Kinh tế

Nhiệt điện than gây ô nhiễm, dân sống trong sợ hãi (kỳ 2)

11/04/2017, 13:47

Hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than được xây dựng sát khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống.

33

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả xả khói dày đặc ra môi trường - Ảnh: Tin247

Hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than được xây dựng sát khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống. Một nghiên cứu của thế giới đã chỉ ra, nhiệt điện than liên quan đến hơn 4.000 ca tử vong sớm tại Việt Nam năm 2015 và có thể tăng lên con số hơn 20.000 vào năm 2030.

10 năm sống dưới ô nhiễm “bẫy điện”

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 7 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 4.150MW, chiếm 16% tổng sản lượng điện cả nước. Trong số này, chỉ có 2 khu vực nằm xa khu dân cư, là Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê và Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, 2. Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ có thêm khoảng 4-5 nhà máy nhiệt điện nữa, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Thăng Long, công suất 600MW, được khởi công xây dựng tháng 10/2014, tại huyện Hoành Bồ.

Riêng tại TP Cẩm Phả, người dân nơi đây đang bị “bao vây” bởi 4 nhà máy nhiệt điện than. Có mặt tại khu vực Nhà máy nhiệt điện than Cẩm Phả, PV Báo Giao thông ghi nhận trong vòng bán kính chưa đầy 1km, có hàng chục cột điện cùng hàng trăm loại dây điện khác nhau bao trùm lên toàn bộ khu dân cư cùng hai đường điện cao áp 220KV và 110KV, biến nơi đây trở thành 1 cái “bẫy điện” đầy nguy hiểm.

"Tất cả các giai đoạn trong vòng đời sản xuất điện than từ khai thác, chế biến, vận chuyển, đốt và xử lý tro xỉ đều thải ra các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm các loại bụi, khí độc (SO2, NOx, CO...) và các loại khí nhà kính. Trong các chất gây ô nhiễm, bụi siêu nhỏ PM2.5 có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lớn nhất vì loại bụi này có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc và có khả năng đi sâu vào phế nang. Mức độ ô nhiễm PM2.5 do nhiệt điện than gây ra được cảnh báo ở mức độ nghiêm trọng vào năm 2030”.

(Nghiên cứu của GreenID)

Anh Hân, người dân tổ 5 , Khu 4A, Cẩm Thịnh, Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết: “Từ ngày có đường dây cao áp chạy qua nhà và cái cột điện án ngữ trước sân, cả nhà thường xuyên bị mất ngủ, mệt mỏi và rất khó chịu, đặc biệt là những hôm có sương mù và mưa rào là dây điện lại nổ lép bép phóng ra những tia điện, khiến cả nhà luôn sống trong sợ hãi”. Nhà sống nhiều thế hệ và có rất đông trẻ con, anh Hân lặng nhìn thở dài: “Biết là ảnh hưởng xấu, cũng muốn chuyển đi mà không có điều kiện, nhiều lúc nghĩ mà thương lũ trẻ lắm, cứ tới lúc thời tiết giao mùa, trẻ con khu này nhập viện vì ho bao giờ cũng nhiều hơn các khu khác”.

Tương tự, hộ anh Thủy ngay sát cạnh cũng cho hay: “Dây điện giăng khắp nơi, sống gần nhà máy này đương nhiên là bị ảnh hưởng bởi sóng điện, thế nhưng gia đình tôi không hề được đền bù hay nằm trong diện đền bù. Đáng lẽ khi xây dựng nhà máy, nên di dời chúng tôi đi chỗ khác sinh sống nhưng cho đến nay có lẽ không bao giờ thực hiện được”.

Không những vậy, trong nhiều năm qua, gần 100 hộ dân tại đây phải nín thở chịu đựng khói bụi ô nhiễm và tiếng ồn từ nhà máy. “Nhà tôi không có mái che như những nhà khác nên chỉ cần nhà máy xả khói là nhà có thể vừa lau sạch bong bụi lại bám dầy hàng cm, trắng xoá nhà”, cô Tâm, người dân tại đây cho biết.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân gần Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, thông thường một tuần nhà máy có tới 3 lần xả thải, nhưng thường diễn ra vào ban đêm. “Mỗi lần xả không chỉ khói bụi mà còn kèm theo hàng loạt tiếng nổ như sấm rền, không thể nào ngủ được, hơn nữa còn có mùi rất khó chịu giống như đốt than tổ ong. Thiết bị của Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả do người Trung Quốc lắp đặt và sửa chữa, có thể vận hành nhiều năm nên đã xuống cấp. Nhiều hôm, hai ống khói thải ra khói đen xì”, ông Hiệp, một người dân chia sẻ.

Hàng ngàn người dân chết yểu vì nhiệt điện than?

Mới đây, báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than Việt Nam, của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID - một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Đây cũng là tổ chức đi tiên phong trong thúc đẩy ngành năng lượng bền vững) chỉ ra, các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, sức khỏe con người ngay từ giai đoạn xây dựng và vận hành. Trong cuộc khảo sát được tiến hành bởi GreenID đối với người dân sống xung quanh hai dự án nhà máy nhiệt điện than trong quá trình xây dựng (Duyên Hải và Thái Bình), 100% người dân cho rằng, chất lượng không khí thấp hơn kể từ khi dự án bắt đầu.

Đối với các nhà máy đã vận hành, nghiên cứu cũng chỉ ra tác động ô nhiễm tới nguồn đất, nước và không khí trong quá trình đốt than trong nồi hơi và xử lý tro xỉ than. Theo đó, phần lớn các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ cũ (lò hơi dưới tới hạn) với hiệu suất tương đối thấp. Điều này đồng nghĩa, khí thải gây ô nhiễm cao hơn so với công nghệ khác. Nghiên cứu tại Nhà máy nhiệt điện than Mạo Khê cho thấy, nồng độ các kim loại nặng, các chất độc hại trong nguồn nước đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép...

Đáng nói, việc gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân xung quanh dự án nhà máy nhiệt điện than đã được phản ánh khá rõ nét. Cuộc khảo sát năm 2015 của GreenID cho thấy, 73% hộ gia đình sống tại khu vực Nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải cho biết họ phải tăng chi phí chăm sóc sức khỏe đáng kể so với trước khi nhà máy hoạt động. 51% số người được hỏi gần khu vực nhà máy điện Vũng Áng cũng cho rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của họ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước. Theo đó, người dân mắc bệnh về đường hô hấp cao nhất (69%), tiếp theo là các bệnh về mắt (32%), da (26%) và các bệnh tiêu hóa (19%).

Tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, nơi tập trung các mỏ than chính và nhà máy điện than Quảng Ninh, tần suất nhập viện của người dân khu vực này trong năm 2014 cao hơn so với những năm trước, 77% hộ gia đình có người mắc bệnh đường hô hấp, trong đó 44% hộ có người mắc các bệnh mãn tính.

Mới đây, nhóm nghiên cứu trường Đại học Harvard đã công bố báo cáo nghiên cứu về tác động của nhiệt điện than và gánh nặng bệnh tật tại 5 nước châu Á trong đó có Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn tới 4.250 ca tử vong sớm ở Việt Nam vào năm 2011 và dự báo con số này sẽ tăng lên gần 20.000 người vào năm 2030 nếu tất cả các nhà máy điện than trong Quy hoạch điện VII đi vào vận hành. Tháng 3/2016, Quy hoạch điện VII được điều chỉnh, giảm 20.000 MW điện than, do đó, số ca tử vong vào năm 2030 ước tính giảm xuống còn 15.700 người.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.