Kinh tế

Nhiều luật mới có hiệu lực: Còn nhiều quy định doanh nghiệp chưa thông

02/07/2015, 07:15

Từ hôm qua (1/7), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014, Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực.

42
Những thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp mới thành lập phải thực hiện sẽ giảm một nửa - Ảnh: K.Linh

Từ hôm qua (1/7), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014, Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, do nhiều quy định chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, nên ban đầu doanh nghiệp không tránh khỏi sự lúng túng.

Loại bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh

Có mặt ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sáng 1/7 để làm thủ tục xin cấp mới cho một dự án mới, chị Nguyễn Thị Tuyết, Công ty CP nhựa Thăng Long băn khoăn không biết hồ sơ của công ty mình được xử lý theo quy định mới hay cũ. Bởi theo chị Tuyết, công ty gửi hồ sơ tới Sở từ tháng 6, nhưng thiếu một thủ tục về xác nhận của phía kiểm toán, nên hôm nay mới tới bổ sung. Sau khi nghe cán bộ tư vấn, chị Tuyết được biết trường hợp của công ty vẫn xử lý theo luật cũ, nhiều thủ tục và mất thời gian hơn. “Tôi thấy thủ tục thực hiện từ 1/7 chỉ giảm thời gian một nửa so với trước đây”, chị Tuyết nói.

Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), công việc khởi sự kinh doanh sẽ giảm từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục, thời gian gia nhập thị trường giảm từ 34 ngày xuống 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày...

Sáng 1/7, anh Nguyễn Tuấn Vinh cũng đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để làm thủ tục xin cấp mới cho một dự án mở rộng đầu tư của công ty chuyên về đồ gỗ. Sau lúc đầu lúng túng, anh Vinh đã được tư vấn, hướng dẫn và nhanh chóng hoàn thành thủ tục. “Hôm nay tôi chỉ phải làm một thủ tục là được cấp phép và được chấp thuận đầu tư cho dự án mới, rất thuận tiện. Năm ngoái, cũng với phần việc tương tự, tôi phải làm hai thủ tục riêng lẻ là xin giấy chứng nhận đầu tư, rồi lại xin chấp thuận đầu tư”, anh Vinh cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, doanh nghiệp không cần băn khoăn về việc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn đi kèm. Bởi với Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp chỉ cần căn cứ theo những quy định trong luật này để trực tiếp áp dụng. Còn đối với Luật Đầu tư, kể từ 1/7, 3.299 điều kiện kinh doanh tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành. Các bộ, UBND các cấp không được ban hành điều kiện kinh doanh, chỉ có ba cơ quan gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. “Nếu có những quy định trái pháp luật thì các doanh nghiệp phải phản ánh, thậm chí khiếu nại để buộc các cơ quan quản lý phải thay đổi”, Viện trưởng CIEM nói.

Trước đó, chiều muộn (30/6), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành hai văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp) và văn bản công bố điều kiện của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (theo Luật Đầu tư). Bộ cũng đề nghị từ 1/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố cử cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục theo quy định mới được nhanh chóng, thuận lợi.

Lúng túng bảo lãnh bất động sản

Từ ngày 1/7, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) có hiệu lực, trong đó có quy định được nhiều khách mua nhà ngóng đợi, đó là yêu cầu chủ đầu tư trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh. Quy định này giúp người mua nhà tránh được rủi ro, bởi nếu dự án chậm tiến độ, không hoàn thành, ngân hàng sẽ đứng ra bồi thường, đền bù thiệt hại cho khách hàng.

Tuy nhiên, sáng 1/7, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn không biết làm thế nào để ký kết được hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng. Trao đổi với Báo Giao thông , ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng, dù ngày 25/6, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 07/2015/TT-NHNN hướng dẫn bảo lãnh BĐS, nhưng thông tư không có các hướng dẫn cụ thể như: Trường hợp một dự án bị chậm, dừng, khách hàng yêu cầu trả lại tiền thì ngân hàng trả lại bao nhiêu; chậm bao lâu mới được gọi là vi phạm; mức thu phí bảo lãnh là bao nhiêu % tổng giá trị dự án...

“Như thế này là doanh nghiệp và ngân hàng tự thỏa thuận với nhau, mức phí bảo lãnh hoàn toàn phụ thuộc quan hệ giữa chủ đầu tư và ngân hàng”, ông Hà nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dầu khí toàn cầu cũng băn khoăn không biết phía ngân hàng sẽ bảo lãnh tín chấp hay thế chấp; mức phí bảo lãnh là bao nhiêu. “Đã là bảo lãnh thì trách nhiệm của ngân hàng là chịu rủi ro, cho nên chủ đầu tư nào đủ độ tin cậy người ta mới bảo lãnh, chứ không phải dự án nào ngân hàng cũng bảo lãnh. Đây chắc chắn là khía cạnh mà luật pháp phải tính đến. Bởi nếu không có bảo lãnh thì chắc chắn sẽ có nhiều dự án bất động sản trên thị trường không được bán hàng”, ông Hiệp nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.