Chất lượng sống

Nhập viện vì giải nhiệt sai cách

06/06/2016, 05:54

Vào những ngày hè nóng nực này, nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.

thuc-pham-sach

Ngày nắng nóng, nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độcthực phẩm rất dễ xảy ra nên cần chọn thực phẩm tươivà bảo quản đúng cách

Ngoài tăng cường các thiết bị làm mát, việc lựa chọn các thực phẩm giải nhiệt cũng được quan tâm trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Tuy nhiên, việc lạm dụng hay dùng sai cách các loại thực phẩm giải nhiệt có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Nước “giải nhiệt”: đừng lạm dụng

Gửi con về bà nội mới được hơn một tuần thì chị Hoàng Minh Ngọc (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) tá hỏa khi thấy bà gọi điện báo bé Nhím phải nhập viện vì “mất nước”. Được các bác sĩ chăm sóc, bé Nhím đã hồi phục nhanh chóng. Chị Ngọc hỏi ra mới biết nguồn cơn con bị mất nước lại do bà nội “chăm cháu” quá. Theo đó, vào mấy ngày nắng nóng vừa qua, thấy người bé Nhím nổi đầy rôm, ngứa ngáy khó chịu, nghe hàng xóm, bà nội đã cất công đun nấu hết râu ngô lại rễ chanh cho cháu uống cả ngày thay nước lọc.

Được vài ba ngày, thấy Nhím có biểu hiện bất thường như ít vận động, mệt mỏi thấy rõ, bà vội cho cháu vào viện. “Bác sĩ lý giải, do đó là loại nước có tác dụng lợi tiểu nên khi uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trẻ tiểu thường xuyên, tiểu nhiều, gặp mấy ngày quá nóng trẻ ra nhiều mồ hôi, gây mất nước cho cơ thể”, chị Ngọc cho hay.

Còn chị Nguyễn Mai Anh (trú tại Trần Hưng Đạo, Hà Nội) vừa phải nghỉ làm vì bị “miệng nôn trôn tháo” chỉ sau 1 ngày uống gần 2 lít nước rau má. Chị Mai Anh kể: “Mấy ngày nóng quá, mặt em lấm tấm nổi mụn. Thấy bác hàng nước đầu ngõ bán nước rau má đóng sẵn chai nên mua về uống, nhưng ai ngờ… Giờ thì cạch”. Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng), rau má tính hàn, có công dụng giải nhiệt nên được nhiều người sử dụng, nhất là trong những ngày nắng nóng như vừa qua.

Tuy nhiên, việc lạm dụng, uống nhiều loại nước này lại dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy, nhất là đối với người có thân nhiệt thấp, bụng yếu. Chưa kể hiện rau má được trồng rất nhiều nên không loại trừ loại rau này cũng bị phun thuốc, khiến người dùng dễ bị ngộ độc. Do đó, khi sử dụng rau má, cần được ngâm rửa kỹ càng, đồng thời khi dùng nên ăn kèm thêm lát gừng để trung hòa tính hàn của rau má.

Ông Trung cũng cho hay, mùa hè các loại rau củ quả như bí đao, dưa chuột, dưa hấu, sắn dây, mùng tơi, bầu, mướp… mát cho cơ thể nên khuyến khích sử dụng. Còn các loại quả như dứa, ổi, mít mang tính nóng nên hạn chế. “Về nguyên tắc phải sử dụng thực phẩm hợp lý, cân bằng cho cơ thể, tuy nhiên hoa quả hàn hay nhiệt cũng có tính chất tương đối vì tùy cơ địa có thể hợp với người này nhưng lại kỵ với người khác”, ông Trung khuyến cáo.

Cẩn trọng lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Để giữ gìn sức khỏe trong những ngày nắng nóng như hiện nay, điều quan trọng nhất là cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với những ai hay làm các công việc nặng nhọc, mất nhiều mồ hôi, phải kịp thời bù chất điện giải để tránh hậu quả đáng tiếc. Tiếp đến là các bữa ăn đủ năng lượng. “Cần lưu ý, những ngày hè nắng nóng, cơ thể thường dễ mỏi mệt gây cảm giác chán ăn vì vậy nên thay đổi cách thức chế biến để bữa ăn vẫn đủ chất, dễ ăn”, ông Hưng nói.

Củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Do vậy, với trẻ nhỏ hay mắc rôm sảy có thể giải nhiệt cho trẻ bằng cách uống nước sắn dây. Tuy nhiên, lưu ý chỉ cho trẻ uống khoảng 2 thìa bột sắn dây/ngày”.

Lương y Vũ Quốc Trung

Cũng theo ông Hưng, vào những ngày hè nóng nực này, nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là nhiệt độ cao thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển ở thực phẩm nếu không bảo quản tốt. Đặc biệt là ở các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa vốn là các chất giàu đạm.

Về vấn đề này TS. Trần Đình Bắc, Cục phó Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chú ý bảo quản đúng cách, nhất là trong điều kiện nắng nóng. Khi chế biến ở nhà, cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế sử dụng thức ăn thừa. Khi bảo quản, không được để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. “Ngay với món canh cua mồng tơi, vốn rất mang tính giải nhiệt tốt trong ngày hè, nhưng đã có gia đình ngộ độc món canh này chỉ vì bất cẩn trong bảo quản”, ông Bắc ví dụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.