Đường thủy

Covid-19 bớt "nóng", địa phương cần khôi phục lại vận tải thủy

25/10/2021, 10:00

Các tuyến vận tải khách bằng đường thủy bắt đầu được mở trở lại theo hướng dẫn của Bộ GTVT, tuy nhiên số lượng vẫn khá hạn chế bởi nhiều lý do.

Nơi mở nơi đóng, khách thưa vắng

Sau hơn 2 tháng phải dừng hoạt động (từ cuối tháng 7/2021), bến phà Vạn Phúc trên sông Hồng, nối huyện Thanh Trì, Hà Nội và huyện Khoái Châu, Hưng Yên hiện đã đưa đón khách trở lại.

img

Các bến phà trên sông Hồng nối Hà Nội với các tỉnh đã hoạt động trở lại, song lượng khách vắng vẻ

Đây cũng là bến phà đầu tiên trên sông Hồng nối Hà Nội với địa phương khác hoạt động trở lại theo hướng dẫn của Bộ GTVT tại Quyết định số 10906 ngày 16/10/2021.

Tuy vậy, để được hoạt động lại, chủ bến phải liên tục kiến nghị với Sở GTVT tỉnh Hưng Yên.

“Khi có hướng dẫn của Bộ GTVT, Hà Nội sớm cho phép các bến phà được hoạt động trở lại từ ngày 16/10, nhưng bên phía Hưng Yên chưa đồng ý. Do vậy, chúng tôi phải nhiều lần kiến nghị.

Sau đó 2 ngày, các bến khách trong khu vực mới được hoạt động trở lại”, ông Phạm Văn Cuông, chủ bến phà Vạn Phúc chia sẻ.

Ghi nhận của PV, trước khi bến phà này tạm dừng để chống dịch, mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô và khoảng hơn nghìn lượt xe máy qua phà.

Doanh thu của bến đạt hơn chục triệu đồng/ngày; song sau gần một tuần mở lại, lượng phương tiện, khách qua phà rất vắng.

“Ở hai đầu bến có 4 phà hoạt động, trước đây mỗi ngày doanh thu vài chục triệu đồng, nhưng từ khi mở lại đến nay, doanh thu chỉ hơn 1 triệu đồng. Mỗi ngày chỉ có hơn chục xe ô tô qua, còn xe máy chủ yếu là người chở rau, thực phầm qua lại”, chủ bến phà cho biết.

Không riêng bến phà trên, các bến khách ngang sông trên sông Hồng nối Hà Nội với Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũng thưa vắng khách.

Lãnh đạo các Đội Thanh tra - an toàn (thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết, dù đã có hướng dẫn mới, song hiện vẫn còn khoảng gần 200 bến đò, phà nối hai tỉnh, thành (chiếm khoảng 50%) chưa được mở lại do địa phương một đầu bến chưa đồng ý. Trong đó có Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ…

Nguyên nhân do một số địa bàn như Việt Trì (Phú Thọ), Ý Yên (Nam Đình), Hà Nam xuất hiện một số ổ dịch mới.

Tại khu vực phía Nam, nơi có gần tuyến tàu thủy vận tải khách cao tốc và nhiều bến phà ngang sông, hiện phần lớn chưa hoạt động trở lại.

“TP.HCM và một số địa phương có chủ trương cho phép hoạt động trở lại các tuyến tàu chở khách cao tốc liên tỉnh, song đơn vị vận tải chưa đăng ký hoạt động trở lại do lượng khách vắng.

Vận tải khách du lịch bằng đường thủy cũng chưa được khôi phục, hiện chủ yếu là vận tải khách nội tỉnh”, ông Bùi Công Phước, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III cho biết.

Ông Huỳnh Văn Út, quyền Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV cũng thông tin, vận tải khách thủy liên tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa khôi phục lại.

Nguyên nhân do địa phương các đầu bến chưa thống nhất mở lại để phòng, chống dịch Covid-19.

