Góc nhìn

Nhiều nước quản chặt xây cao ốc trong nội đô

06/09/2017, 13:44

Tháng 3 vừa qua, chính quyền TP Davao (Philippines) đề xuất hạn chế độ cao đối với các toà nhà cao tầng...

Chính quyền thành phô Gurgaon

Chính quyền thành phô Gurgaon (Ấn Độ) cho rằng một trong những nguyên nhân gây tắc đường là do xây bừa bãi nhà cao tầng trong nội đô 

Tháng 3 vừa qua, chính quyền TP Davao (Philippines) đề xuất hạn chế độ cao đối với các toà nhà cao tầng xây dựng trong TP. Theo người đứng đầu Văn phòng Phát triển và quy hoạch TP (CPDO) Ivan Cortez: “Chúng tôi sẽ không có thêm tòa tháp Aeon nào nữa”.

Sở dĩ ông Cortez lấy hình ảnh tòa tháp Aeon để so sánh vì hiện nay, tòa tháp này có 33 tầng, cao 90,8m (với hàng trăm căn hộ chung cư và nhiều trung tâm mua sắm chạy dọc Đại lộ J.P. Laurel), được coi là toà nhà cao nhất TP Davao nói riêng và đảo Mindanao nói chung.

Thị trưởng Davao, Sara Duterte đã thành lập tổ soạn thảo đặc biệt bao gồm Văn phòng Phát triển và quy hoạch TP, Văn phòng Luật TP, Văn phòng Kỹ sư TP để phối hợp phác thảo quy định bắt buộc về độ cao đối với các toà nhà chuẩn bị xây. Đây là một phần trong quy hoạch lâu dài của Thị trưởng Davao. Theo ông Cortez, tổ soạn thảo sẽ đưa ra quy định về độ cao dựa trên các điều kiện về đường sá, tác động giao thông và dân số trong một khu vực.

Cụ thể hơn, độ cao của các toà nhà sẽ bị hạn chế tại các khu vực đường phố không thể mở rộng hơn nữa. Bởi, nếu không hạn chế độ cao các toà nhà và kiểm soát việc xây dựng thêm tổ hợp chung cư khi dân số đông lên một cách cục bộ ở một số khu vực sẽ gây áp lực nặng nề lên giao thông, gây tắc nghẽn, thiếu bãi đỗ xe....

Tương tự, từ năm 2011-2012, nhiều TP lớn tại Ấn Độ, Pakistan đã có quy định cấm/hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Từ đầu năm 2011, chính quyền tỉnh Punjab (Pakistan) đã chỉ đạo cơ quan chức năng TP Rawalpindi thực hiện quy định “Sử dụng đất tại TP lớn” để hạn chế hoạt động xây dựng các toà nhà cao tầng. Sở dĩ có quy định này vì giới chức địa phương lo ngại việc xây dựng bừa bãi, không theo quy hoạch tại TP Rawalpindi gây ra các vấn đề dân sinh, trong đó đáng ngại nhất là tắc đường. Ngoài ra, Cơ quan Hàng không dân dụng Pakistan (CAA) từng nhiều lần phản đối xây toà nhà cao tầng tại khu vực lân cận sân bay quốc tế Benazir Bhutto (lớn thứ 3 của Pakistan) vì e ngại rủi ro khi máy bay cất/hạ cánh.

Còn tại TP Gurgaon vốn được đánh giá là Manhattan của Ấn Độ, từ những năm 2012, Cơ quan môi trường của Gurgaon đã ban hành nhiều quy định về xây dựng các toà nhà cao tầng, trong đó tính toán chiều cao của toà nhà chuẩn bị xây dựa trên chiều rộng của đường và khoảng cách tới trạm cứu hoả gần nhất.

Ví dụ, một tòa nhà cao tầng từ 60m trở lên thì phải tương xứng với chiều rộng đường phía trước khoảng 30m và khoảng cách tới trạm cứu hỏa trong phạm vi 2km. Đây là những điều kiện bắt buộc phải thực hiện để xin cấp phép xây dựng/sở hữu các tòa nhà cao tầng. Những quy định này ảnh hưởng tới các đô thị và thị trấn vệ tinh xung quanh TP Gurgaon trong bối cảnh TP này đang phát triển, mở rộng mạnh mẽ trong khi cơ cấu hạ tầng còn yếu kém. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.