Quản lý

Nhà thầu yếu hết “cửa” vào dự án giao thông

06/05/2015, 10:37

Công bố kết quả thực hiện, xếp hạng các nhà thầu là cơ hội tốt để các chủ thể tự soi lại chính mình.

81
Dự án hầm chui tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội) do nhà thầu Cienco 4 thi công bảo đảm an toàn, đúng tiến độ - Ảnh: Hồng Phương

Hôm qua (5/5), trả lời Báo Giao thông, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) khẳng định, sau 3 năm triển khai, đánh giá kết quả thực hiện và xếp hạng các nhà thầu tư vấn và xây lắp giao thông đã dần loại bỏ các nhà thầu yếu kém, đồng thời tiết giảm tối đa tổng mức đầu tư, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án giao thông.

82
Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT

Đánh giá, xếp hạng Tạo “sân chơi” công bằng

Bộ GTVT vừa công bố kết quả thực hiện, xếp hạng đối với nhà thầu xây lắp và các tổ chức tư vấn ngành GTVT năm 2014. Sau ba năm liên tiếp triển khai, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chủ trương này?

Trước hết, tôi khẳng định, việc công bố kết quả thực hiện và xếp hạng các nhà thầu là cơ hội tốt để tất cả các chủ thể tự soi lại chính mình, xem bản thân đang ở đâu trong bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực đầu tư xây dựng giao thông nhằm nâng cao năng lực và thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, chủ trương này còn thể hiện sự công khai, minh bạch trong công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông.

Theo kết quả công bố của Bộ GTVT, ở lĩnh vực xây lắp có 442/515 nhà thầu đáp ứng yêu cầu; 30/515 nhà thầu xây lắp được xếp hạng ở mức độ đáp ứng trung bình và 43/515 nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với nhà thầu tư vấn, Bộ GTVT xếp hạng các đơn vị theo từng lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy - hàng hải, hàng không và được nhóm lại thành các nhóm xếp theo thứ tự điểm đánh giá từ cao xuống thấp gồm: Top 10, Top 20, Top 50, Top 100 và nhóm còn lại.

Đối với nhóm tư vấn thiết kế đường bộ có 108 đơn vị được xếp hạng, đường sắt (8 đơn vị), đường thuỷ nội địa - hàng hải (8 đơn vị), hàng không (3 đơn vị); Đối với nhóm tư vấn giám sát đường bộ có 90 đơn vị được xếp hạng, đường sắt (4 đơn vị), đường thủy nội địa - hàng hải (6 đơn vị) và hàng không (4 đơn vị).

Năm 2013, Bộ GTVT lần đầu tiên công bố kết quả đánh giá các nhà thầu tư vấn và xây lắp. Đây cũng là thời điểm Bộ GTVT đang triển khai hàng loạt các dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư rất lớn, trong đó có nhiều dự án trọng điểm áp dụng cơ chế chỉ định thầu như dự án: Nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Do đó, việc định hướng, lựa chọn các nhà thầu tư vấn và xây lắp có năng lực tốt để triển khai các dự án này có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình.

Đối với các nhà thầu xây lắp bị đánh giá ở mức không đáp ứng yêu cầu hoặc ở mức trung bình, Bộ GTVT đều khuyến cáo các chủ đầu tư, ban QLDA không lựa chọn. Bộ GTVT cũng đưa ra yêu cầu rất cao với các nhà thầu tư vấn thiết kế bởi chất lượng của tư vấn thiết kế ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, tổng mức đầu tư của công trình. Do đó, đối với các dự án áp dụng cơ chế chỉ định thầu, Bộ GTVT yêu cầu chỉ lựa chọn những nhà thầu tư vấn được xếp hạng trong top 20 làm tư vấn chính. Các tư vấn còn lại chỉ được làm thầu phụ.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu là để nâng cao hiệu quả và chất lượng của các công trình giao thông. Điều này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Hiệu quả và chất lượng công trình giao thông chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp là những yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình này. Chất lượng tư vấn tốt, công trình sẽ tiết giảm được tổng mức đầu tư, nhà thầu xây lắp tốt thì thời gian hoàn thành dự án mới được đảm bảo hoặc vượt tiến độ, từ đó tiết giảm được rất nhiều giá thành xây dựng bởi thời gian thi công càng kéo dài thì chi phí cho dự án càng tăng lên. Thực tế, trong vòng ba năm gần đây, qua rà soát, ngành GTVT đã tiết giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án.

