rạp chiếu và nhất là các hiệp hội điện ảnh. Họ sẽ cùng chia sẻ góp ý và xây dựng phát triển cho một mô hình xây dựng vốn cộng đồng trên nền tảng SCS.

Hiện tại, Ngộ Ent. đã có dự án cụ thể nào để thực hiện theo hình thức này hay chưa?

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai áp dụng đầu tiên vào dự án điện ảnh mang tên "Dr.Dating - Vua sát gái", sau đó sẽ tiếp tục 2 dự án "Hẹn Yêu" và “"Đường về". 

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.