Cần tạo thuận lợi tối đa trong việc làm thủ tục, cấp phép

Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, vận tải thủy được tổ chức gắn với cấp độ dịch. Trong đó, vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh chỉ dừng hoạt động ở địa bàn có cấp dịch 4 (nguy cơ rất cao), còn vùng dịch cấp 3 (nguy cơ cao) hoạt động theo nguyên tắc tối đa 50% sức chở phương tiện; còn vùng dịch cấp 1, 2 (nguy cơ thấp, trung bình) hoạt động bình thường.

Ở vùng dịch cấp 3, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh cho phép bến, phương tiện hoạt động. Tuy vậy, thực tế trên cho thấy, khá nhiều địa phương chưa sẵn sàng để mở lại vận tải khách ngang sông.

Ông Phan Văn Duy, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho rằng, để vận tải khách bằng đường thủy khôi phục trở lại, các địa phương hai đầu bến, tuyến cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

“Không chỉ vận tải khách, các địa phương cần thực hiện theo hướng dẫn về xét nghiệm y tế đối với vận tải hàng hóa liên tỉnh.

Bởi hiện vẫn còn địa phương yêu cầu xét nghiệm, cách ly y tế đối với thuyền viên phương tiện thủy vận tải hàng thuộc diện không phải xét nghiệm”, ông Duy nói.

Cũng theo ông Duy, thực tế cán bộ của đơn vị từ TP.HCM đi công tác đến một số địa phương phải thực hiện cách ly y tế dù không thuộc đối tượng trên, gây trở ngại cho công việc.

Phản ánh của một số thuyền viên phía Nam cũng cho thấy, hiện một số trạm kiểm soát trên sông như: An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An… hiện vẫn yêu cầu người trên phương tiện phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được lưu thông.

Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ GTVT, vận tải hàng hóa được hoạt động bình thường ở các cấp độ dịch.

Thuyền viên chỉ phải xét nghiệm khi có triệu chứng ho, sốt hoặc chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu dịch tễ ở vùng dịch cấp 3, 4 hoặc vùng phong tỏa.

Về vận tải hàng hóa, theo Cục Đường thủy nội địa VN và các cảng vụ đường thủy, hoạt động vận tải hàng khu vực phía Bắc diễn ra bình thường, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 500 lượt phương tiện vào, rời cảng bến, với trung bình hơn 500.000 tấn hàng hóa/ngày.

Ở khu vực phía Nam, mức độ khôi phục vận tải chậm hơn. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện mỗi ngày chỉ có trên dưới 100 cảng, bến thủy có phương tiện vào làm hàng, trong khi số cảng, bến dừng hoạt động nhiều hơn 6 lần (hơn 700 cảng, bến).

“Trung bình mỗi ngày có hơn 500 lượt phương tiện chở hàng vào, rời cảng bến, vận chuyển trên dưới 100.000 tấn hàng. Các mặt hàng chủ yếu là cát, đá, lương thực, xăng dầu.

Nguyên nhân còn nhiều cảng, bến phương tiện chưa hoạt động do doanh nghiệp sản xuất, cảng bến chưa đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch Covid-19”, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV thông tin.

Tương tự, tại khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ, mỗi ngày trung bình hiện chỉ có hơn 110 lượt phương tiện vào, rời cảng, vận chuyển dưới 100.000 tấn hàng/ngày; số cảng, bến dừng hoạt động trên dưới 800 cảng, bến, nhiều hơn gấp đôi số hoạt động (hơn 300 cảng, bến).

“Lực lượng cảng vụ tạo thuận lợi tối đa trong việc làm thủ tục, cấp phép vào, rời cảng cho phương tiện thông qua cấp phép từ xa, gián tiếp qua cảng, song việc khôi phục vận tải phụ thuộc vào sản xuất và nhu cầu vận chuyển nên mức độ khôi phục còn chậm”, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III cho biết.

Chủ bến phà Vạn Phúc và một số bến khác trên sông Hồng cho biết, trong thời gian phương tiện phải dừng hoạt động để phòng dịch, bến vẫn phải trả lương cho thuyền viên để giữ chân lao động. Vì vậy, các bến mong được kéo dài thời gian giấy phép hoạt động bến, cũng như thời gian thầu khai thác trừ đi thời gian bến phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.