Trước đây, tình trạng dự án giao thông bị chậm tiến độ xảy ra khá phổ biến. Chuyện công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng thường xuyên xảy ra. Nhưng vài năm gần đây, các hiện tượng này đã chấm dứt. Theo tôi, có được kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của việc thực hiện chủ trương đánh giá, xếp hạng năng lực các nhà thầu tư vấn và xây lắp mà Bộ GTVT đã triển khai trong ba năm qua.

83
Công ty Phương Hồng, một nhà thầu giao thông đang bảo trì mặt đường bằng vật liệu mới tại Thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, Bắc Giang - Ảnh: Trần Duy

Nhà thầu vi phạm giảm liên tục

Như ông nói, việc đánh giá kết quả thực hiện và xếp hạng sẽ sàng lọc và loại bỏ các nhà thầu yếu kém. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án vẫn còn có nhà thầu yếu năng lực?

Từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT đã kiên quyết xử lý nhiều nhà thầu xây lắp yếu kém, không đáp ứng năng lực, yêu cầu, thậm chí nhiều đơn vị còn bị đuổi khỏi hiện trường dự án. Tuy nhiên, số lượng nhà thầu yếu kém bị xử lý đã giảm dần sau các năm. Điển hình như năm 2012, số lượng nhà thầu vi phạm bị xử lý lên đến vài chục, đến năm 2014 chỉ còn khoảng 10 đơn vị. Từ đầu năm 2015 đến nay, gần như chưa có nhà thầu nào vi phạm phải xử lý.

Cũng cần phải nhấn mạnh, với các nhà thầu xây lắp, kết quả đánh giá thực hiện của các đơn vị này chỉ là một “kênh” để chủ đầu tư, ban QLDA tham khảo, xem xét trong quá trình chọn lọc nhà thầu đối với các dự án áp dụng cơ chế chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước chứ nó không phải là tiêu chí quyết định đến kết quả lựa chọn nhà thầu. Còn đối với các dự án sử dụng vốn ODA, việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây lắp phụ thuộc vào các quy định của nhà tài trợ.

Các năm trước, sau khi Bộ GTVT công bố kết quả xếp hạng đối với nhà thầu, một số ý kiến bày tỏ không đồng tình. Năm nay thì thế nào, thưa ông?

Hiện tại, ở hạng mục đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp chúng tôi chưa nhận được bất cứ một ý kiến phản hồi nào của các đơn vị được đánh giá. Tuy nhiên, đối với các việc xếp hạng năng lực các tổ chức tư vấn đã có hai ý kiến phản hồi qua điện thoại và đều được chúng tôi trả lời cặn kẽ và thoả đáng.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng (Tư vấn Trường Sơn):

Động lực để nhà thầu tự đổi mới

Thực hiện việc xếp hạng nhà thầu tư vấn như cách làm của Bộ GTVT là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp các chủ đầu tư, ban QLDA lựa chọn được những nhà thầu tư vấn tốt có đủ năng lực thực hiện dự án mà còn ngăn chặn, loại bỏ những đơn vị yếu kém tham gia vào các dự án, công trình giao thông. Từ đó, tạo ra động lực to lớn để các đơn vị phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Phạm Xuân thủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty XDCTGT 8:

Cơ hội phấn đấu vươn lên

Kết quả đánh giá nhà thầu vừa được Bộ GTVT công bố đã phản ánh đúng năng lực của các đơn vị xây lắp ngành GTVT. Đây là căn cứ quan trọng để các chủ đầu tư sơ tuyển và lựa chọn được những nhà thầu xây lắp có đủ năng lực tham gia thực hiện các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các nhà thầu tự xem xét, soi lại xem đơn vị mình đang đứng ở đâu để có sự phấn đấu vươn lên.

Đ.Q

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.