Thời sự

Nhiều đại biểu không tán thành có thêm 1 kỳ họp về xây dựng luật

23/04/2014, 19:10

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Chính phủ đề xuất Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật vào năm 2015, tuy nhiên, nhiều đại biểu không tán thành.

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Chính phủ đề xuất Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật vào năm 2015, tuy nhiên, nhiều đại biểu không tán thành.

Ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH. Theo Tờ trình của Chính phủ, để thi hành Hiến pháp sửa đổi cần ưu tiên bổ sung vào Chương trình năm 2014 các dự án luật về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan; tập trung xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, nhất là về thể chế kinh tế, quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII (tháng 11/2013)
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII (tháng 11/2013)

Để thực hiện được việc này, Chính phủ  đề xuất QH tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến vào cuối tháng 7/2015. Theo phương án này, Chính phủ đề xuất 38 dự án và pháp lệnh. Phương án 2 là QH chỉ họp 2 kỳ như hiện nay và Chính phủ đề xuất xây dựng 34 dự án luật và pháp lệnh.

Cũng trong phiên họp chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục góp ý sửa đổi, bổ sung để Nghị quyết được triển khai phù hợp với Hiến pháp. Phiên thảo luận đã được tổ chức kín.

Liên quan đến đề xuất này, đa số đại biểu không tán thành với phương án tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề mà có thể chỉ tổ chức 2 kỳ họp như hiện nay và kéo dài kỳ họp để có thêm thời gian cho ý kiến vào các dự án luật. Như vậy, các luật vẫn được chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng, trước khi trình Ủy ban Thường vụ QH và QH xem xét, thông qua. 

Tán thành quan điểm chỉ tổ chức 2 kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Trần Văn Hằng cho rằng, có thể kéo dài thời gian để đảm bảo chất lượng và đặc biệt xem xét các dự án ưu tiên, đủ điều kiện, chất lượng.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn tỏ ra băn khoăn bởi "2 kỳ họp mà 36 dự án là quá nặng. Nếu nhiều như vậy thì chất lượng thế nào?", Phó chủ tịch QH nói và đề nghị Ủy ban Pháp luật của QH rà soát lại, tập trung ưu tiên các luật có chương trình, hạn chế nhất việc bổ sung, rút ra, tập trung cho các dự án Luật để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội vào năm 2016.

M.Tiến

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.