Xã hội

Nhờ đâu bão Tembin mạnh cấp thảm họa bất ngờ suy yếu?

27/12/2017, 15:14

Theo chuyên gia, thay đổi bất ngờ của bão Tembin do nhiều yếu tố...

bao-tem-bin-1514334517840

Thời điểm dự báo lúc 7h sáng ngày 21/12 của Việt Nam.

Cơn bão số 16 vừa qua là cơn bão muộn và mạnh chưa từng có hướng vào khu vực Nam Bộ. Thời điểm ban đầu, cơ quan khí tượng dự báo khi đổ bộ vào đất liền tối và đêm 25/12, bão sẽ vẫn mạnh cấp 10-11, thậm chí khi sang đến bờ biển phía Tây Nam Bộ vẫn giữ cấp 9, giật cấp 11.

15 tỉnh Nam Bộ đã lên kế hoạch di dời khoảng 1,2 triệu dân và chằng chống hơn 400.000 ngôi nhà.

Tuy nhiên từ 25/12, bão số 16 di chuyển chậm lại và suy yếu nhanh. Đến 22h tối 25/12, khi quét qua Côn Đảo, bão chỉ còn cấp 7-8, giật cấp 9 và đến rạng sáng 26/12 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Nhắc lại về quá trình hình thành cơn bão Tembin, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Từ 1h ngày 20/12 một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở phía Đông Nam Philippines đã mạnh lên thành bão (có tên quốc tế là Tembin) - đây là cơn bão thứ 27 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vào thời điểm này, đồng loạt các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều phát bản tin dự báo về cơn bão này. Đến 7h ngày 21/12, sau khi cơn bão di chuyển vào Nam Philippines thì Việt Nam đã phát bản tin bão gần Biển Đông.

Các đài dự báo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, TQ, Hồng Kông đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ và đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, hướng vào Nam Bộ.

Các đài cũng thống nhất dự báo bão sẽ mạnh dần lên và đạt cường độ mạnh nhất khi vào quần đảo Trường Sa, sau đó sẽ yếu dần. Thực tế bão số 16 có diễn biến đúng như vậy.

bao-tembin-2-1514334517842

Thời điểm dự báo lúc 7h sáng ngày 21/12 của các Trung tâm dự báo quốc tế.

Phía trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho rằng các trung tâm lớn trên thế giới đều dự báo tốt bão số 16 về quỹ đạo và cường độ từ Philippines đến quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão từ sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão.

Do có các trạm đo ở khu vực Biển Đông nên Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát với thực tế cơn bão. Tính tổng thể cả cơn bão 16, độ tin cậy về dự báo cũng tương tự như các nước khác” – ông Cường nhận xét.

Trao đổi trên Tuổi trẻ, ông Lê Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, ở mỗi thời điểm dự báo và cập nhật lên các mô hình có thể sẽ có những sự thay đổi. Những thay đổi này do rất nhiều yếu tố.

" Thứ nhất, nhiệt độ mặt nước biển vào sâu bên trong thì giảm. Cụ thể khi bão đạt giá trị cực đại, ở khu vực đảo Trường Sa nhiệt độ mặt nước biển 28-30 độ C, trong khi vào gần khu vực Côn Đảo nhiệt độ giảm xuống còn 26-27 độ C. Như đã biết, nhiệt độ mặt nước biển từ 27 độ C trở lên là điều kiện lý tưởng cung cấp năng lượng cho bão.

Thứ hai là tác động của không khí lạnh. Dù đợt không khí lạnh tăng cường không mạnh nhưng tác động dần, cùng với yếu tố nhiệt độ mặt nước biển giảm nên làm bão suy yếu và di chuyển lệch nam", Tuổi trẻ dẫn phân tích của ông Hải.

Năm 2017 cũng là năm ghi nhận kỷ lục về số lượng bão vào áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Nếu như năm 2013 xuất hiện 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông thì năm nay đã có 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.